'Cán bộ cấp chiến lược': họ là ai và dân cần gì?

Ánh Liên
(VNTB) Hội nghị Trung ương 7 (ĐH 7) dự kiến xem xét nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có đề án xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội...

Trong đó, nhân sự vẫn là yếu tố chủ chốt mà ĐCSVN hướng tới, bởi nhân tố này liên quan đến vấn đề chống tham nhũng cũng như chi tiêu ngân sách, tầm nhìn và định hướng tương lai của ĐCSVN.

Cán bộ cấp chiến lược: tinh hoa của giới tinh hoa?

'Cán bộ cấp chiến lược' thoạt tiên được hiểu là những người được quy hoạch về mặt lãnh đạo trong tương lai dài hạn, nếu khi còn chiến tranh, nguồn cán bộ này được gọi là 'đi B', thì về sau này, nó được gọi là 'cán bộ nguồn'.
Vì cán bộ cấp chiến lược liên quan trực tiếp đến xây dựng mục tiêu và phương hướng của ĐCSVN nên thành ra, các tiêu chí dành cho đối tượng này cũng cực kỳ đặc biệt.
Nhưng cụ thể nó là gì? Đến nay, vẫn chưa có một định nghĩa hay khái niệm thống nhất và rõ ràng. Và có lẽ vì thế mà vào ngày 24.3 vừa qua, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá cho xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược hiện nay”, trong đó hướng tới việc làm rõ nội hàm cơ bản về đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, các tiêu chí cơ bản của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.
200 ủy viên trung ương khóa XIIl là giới tinh hoa?
Tạp chí Cộng sản cũng tổng hợp lại các tham luận tại hội thảo và đưa ra tổng kết chung như sau: cán bộ cấp chiến lược là người có tư duy tầm chiến lược, nhìn xa, trông rộng và có khả năng hoạch định chiến lược, chính sách chung của Đảng, Nhà nước…; phải hiểu và vận dụng nhuần nhuyễn quan điểm toàn diện; phải thể hiện một cách thuyết phục về đạo đức, về tạo lập các giá trị mới, lan tỏa niềm tin trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; phải có sự trải nghiệm cần thiết, phong phú về thực tiễn chính trị - xã hội của đất nước,...
Cách diễn giải này rất chung chung. Do đó, hãy thử gõ 'cán bộ cấp chiến lược là gì' trên công cụ tìm kiếm (Google). Google ngay lập tức cho ra bài diễn giải của ĐBQH khóa XIV, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân.
Theo vị ĐBQH phụ trách Tài chính và ngân sách Quốc hội thì cán bộ cấp chiến lược 'trước hết, họ là những người có năng lực tư duy vượt trội. Đó là khả năng thấu hiểu quy luật vận động của tự nhiên - xã hội, cảm nhận được những biến thiên của đất, trời, thấu tỏ muôn triệu nhân tâm, để dự báo được quá trình hình thành, phát triển, diệt vong và sự tuần hoàn sinh, tử của vạn vật'.
Và Ủy viên Bộ Chính trị sẽ là người 'thấu hiểu vạn vật'?
Cách diễn đạt nêu trên cho thấy, 'cán bộ cấp chiến lược' là người vượt trội, là giới tinh hoa của tinh hoa đất trời, là người sẽ không có một tỳ vết sai trái nào của con người. Nếu đặt đội ngũ này vào trong cách nhìn tương quan quá khứ, họ có thể là những nhà nhà triết học hiện sinh trong thân xác của một chính trị gia.
Nhưng liệu sự phi thường đó sẽ xuất hiện trong giới lãnh đạo Việt Nam? Và nó sẽ xuất hiện bằng cách nào?
Vấn đề là cơ chế nào xuất hiện những con người tinh hoa đó?
Cũng trong bài của ĐBQH Lê Thanh Vân, ông nhấn mạnh 'để đạt được tố chất ấy, ngoài trí tuệ thiên bẩm' thì đối tượng này cần phải trải qua quá trình học tập, nếu ngày xưa thì qua kỳ thi 'tam trường' (thời phong kiến hủ nho), còn ngay nay thì qua 'những đợt vận động tranh cử ở các quốc gia phát triển'.
Bỏ qua ngôn từ có phần ma mị và và hơi có vấn đề về việc tối đa hóa tính kiệt xuất còn hơn phẩm chất anh hùng trong truyện thần thoại Hy Lạp (bởi thần Hy Lạp còn có gót chân Achilles) thì cách hướng đến cơ chế là điều đáng ghi nhận. Bởi nếu cứ căn cứ vào việc 'đảng cử dân bầu', mà bỏ qua tính 'tự vận động trong tranh cử/ bầu cử' thì hẳn sẽ dẫn đến thiếu hụt tính nhân tài, và làm cho giới lãnh đạo thiếu tính kiệt xuất.
Còn nếu không có một cơ chế sàng lọc nhân tài/ lãnh đạo rõ ràng, mà chỉ chăm chăm vào việc dựng lên một khái niệm 'cán bộ cấp chiến lược' đầy mơ hồ và có phần thần thánh hóa nêu trên thì rõ ràng là một điều không ổn. Nó hoang tưởng còn hơn cả sự hoang tưởng về con đường tiến lên XHCN trong thời kỳ hôm qua.
ĐBQH Lê Thanh Vân - người diễn giải khái niệm 'cán bộ cấp chiến lược' có phần ma mị.
Thực ra mà nói, chỉ cần lãnh đạo có 'tư duy vượt trội' thì đội ngũ này đã là phúc lớn của cả một dân tộc. Bởi hơn ai hết, người dân Việt nam muốn tư duy của lãnh đạo phải đủ tầm, và có cái nhìn tương lai, hơn là những cách nhìn tủn mủn, rời rạc và có phần bám vào quá khứ hiện nay. Và mong muốn lớn nhất của người dân ở lãnh đạo không cần họ phải 'thấu tỏ muôn triệu nhân tâm, để dự báo được quá trình hình thành, phát triển, diệt vong và sự tuần hoàn sinh, tử của vạn vật', mà chỉ đơn thuần là chịu lắng nghe quan điểm, ý kiến, phản hồi của người dân; chấp nhận quan điểm 'đa nguyên, trái chiều', chấp nhận sự phê phán của người dân đối với chủ trương, chính sách mà họ đề ra,...
Nếu cao hơn nữa, thì người lãnh đạo cũng có thể 'thấu hiểu quy luật vận động của tự nhiên - xã hội', nghĩa là nhìn nhận lại mô hình phát triển hiện nay; học tập mô hình chủ nghĩa xã hội xanh tại các nước Bắc Âu như Đan Mạch - Na Uy - Phần Lan - Thụy Điển,... để thấy rằng, mô hình và cơ chế hiện nay rất 'tù', và nó là mô hình không chịu phát triển. Để từ đó khai mở, cải cách, tiến hành đổi mới hệ thống chính trị - xã hội một cách toàn diện, nhằm tiệm cận hơn nữa cơ hội cho sự phát triển quốc gia - dân tộc.
Và người dân chỉ cần 'cán bộ cấp chiến lược' hiểu được như vậy. Tất nhiên, muốn thế hoặc là 'đột biến' hoặc thông qua cơ chế bầu cử dân chủ.
Còn không! Tất cả chỉ là sự mơ hồ và dàn trải, có phần hoang tưởng.
A.L.
Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn