Cái nhìn của một luật sư - FB Tuấn Ngô

Cái dốt và sự trơ trẽn

Trong vụ án được gọi là nhạy cảm mà tôi tham gia mới đây, tôi được dịp làm việc với những người vô cùng đặc biệt.

Kiểm sát viên: Tôi mạnh dạn nói rằng đây là kiểm sát viên kém nhất mà tôi từng có dịp làm việc, tuy là kiểm sát viên cao cấp của Viện KSND cấp cao). Trong suốt buổi đối đáp với các luật sư, việc của ông chỉ là cầm giấy đọc những nội dung có sẵn một cách vô hồn, không có cảm xúc trên gương mặt. Các luật sư tranh luận điều này còn ông thì "chạy lòng vòng, lạng lách và đánh võng" sang vấn đề khác không liên quan mà không đi vào trọng tâm. Có lẽ vì là "người một nhà" nên chủ tọa đã phải nhiều lần đỡ lời cho kiểm sát viên để ông bớt ngại.

Thẩm phán, chủ toạ phiên toà: Tôi tin ông là người giỏi, rất giỏi và dày dạn kinh nghiệm. Tôi biết ông từng điều hành những vụ án lớn như ABS, ĐVV... Ông khen bị cáo giỏi, có kiến thức. Ông khen các luật sư giỏi, phân tích hay, chí lí. Ông nhắc kiểm sát viên cần đối đáp đúng trọng tâm... Ông nói những thứ bị cáo thích nghe và vỗ về bị cáo như nịnh đứa con nít và ông khiến cho bị cáo lẫn các luật sư dễ tin người như tôi nghĩ rằng "ông ấy đang lắng nghe mình". 

Tuy vậy, khi nghe ông thẩm phán này đọc lên tới câu thứ 3 của bản án, tôi mới nhận ra sự trơ trẽn và nói dối không biết ngượng mồm của ông - giữa lời ông nói với việc ông làm là một khoảng cách mênh mông. Tất cả những lời đối đáp "không thể dốt hơn" của kiểm sát viên đều được chấp nhận, mọi lời nói, chứng cứ, chứng minh khác của bị cáo, của luật sư là số 0. 

Phải chăng "nó lú nhưng chú nó khôn" - đúng là nó có dốt nhưng "chú nó bảo rồi", bố thằng nào dám không nghe?

Đôi khi tôi chợt nghĩ người ta không cho người thân, gia đình bị cáo, không muốn cho báo chí vào tham dự dù đây là phiên toà công khai, ngoài những lí do đặc biệt của người tổ chức phiên toà này, phải chăng có một lí do không kém phần quan trọng là để giấu đi những cái dốt của một số người tham gia tố tụng cùng sự trơ trẽn của họ để nó không lan truyền ra ngoài?

Nhà nước bao giờ cũng đúng và những người đại diện cho họ nói không bao giờ sai - đó là lí do đất nước chúng ta bị trì trệ. Sự trì trệ đó đơn giản bắt đầu từ sự bảo thủ khiến cơ hội cho cái dốt và cái xấu lên ngôi còn những người dám cất tiếng nói từ trái tim thì được xếp vào hàng phản động. Đó là sự đau xót vô cùng.

23-12-2017

Mẹ Nấm

Nhân quyền bị bóp nghẹt. Tới quyền được mở miệng nói một cách tròn vành rõ chữ cũng không được thì tới khi nào xã hội chúng ta mới tiệm cận quy chuẩn tối thiểu của nhân loại?

Mức án mẹ Nấm giữ nguyên, điều ấy cũng không nằm ngoài dự đoán của các luật sư bào chữa cho chị. Tôi cũng không bất ngờ. Không hề. Tôi chỉ tiếc cho xã hội này, cho người dân của đất nước này mà thôi.

Tôi tiếc:

- Giá như cơ quan thẩm quyền lắng nghe và xem xét những nội dung mà chị ấy truyền tải là đúng hay sai trước; thậm chí, nếu chị ấy nói sai hay chưa đúng chuẩn mực thì nhắc nhở chị để chị làm những điều ấy giúp chính quyền, để vì dân, vì nước;

- Với một người phụ nữ tay không với đàn con nhỏ, liệu chị ấy làm nên cơm cháo gì? Có cần thiết phải cách li họ một thời gian lâu đến như vậy hay không? Chúng ta muốn cho những đứa trẻ thấy được tình thương hay muốn gieo vào đầu chúng sự hận thù?

- Giá như mức án ấy dành cho những kẻ tham ô, nhũng nhiễu hay những kẻ tham tàn dối trên lừa dưới thì có tốt hơn không? Những kẻ đó mới là đáng trừng trị nặng tay.

"Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó" (I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it) - câu nói nổi tiếng này của Evelyn Beatrice Hall (28-9-1868 – 13-4-1956) vẫn còn nguyên giá trị. Hiến pháp Việt Nam cũng ghi nhận điều đó. Tại sao chúng ta lại phải cố gắng để đi ngược lại? Tại sao lại phải thế?

Và tôi ước mong một ngày, một ngày không xa nào đó, tôi được công khai chửi vào mặt một quan chức xấu xa, thậm chí là đá đít vào hình nộm của ông ta như người Mỹ vẫn thường làm với ông Trump hay bất kì một tổng thống nào mà họ không thích.

Tôi ước, nhưng ước mơ ấy có thể thành hiện thực trước khi tôi về bên kia thế giới?

Tôi không cổ vũ cho những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi bạo lực nhưng tôi luôn ủng hộ quyền được nói của con người. Đó là lí do tôi viết về mẹ Nấm. Tôi tôn trọng chị!

30-11-2017

Sự bất công mang tên "bảo hiểm xã hội"

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định lương hưu cho người làm Nhà nước tính theo trung bình lương 5 năm cuối cùng còn cho người làm tư nhân tính trung bình lương đóng BHXH cho cả thời gian đóng BHXH. Điều này tạo ra sự bất công rõ ràng cho người lao động ở lĩnh vực ngoài quốc doanh. Quy định của luật trước đó không như vậy mà cả hai khu vực đều có cách tính như nhau (mức trung bình của 5 năm có hệ số lương cao nhất hoặc 5 năm cuối). Quỹ lương và các khoản phúc lợi cần chi từ nguồn thu BHXH sẽ vơi đi nhanh chóng trong thời gian không xa nên người ta đẩy cái khốn khó đó cho những kẻ yếu thế hơn, ít được bảo vệ hơn.

Những đại biểu quốc hội nhấn nút thông qua đạo luật này đại đa số hưởng lương từ ngân sách nhà nước và được lợi từ những quy định nói trên nên không khó hiểu khi họ đồng ý gần như 100%. Mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, họ được hưởng thành quả lao động như nhau thì không có lí do gì để ưu ái "người nhà nước" cả. Tại sao cùng mức đóng tiền như nhau, thời gian đóng như nhau, tuổi tác về hưu như nhau, "người nhà nước", sau gần nửa cuộc đời lên mặt với người khác lại tiếp tục nhận được sự ưu ái hơn khi về già, khi mà sự đóng góp tiền của họ cho quỹ BHXH của nhà nước so với những người kia là như nhau? Hay những người lao động trong lĩnh vực ngoài quốc doanh là "hạ đẳng"?

Sự bất công nêu trên sẽ dẫn đến những hệ lụy lâu dài, dai dẳng, khó có hồi kết. Người lao động ở lĩnh vực ngoài quốc doanh, cứ tới tuổi nghỉ hưu là đề nghị lấy tiền trợ cấp một lần (tới khi nào quy định này còn có hiệu lực). Số tiền đó có thể gửi ngân hàng hưởng lãi suất còn hơn ngồi chờ đồng lương còm cỏi. Điều này sẽ khiến quỹ BHXH dễ bị thâm hụt và không có tiền đầu tư sinh lợi để bảo đảm lợi ích lâu dài cho người thụ hưởng. Làn sóng chạy chọt vào làm việc ở các cơ quan nhà nước sẽ tiếp tục tăng cao, việc cơ cấu, trao đổi con em, người thân cho nhau giữa những người đương chức đương quyền sẽ vẫn tiếp diễn và điều đó không chỉ khiến tệ nạn tham nhũng, cửa quyền tiếp tục hoành hành mà còn dẫn đến việc lực lượng lao động thực sự làm ra của cải vật chất cho xã hội giảm xuống, lực lượng "ăn bám" tăng lên và quỹ lương luôn trong vòng báo động đỏ...

Để việc làm ở khu vực nhà nước không còn là một "đặc ân" của ai đó để ban phát cho người khác thì phải giảm bớt quyền lợi, cân bằng với những người lao động khác. Khi mà không hưởng được nhiều quyền lợi trong quá trình làm việc, không được "ân sủng" khi về già thì tự khắc họ sẽ tìm chỗ tốt hơn để lo cho bản thân. Luật mới nếu không bảo đảm tốt hơn cho người lao động khu vực ngoài quốc doanh thì cũng phải duy trì quyền lợi tối thiểu cho họ như luật cũ chứ đừng bỏ rơi họ khi mà chính họ chứ không ai khác là lực lượng đã và sẽ tiếp tục đóng góp một phần rất lớn để nuôi sống bộ máy chính quyền lẫn những "người nhà nước" - người sẽ hưởng quyền lợi tốt hơn họ khi về hưu. Không có lí do nào đúng đắn để biện minh cho hành động sai trái này. Trong những đồng tiền lương của các vị đại biểu quốc hội hiện tại cũng có phần mồ hôi, xương máu và cả nước mắt của chính những người lao động khốn khổ. Các vị hãy bảo vệ họ để không phải hổ thẹn mỗi khi vung tay.

Hi vọng sẽ có ngày càng nhiều hơn những tiếng nói đủ mạnh, đủ chất để Quốc hội sớm có những hành động thiết thực nhằm điều chỉnh những bất công này trong tương lai gần. Quyền lợi người lao động yếu thế được bảo vệ nghĩa là xã hội chúng ta đang dần tiến tới sự công bằng hơn trên thực tế chứ không phải trên sách vở.

10-11-2017


Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn