CSVN quyết ăn thua đủ với giới tài xế để cứu trạm BOT



Không chỉ đơn giản chuyện BOT

Nguyễn Thông


Một vùng kinh tế quan trọng, gần như nuôi cả đất nước, là đồng bằng sông Cửu Long, cho tới giờ vẫn chưa nối mạch đường sắt sau 43 năm chấm dứt chiến tranh. Không hiểu các nhà lãnh đạo sáng suốt đã làm được cái gì cho đất nước này.

Nên nhớ rằng thời trước năm 1955, người Pháp đã kéo dài đường xe lửa xuống tận Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang bây giờ). Chính thể Việt Nam Cộng Hoà tuy sau đó không dùng đường sắt ấy nữa nhưng họ phát triển đường bộ hết ý, đặc biệt quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1). Giao thông cực kỳ thông suốt, không có trạm mãi lộ cướp bóc nào.

Năm 1977, tôi đi trên quốc lộ 4 về dạy học ở cơ sở đặt gần ngã ba Trung Lương, dù xe tồng tộc chạy bằng than củi (một đỉnh cao của nền kinh tế chế độ mới) cũng chỉ hết có tiếng rưỡi đồng hồ.
Giao thông nội đồng bằng sông Cửu Long, và từ khu vực này nối ra cả nước, đường thủy chỉ gánh được phần nào, còn chủ lực vẫn là đường bộ. Nếu đường bộ tắc nghẽn, xe cộ không lưu thông ra ngoài được, hàng hóa chết dí, thì không phải chỉ đồng bằng sông Cửu Long chết, mà cả nước sẽ chết, có khi còn chết trước. Nên nhớ đồng bằng sông Cửu Long cung cấp 90% nhu cầu gạo cho cả nước. Thịt cá, trái cây, rau cỏ cũng chiếm tỷ lệ rất lớn.

Những kẻ cố tình đặt trạm thu phí trấn lột vô lý trên quốc lộ 1 – xương sống của đồng bằng này, hoặc là có ý đồ cực kỳ nham hiểm, cố tình gây ra sự mất ổn định qua phản ứng của dân chúng, hoặc quá ngu dốt, hoặc chỉ tham tiền thấy lợi trước mắt mà không biết tai họa cận kề. Chúng thu được những đồng bạc lẻ từ túi rách nghèo của dân bằng cách bóp nặn, nhưng sẽ phá hoại nền kinh tế đất nước mà tai hại không để đâu cho hết.

Bọn bảo vệ BOT trấn lột không biết có ngẫm ra bài học: Năm 1970, khi chính phủ của ông Salvador Allende tổng thống Chile định bỏ con đường phát triển tư bản chủ nghĩa để theo Liên Xô tiến lên chủ nghĩa xã hội, giới tài xế cả nước đã đình công, kinh tế chỉ một thời gian sau bị tê liệt, kiệt quệ, cuối cùng dẫn đến cuộc đảo chính và sụp đổ không tránh khỏi. Một nước mà nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào vận tải đường bộ, lại để tài xế phản ứng thì kết quả như thế là đương nhiên

N.T.




HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Xe dừng đỗ tại các trạm BOT thu phí có gắn biển “Cấm dừng xe quá 5 phút” sẽ bị phạt tiền, thậm chí xử phạt tù hình sự từ 3 đến 10 năm theo nghị định 46, ngoài luật.
Nhiều tài xế trả tiền lẻ ở trạm BOT Cai Lậy để phản đối thu phí. (Hình: Thanh Niên)
Theo báo VNExpress, Tổng Cục Đường Bộ, Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN, vừa có văn bản đốc thúc các chủ đầu tư BOT “khẩn trương lắp biển báo phân làn đường, biển báo cấm dừng, cấm đỗ xe tại trạm thu phí trước 25 Tháng Giêng. Các Cục Quản Lý Đường Bộ khu vực, Sở Giao Thông Vận Tải các tỉnh, thành có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra thực hiện.”
Văn bản này của Tổng Cục Đường Bộ nhằm quyết cản trở sự phản đối của giới tài xế đối với việc thu phí bất hợp lý ở nhiều trạm BOT hiện diện khắp Việt Nam.
VNExpress cho hay: “Từ khi có biển cấm, mọi hành vi cản trở giao thông tại trạm thu phí sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 2 triệu đồng ($35 đến $88), thậm chí bị xử lý hình sự phạt tù từ 3 đến 10 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng, căn cứ nghị định 46”.
Để quyết trấn áp, Tổng Cục Đường Bộ còn “yêu cầu các nhà đầu tư gắn thêm camera ở khu vực trạm, thu thập số liệu, hình ảnh các tình huống gây rối, kích động mất trật tự an toàn giao thông, gửi về Tổng Cục. Trên cơ sở đó, Tổng Cục sẽ gửi Bộ Công An và ủy ban các tỉnh xử phạt”.
Đồng thời “yêu cầu các Cục Quản Lý Đường Bộ, Sở Giao Thông Vận Tải các tỉnh phối hợp với cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự và nhà đầu tư hướng dẫn giao thông, kịp thời giải quyết các vi phạm”.
Ông Nguyễn Văn Huyện, tổng cục trưởng Tổng Cục Đường Bộ, cho biết yêu cầu nêu trên nhằm chống tắc nghẽn giao thông trong dịp Tết và sẽ áp dụng lâu dài tại các trạm thu phí.
Việc trả tiền lẻ tại trạm thu phí không vi phạm pháp luật, song người lái xe cần chuẩn bị tiền lẻ trước, trạm thu phí cũng có tiền lẻ để trả lại. Nếu việc trao đổi quá lâu (quá 5 phút) thì cơ quan chức năng sẽ can thiệp và lái xe sẽ phải đi ra ngoài trạm thu phí để giao dịch”, ông Huyện nói.
Đề cập việc biển báo cấm dừng xe quá 5 phút chưa có trong quy chuẩn kỹ thuật theo luật định, ông Huyện khẳng định: “Trong Quy Chuẩn 41 đã có quy định nội dung này, cơ quan chức năng có thể áp dụng biển viết bằng chữ trong trường hợp không áp dụng các kiểu biển đã quy định.”
Báo Tuổi Trẻ cho hay, nhà cầm quyền CSVN áp đặt việc này do thời gian qua, ở nhiều trạm BOT khắp Việt Nam đã diễn ra cảnh giới tài xế trả tiền lẻ để phản đối việc vị trí trạm BOT không hợp lý hoặc thu mức phí quá cao… dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Hiện Việt Nam có 88 trạm thu phí BOT, trong đó Bộ Giao Thông Vận Tải quản lý 73 trạm, còn lại 15 trạm do ủy ban các tỉnh, thành quản lý.
Với văn bản này của Tổng Cục Đường bộ, Facebooker Trương Châu Hữu Danh viết: “Việc xử lý vẫn không phải là việc của công an – mà là của ‘nội bộ’ Bộ Giao Thông Vận Tải và các nhà đầu tư. Mà như vậy, né được việc dân và công an phải đối đầu nhau. Thực tế diễn biến khu vực miền Tây mấy tuần nay cho thấy, công an giữ an ninh trật tự và không can thiệp vào các giao dịch dân sự của nhà đầu tư với dân”.
Với quy định này, tài xế cố tình chây ì đậu lâu sẽ bị xử phạt. Do đó, nếu trạm phí cố tình đếm tiền chậm; hoặc có những hành vi khác làm chậm việc của khách hàng, người dân sẽ yêu cầu Thanh Tra Giao Thông xử lý trạm BOT. Thậm chí, yêu cầu công an lập biên bản xử lý luôn cán bộ thanh tra giao thông nếu cán bộ tiếp tay cho trạm. Thực ra Bộ Giao thông Vận tải đang cố xử cái ngọn chứ không cắt cái gốc của vấn đề. Bộ này cố gắng lôi kéo công an phải vào cuộc như một kiểu đổ vỏ,” Facebooker này viết.
Bạn đọc Văn Bình bình luận trên tờ Tuổi Trẻ: “Giờ mới hiểu bài thầy giảng: Luật pháp ra đời nhằm mục đích bảo vệ kẻ cầm quyền. Cạn lời”.
Bạn đọc Pham Phuong viết: “Nghe luật này tự dưng muốn ghé trạm 4 phút 59 giây ghê vậy. Xem 1 giờ họ thu được mấy xe. Làm ơn giải quyết vấn đề gốc đi các bác à. Ai cũng biết tại sao tài xế phản đối mà”.
Còn bạn đọc Nphong bình luận: “Lái xe cũng đối phó bằng cách không dừng mà lùi lại rồi chạy tới, cứ một xe làm như thế vài lần thì sao? Chừng năm xe là kẹt, lúc này phạt ai? Hãy giải quyết cái gốc vấn đề là vị trí đặt BOT!” (Tr.N)


Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn