Một tương lai ăn xổi ở thì của dân tộc


Ánh Liên (VNTB)



Khi chúng ta càng tìm hiểu sâu hơn về tư tưởng và nguồn nhân lực của dân tộc ta thì chúng ta sẽ cảm nhận được một sự thật rằng, sự thật đó là chúng ta không bao giờ tìm thấy sự thành công với những gì mà chúng ta đã mong ước cho tương lai của dân tộc ta cả chục năm nay’.

Nhưng tại sao mọi thứ về tương lai của dân tộc lại tăm tối đến thế? Facebooker Ny Thach - một nhà tu hành Khrme đã trả lời bằng việc nhấn mạnh lợi ích chung, lợi ích riêng. Khi hai yếu tố này không còn được cân bằng, thì nghiễm nhiên, nó sẽ trở thành một lực cản lớn cho tiền đồ của dân tộc.



Cà phê Pin con ó - hay đầu độc đồng loại đang diễn ra thản nhiên ở xã hội Việt Nam?

Tại vì mỗi chúng ta không hiểu nghĩa của từ hy sinh cho lợi ích chung bao giờ, chúng ta chỉ hiểu được nghĩa của từ hy sinh vì lợi ích cá nhân mà thôi. Một dân tộc chỉ biết tìm đến lợi ích cá nhân thì dân tộc đó không bao giờ tìm thấy sự đoàn kết. Có rất nhiều người nói họ ‘có lòng ái quốc dân’ nhưng hầu như những lời đó chỉ được phát ra từ cái miệng của họ thôi, nhưng về hành động thì trái ngược 180º đối với lời nói của họ​, có rất nhiều người, họ lợi dụng từ ‘yêu dân tộc’ để đổi lấy cuộc sống sung sướng và lợi ích cá nhân của họ’.

Quan điểm của người bạn Khrme không sai, khi đất nước Việt Nam trong tháng 4 lại nổi lên với nhiều sự kiện nóng bỏng liên quan đến tính chất ‘ăn xổi ở thì’ của người Việt, sự bán rẻ niềm tin người Việt, và một hiện trạng ‘giành đất, giành miếng ăn, đạp lên nhau mà sống’ của... người Việt.

Cà phê phin nay biến thành cà phê pin Con Ó khiến người tiêu dùng bị sốc nặng, dù trước đó từng phát lộ không dưới trăm vụ đầu độc đồng loại đến thế. Sự tồn tại của con người trên quốc gia này (vốn tưởng là có sự chỉ đạo, định hướng) lại không đồng nghĩa với việc con người sẽ sống như trong một trạng thái bình thường theo lối ‘nhân văn, vì cộng đồng, văn minh’ như các biểu ngữ tuyên truyền khoa trương treo dọc đầy đường phố và kín mít trong các bài phát biểu quan chức. Mà ngược lại - nó buộc con người phải sinh tồn bên hàng tá chất độc, những hiểm nguy đe dọa sự bình yên trong cuộc sống. Và dường như, chỉ riêng câu chuyện thực phẩm cũng là một bài toán lợi nhuận khổng lồ mà nơi đó, người Việt bất chấp để gian dối, đến mức - nhiều người mường tượng, phải chăng nó đã trở thành một đặc tính của dân tộc?

Rời xa câu chuyện độc hại, hãy đến với Phú Quốc, nơi mà trang Trung tâm tin tức VTV24 đã miêu tả nó bằng cụm từ: ‘Đến Phú Quốc bây giờ bạn có thể nhìn thấy không phải là những tấm biển quảng cáo các món đặc sản, hải sản hay là nước mắm của Phú Quốc, mà là những tấm biển rao bán đất, môi giới đất như thế này đây’. Phú Quốc - một trong ba đặc khu lớn của cả nước đang sắp thành hình, nhưng nó chứa đựng trong đó cả những thói khôn lỏi, ma mảnh, và nơi mà lợi ích riêng được biểu lộ. Huyện đảo vốn dĩ xinh đẹp trong biển trời giờ trở thành mớ hỗ lốn buôn bán đất, đơn giản đất sinh ra tiền. Ba đặc khu với trên 50% là người Hà Nội đi vào đầu cơ, chứ không phải đầu tư để tái sản xuất đang được hưởng thụ với mức giá đất lên từng phút, từng giờ.

Đầu cơ đất và thực phẩm bẩn là đặc trưng của ‘hy sinh’, nhưng ‘hy sinh cao cả’ lại phải nhắc đến các trường hợp quan chức lợi dụng quyền và chức vụ để làm lợi cá nhân. Bà Phó Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai - Phan Thị Mỹ Thanh đứng đầu một tỉnh được coi là ‘khu tự trị’ của Việt Nam (bởi tính quyền lực của nó đối với T.Ư) đang bị giới truyền thông trong nước phản ánh về sự quản lý mang tính tùy tiện, ưu đãi cho người nhà trong chiếm dụng đất (chồng bà),… dù mới chỉ đứng chân Phó Bí thư tỉnh ủy mới 2 năm. Và lần này, Ủy ban Kiểm tra TW kết luận: Bà Phan Thị Mỹ Thanh vi phạm rất nghiêm trọng, phải kỷ luật. 



PCT tỉnh Đồng Nai ‘chống lưng’ cho công ty của chồng và vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng

Hiện tượng quan chức vun vén, làm bậy, lợi dụng chức vụ - quyền hạn là phổ biến trong đời sống chính trị Việt Nam, nó vừa cho thấy tinh thần ‘hy sinh quyền lợi công cộng, đẩy mạnh tư lợi cá nhân’, và mô tả đúng hoạt động chính trị chỉ định chưa bao giờ phục vụ nhân dân cả. Bởi hãy nhớ, các quan chức (ngay cả đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh) trước khi ra tòa bao giờ cũng là người được tín nhiệm và được bầu làm ĐBQH với số phiếu rất cao.

Thế nhưng, những con người vun lợi nhất là những con người kêu gào lòng yêu nước nhiều nhất. Hay là nói bao giờ cũng dễ hơn làm? Hay là vì cơ chế quá lỏng lẻo khiến lời nói và việc làm nó cách xa nhau? Bởi trong xã hội mà thực phẩm bẩn tràn ngập, đầu cơ đất đai nổi như đại dịch, hay quan chức thản nhiên vun vén lại chính là cơ chế chế tài về mặt pháp luật - hành chính thiếu hiệu quả. Chính vì vậy mà một vụ đầu độc đồng loại có thể chỉ bị xử lý về hành chính với mức cao nhất là vài chục triệu đồng so với hàng tỷ đồng thu được; một quan chức bị cảnh cáo đã thu vén hàng trăm tỷ đồng và lượng tài sản đủ ăn đời con cháu; một hệ thống đầu cơ đất không làm cho kinh tế nhích lên nhưng lại khiến giá đất ảo và tạo độ trễ trong đưa đất vào sản xuất.

Tư tưởng ăn xổi ở hiện diện khắp nơi trong người Việt, từ chị thương lái đến anh công chức, đó là lý do vì sao chúng ta không bao giờ tìm thấy sự thành công với những gì mà chúng ta đã mong ước cho tương lai của dân tộc ta, dù trải qua cả chục năm nay!

Xã hội khốn cùng hay đất nước này khốn cùng?
A.L.
VNTB gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn