Cái học ngày nay đã hỏng rồi

Ngô Nhân Dụng

Câu thơ của Tú Xương được ông Ngô Nhân Dụng dùng làm tiêu đề cho bài viết của ông quả là rất có ý nghĩa, xét trong các nước mà thể chế cộng sản còn gắng gượng nắm quyền: “Cái học ngày nay đã hỏng rồi” (hay là Đạo học ngày nay đã chán rồi). Nhưng câu thơ thứ hai cũng của Tú Xương nếu tiếp tục đem ra đối chiếu thì hình như lại không đúng nữa: “Mười người theo học chín người chơi”. Chỉ nhìn ở Việt Nam, trừ loại “thái tử đảng” không nói, còn thì con em người Việt bao nhiêu thập niên lại nay, đã đi học là học hết hơi hết sức, lại còn phải học thêm ngoài giờ đến cạn kiệt tiền của của bố mẹ nữa ấy chứ, nhưng học thế mà kiến thức văn hóa chung của các thế hệ vẫn mỗi ngày một tuột dốc. Vì sao? Chính học giả Ngô Nhân Dụng trong bài nói ở đây cũng đã cấp cho chúng ta một lời đáp thực tế hết sức nặng ký. Ông kể câu chuyện một vị Viện trưởng Đại học Bắc Kinh (Bắc đại) được tiếng là trường đại học danh giá lâu đời của Trung Hoa từ thời Dân quốc, vậy mà vừa bị dư luận cả nước Trung Quốc chê bai tới tấp chỉ vì ông ta muốn lặp lại điển tích “chim hồng chim hộc” để nịnh khéo đại soái Tập Cận Bình vừa đến phát biểu ở trường của ông ta có nhắc đến điển tích này, nhưng do không hiểu nên ông ta đã dùng sai mất điển. Trong lời xin lỗi công khai, ông ta có nói, sở dĩ ông ta chẳng hiểu gì điển cố đó vì ở tuổi cắp sách đến trường ông ta chỉ được học trong Mao tuyển nên hiểu biết bị hạn chế nhiều.

Thì các thế hệ học sinh ở Việt Nam hiện cũng đứng trước vấn nạn có khác gì vị Viện trưởng Trung Quốc đâu. Ít nhất một phần ba thì giờ đến lớp của học sinh phổ thông và đại học ở Việt Nam hiện đều phải bỏ vào những môn như lịch sử đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh… bởi thế con em chúng ta ra trường đâu có biết gì lịch sử và văn hóa nước nhà. Nhưng nếu hỏi họ về lịch sử đấu tranh anh dũng của ĐCSVN từ 1930 đến nay, hoặc hỏi những câu chuyện mang tính thần kỳ trong tiểu sử Hồ Chí Minh, thì những cô cậu cử tú kia sẽ trả lời… vanh vách, tất nhiên là trả lời như cái máy.

Thật phúc cho Đảng Ta, nhưng có phải là họa cho đất nước không đây?

Bauxite Việt Nam

Ở bên Tàu người ta đang bàn tán về ông Lâm Kiến Hoa, Viện trưởng Đại học Bắc Kinh, vì ông dùng sai… chữ Hán!

Ông Hoa nói chuyện cho sinh viên nghe, nhân dịp kỷ niệm ngày Viện đại học thành lập được 120 năm. Chắc để bày tỏ lòng trung thành với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Viện trưởng đã nhắc lại một câu mà ông Bình mới nói, nhưng ông không thuộc bài.

Ông Tập Cận Bình khi khuyên bảo các thanh niên nên có chí hướng lớn lao, đã nhắc đến một thành ngữ quen thuộc: Lập hồng hộc chí (li honghu zhi, 立鸿鹄志); hãy nuôi chí lớn như chim hồng, chim hộc.

Ông Lâm Kiến Hoa (林建华) ngồi bên cạnh khi Tập Cận Bình đọc bài diễn văn ở đại học. Hai ngày sau, ông Lâm nói trước mấy trăm sinh viên, giáo sư và quan chức nhà nước, cố ý nhắc lại lời Tập Chủ tịch. Nhưng ông nói lộn, “hồng hộc” thành “hồng hạo” (鸿浩, honghao), hồng hạo nghĩa là con chim hồng lớn. Khi có người đưa câu chuyện lên Internet khiến cả nước đàm tiếu, ngày hôm sau ông Viện trưởng đã ngỏ lời xin lỗi!

Nhiều người Việt học hết bậc trung học chắc cũng biết hai chữ hồng hộc. Đó là những loài chim thuộc giống ngỗng trời, bay cao và bay xa. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã nhắc đến trong một truyện ngắn của ông: “Chim hồng, hồng hộc là con chim lớn, bay cao và xa. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu: “Say hết tấc lòng hồng hộc”. Chim hồng hộc cũng như chim bằng. Chim hồng hộc là con vật truyền thuyết dùng để ví với chí nam nhi, tài bay nhảy. Sách Sử ký có câu: “Yến tước an tri hồng hộc chí” nghĩa là chim én, chim sẻ sao biết chí lớn của chim hồng, chim hộc.

Câu trích trong Sử ký là lời Trần Thiệp, một người nổi loạn sau đời Tần Thủy Hoàng, khi còn trẻ đã tự ví mình như loài chim bay cao. Sử ký viết: Trần Thiệp thở dài nói: “‘Ta hồ, Yến tước an tri hồng hộc chỉ chí tai’. Nghĩa là, Than ôi, loài chim én chim sẻ làm sao biết được chí chim Hồng, chim Hộc”. Thơ Đỗ Phủ, Lý Bạch cũng đều nói đến chim hồng, chim hộc!

Một thành ngữ quen thuộc trong văn chương như vậy mà ông Viện trưởng không biết! Quả là một điều bất ngờ! Đại học Bắc Kinh nổi tiếng với tên tắt “Bắc Đại”, uy tín ngang với đại học Thanh Hoa. Người Trung Hoa nào tự nhận cựu sinh viên Bắc Đại là được nể nang, không khác gì cựu sinh viên Đông Đại (đại học Đông Kinh) bên Nhật, hoặc Oxford ở Anh, Sorbonne ở Pháp, hay MIT, Stanford, vân vân, ở Mỹ. Người ta đang đặt câu hỏi: Kém hiểu biết ngôn ngữ của chính nước mình như vậy, làm sao ông Lâm Kiến Hoa leo lên cầm đầu một trong hai viện đại học lớn nhất nước?

Có thể đoán rằng hoạn lộ của ông Lâm Kiến Hoa cũng theo một con đường quen thuộc trong các nước Cộng sản: Leo lên trong hàng ngũ đảng viên. Được đưa lên điều khiển các đại học, các cơ quan nghiên cứu, không do hiểu biết mà do “chỉ đạo” của Ban Tổ chức trong đảng.

Cộng sản Trung Quốc thế nào, Cộng sản Việt Nam cũng không khác. Tháng Ba năm 2018, ông Nguyễn Tiến Dũng, một Giáo sư có quốc tịch Pháp từ Đại học Toulouse, vừa gửi thư tố cáo ông Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về tội đạo văn!

Ông Dũng nêu ra các “bài báo khoa học của ông” Nhạ cho thấy ông ta đã “tự đạo văn, trích dẫn khống, thiếu trình độ tiếng Anh, hời hợt thiếu khoa học, (đăng bài trên) tạp chí giả khoa học”. Tự đạo văn (self plagiarism) là sử dụng những bài cũ của mình, xào xáo sơ qua biến thành một công trình nghiên cứu mới. “Có 48% nội dung của một bài ông Nhạ được in năm 2013 đã sao chép lại y nguyên vào một bài khác in năm 2014, có thể nói hai bài giống nhau gần 100%”. Ông Dũng dọa sẽ đưa câu chuyện này lên tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; không biết để làm gì!

Trước đây, ông Nguyễn Đức Tồn, cựu Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, bị tố cáo đạo văn của học trò. Ông Tồn, trong cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt”, đã “sao chép gần như nguyên vẹn từ luận án” của hai sinh viên mà ông đã “hướng dẫn”, từ những năm 1995, 1996. Dù bị tố cáo với bằng chứng rõ ràng như thế, ông Tồn vẫn được phong Giáo sư, cho nên câu chuyện mới được đưa ra công chúng!

Ông Trần Ngọc Thêm, Giáo sư Tiến sĩ khoa học, Chủ tịch hội đồng phong chức danh “Giáo sư ngành ngôn ngữ học” cũng thừa nhận ông Tồn đã “đã trích hàng trăm trang trong công trình nghiên cứu của học trò mà không ghi tên đồng tác giả”. Và ông Thêm kết luận: “Điều này chẳng khác là đạo văn”. Nhưng cuối cùng ông Nguyễn Đức Tồn vẫn trở thành Giáo sư thực thụ!

Những ông Giáo sư, Viện trưởng và Bộ trưởng ở Việt Nam chắc cũng chỉ nhờ đảng mà leo lên. Trong khi đó, những nhà trí thức có thực tài và hết lòng với công việc nghiên cứu, giảng dạy và phát triển ngành chuyên môn của mình thì bị bạc đãi, chỉ vì không có “đảng tịch”.

Một người tiêu biểu là Giáo sư Phan Đình Diệu, mới qua đời ở Hà Nội. Nhà báo Huy Đức chứng nhận “Giáo sư Phan Đình Diệu là một trong những người đầu tiên gầy dựng ngành khoa học tính toán của miền Bắc (1968). Năm 1993, ông Nguyễn Văn Hiệu, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, đã loại Giáo sư Phan Đình Diệu (ra ngoài) khi ngành tin học Việt Nam cần một người lãnh đạo có tâm và có tầm nhất”. Một lý do, ông Phan Đình Diệu không chịu làm đơn xin vào đảng! Ông Phan Đình Diệu tuyên bố từ chức Viện phó Viện Khoa học Việt Nam và ra khỏi biên chế.

Hậu quả là, theo Huy Đức nhận xét, “Viện Khoa học Việt Nam nhanh chóng trở thành một nơi ‘nửa hàn lâm, nửa chợ trời’ (theo Tiến sĩ Giang Công Thế). Hàng nghìn cán bộ tài năng trôi giạt khắp nơi. Nền tin học Việt Nam chuyển một cách dứt khoát sang nghề… buôn máy tính”.

Không biết các ông Nguyễn Đức Tồn và Phùng Xuân Nhạ có lời giải thích nào về những lỗi lầm nghề nghiệp bị tố cáo hay không. Nhưng ông Lâm Kiến Hoa ở bên Tàu đã công khai xin lỗi và tìm cách giải thích lý do tại sao mình lại không biết đến chim hồng, chim hộc nên đọc thành hồng hạo. Ông đổ tại cách phát âm, ông nghe “không thủng”. Những chữ “hộc” và “hạo” người Tàu đọc là “hu” và “hao” nhưng nói nhanh có thể giống nhau. Ông Lâm người Cao Mật, tỉnh Sơn Đông (ai đọc truyện Mặc Ngôn chắc quen thuộc với vùng này). Còn ông Tập người Sơn Tây, Đông và Tây cách xa. Vì hơn 2,000 năm trước, Sơn Đông thuộc nước Tề còn Sơn Tây là nước Triệu, ngôn ngữ bất đồng!

Nhưng ông Lâm Kiến Hoa còn nêu lý do xa hơn: “Khi cuộc Cách mạng Văn hóa bắt đầu, tôi học lớp Năm”, ông viết trong lời tự biện bạch. “Trong nhiều năm chúng tôi không có sách học. Thầy cô giáo chỉ bảo học thuộc lòng ‘Trích lời Mao Chủ tịch.’ Những gì tôi biết về lịch sử cận đại Trung Quốc đều do đọc ‘Tác phẩm chọn lọc của Mao Trạch Đông’ và các lời chú thích trong đó”.

Hơn nữa, ông Lâm vốn chuyên về hóa học, không phải khách văn chương. Năm 2015, ông được đưa lên làm Viện trưởng, đứng sau Bí thư Đảng bộ tên là Hác Bình (Hao Ping, 郝平), cả hai chức đứng ngang hàng Thứ trưởng. Việc phong nhậm này hoàn toàn do Ban Tổ chức của đảng quyết định.

Nhưng chúng ta cũng phải ngạc nhiên là một vị Giáo sư, một Viện trưởng đại học, mà không có trí tò mò tìm đoc thơ văn và lịch sử của nước mình! Nếu chịu đọc, thì chắc không thể không biết chim hồng, chim hộc, mà một nhà văn Việt Nam, lớn lên trong thời chiến tranh, như Nguyễn Huy Thiệp cũng biết.

Có lẽ vì mối quan tâm lớn của những người có học vấn trong xã hội cộng sản khác chúng ta! Phấn đầu vào đảng! Phấn đấu leo lên. Kèn cựa vất vả mới leo lên những chức giáo sư, viện trưởng, và bộ trưởng giáo dục! Họ đâu còn đầu óc nào mà tự học thêm! Nếu các sinh viên ngày nay theo gương những người như các ông Nguyễn Đức Tồn và Phùng Xuân Nhạ thì không biết học vấn và hiểu biết của thế hệ tương lai ra sao!

Thế kỷ trước, nhà thơ Trần Tế Xương viết: “Cái học ngày nay đã hỏng rồi!” Bây giờ cũng vậy, nhưng hỏng theo cách khác, theo định hướng xã hội chủ nghĩa! 

N.N.D.

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/cai-hoc-ngay-nay-da-hong-roi/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn