Việt Nam có thoát khỏi thẻ vàng thủy sản?


Phương Thảo (VNTB)



Đánh bắt thuỷ sản là một trong các ngành mũi nhọn đem lại trên 8,3 tỷ đô la cho ở Việt Nam từ việc xuất khẩu thuỷ hải sản. Tỷ trọng xuất khẩu này đã tăng thêm 19% so với năm 2016. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2018 sẽ đạt trên 8,5 tỷ USD.


Thế nhưng đằng sau đó còn có những lô hàng thuỷ sản bị trả về Việt Nam do bị nhiễm kim loại nặng. trong năm 2017, số lô hàng thủy sản Việt Nam bị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo, phát hiện chất ô nhiễm (kim loại nặng như thủy ngân, cadmium) vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Số lô hàng nhiễm kim loại nặng nhập vào EU đã gia tăng đột biến, tăng 2 lần so với năm 2016, tăng 6 lần so với năm 2015.



Có thể gỡ thẻ vàng xuất khẩu thủy sản sang EU? Ảnh: NDH

Trong khi đó, thẻ vàng EU rút ra cho thuỷ sản Việt Nam vẫn còn treo lơ lửng và VASEP đang ráo riết vận động để Eu thu hồi lại thẻ vàng khi thời hạn 6 tháng kết thúc vào ngày 23 tháng 4 năm 2018; thì việc các lô hàng cá bị nhiễm kim loại nặng không phải là bằng chứng thuyết phục cho Châu Âu về việc Việt Nam đã có nỗ lực nhằm làm giảm đi các vi phạm do EU cáo buộc hồi tháng 10 năm 2017.
Cho đến hôm nay báo chí trong nước vẫn chưa có động tĩnh gì về việc thẻ vàng đã được rút hay chưa ngoài hi vọng được gỡ thẻ vàng vào tháng 5. Các tỉnh sống nhờ nghề cá như Bà Rịa Vũng tàuQuảng Nam ,… đang ráo riết cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nỗ lực để Ủy ban Châu Âu sớm thu hồi thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam từ nhiều tháng nay.

Nhiều công ty đã cam kết không mua bán và chế biến hải sản đánh bắt trái phép từ các đảo quốc ở Thái bình dương nhưng đó chỉ mới là một phần của nguyên nhân bị rút thẻ vàng. Phần còn lại là hệ thống kiểm soát quy trình chế biến cá nghèo nàn trước khi cho xuất khẩu vẫn không được chú trọng mà hậu quả rõ ràng là số lượng các lô hàng bị nhiễm kim loại nặng lại tăng cao.

Đây có thể được xem là hệ luỵ của việc xả thải ra biển tuỳ tiện và chính quyền lại đứng sau hậu thuẫn cho các công ty gây ô nhiễm môi trường khủng khiếp như Formosa trong khi mạnh tay đàn áp, bắt giam và tuyên án nặng những ai dám mở miệng chống đối và lên án Formosa Hà Tĩnh như Mẹ Nấm hay Hoàng Đức Bình.
Từ ngày 1-3-2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho thay đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển để “an dân”. Theo đó những chỉ tiêu quan trọng và có liên quan đến ngành luyện gang thép đã được nâng cao giới hạn một cách hào phóng: phenol tăng 15 lần từ 0,002 mg/l lên 0,03 mg/l, tổng dầu mỡ khoáng tăng 2,5 lần từ 0,2 mg/l lên 0,5 mg/l (và kim loại nặng cadmium tăng 2 lần từ 0,005 mg/l lên 0,01 mg/l (tăng 2 lần).

Cá tra/basa Việt Nam cũng đã từng được xuất khẩu mạnh sang EU, nhưng sau khi bị phát hiện còn dư lượng chất kháng sinh vượt mức cho phép thì người dân Châu Âu đã được khuyến cáo cẩn trọng khi sử dụng. Kết quả là hệ thống siêu thị lớn Carefour đã ngưng cung cấp mặt hàng cá basa cho người tiêu dùng ở Bỉ và Tây ban nha trong năm 2017. Lượng cá basa được tiêu thụ ở Châu Âu đã giảm đi 40% và còn tiếp tục giảm nữa dù có giá rất rẻ. Báo chí trong nước và VASEP đã cáo buộc truyền thông Châu Âu bôi bẩn cá basa Việt Nam.

Hai năm trước đây, khi cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung, bà Tiến Bộ trưởng Bộ y tế, ông Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cùng quan chức Quảng Bình thi nhau ăn cá, tắm biển để trấn an dư luận về khả năng gây hại cho người của cá biển và nước trong vùng bị nhiễm độc và có nguy cơ bị nhiễm độc. Hai năm sau, cá nhiễm kim loại nặng bị trả ngược về Việt Nam liệu có quan chức nào giờ dám công khai ăn cá này để trấn an dư luận và chỉ trích EU đã dám bôi xấu ngành cá Việt Nam hay không?

Quan chức Việt Nam có thể lừa dân trong nước về tiêu chuẩn an toàn của cá biển trong vùng bị ô nhiễm, nhưng không thể nào che được mắt, bịt được miệng cơ quan an toàn thực phẩm Châu Âu. Và chỉ vì nuông chiều Formosa mà giờ đây ngành hải sản Việt Nam bắt đầu ngấm đòn, và ngư dân - diêm dân Việt Nam điêu đứng.

Đã qua rồi cái thời muốn nói gì thì nói, muốn đặt tiêu chuẩn sao thì đặt. Nếu chỉ quan tâm đến phát triển bằng mọi giá, không quan tâm đến phát triển bền vững và môi sinh thì chắc chắn sẽ bị đào thải ra khỏi thị trường quốc tế mà không thể van xin sự ủng hộ của một quốc gia nào.

P.T.
VNTB gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn