Giáo dục Việt Nam - Bài toán chưa có lời giải

Tô Văn Trường

Các vấn đề của giáo dục Việt Nam là các vấn đề cấu trúc (structural problems) và là di sản của hàng chục năm sai lầm về chính sách, do đó để sửa sai, cần phải có các thay đổi căn bản về cấu trúc, vượt quá chức năng và năng lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bởi vì gốc gác vấn đề không phải chỉ nằm riêng ở ngành giáo dục…

Người Việt Nam hiếu học, tất nhiên có nhiều lý do giải thích cho sự hiếu học ấy. Nhưng dù có thế nào thì đấy cũng là điều kiện rất thuận lợi để các nhà quản lý triển khai các chương trình dự án cải cách nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, sau bao năm với ba lần cải cách giáo dục 1950, 1956, 1979 và một lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa ra quân rầm rộ, chúng ta vẫn không thể biến sự hiếu học của người Việt thành những đột phá mang tính cách mạng trong giáo dục. Gần đây, Quốc hội khóa XIV có nghị quyết lùi lộ trình thực hiện chương trình sách giáo khoa mới và giáo dục phổ thông để đánh giá lại đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và đội ngũ quản lý chứng tỏ việc cải cách giáo dục còn rất nhiều gian nan.

Ngẫm suy, giáo dục Việt Nam lâu nay như cái bung xung để xã hội “ném đá”, xì hơi cho quên những chuyện khác. Xã hội nào, giáo dục ấy, mong sao cho lĩnh vực giáo dục khởi sắc hơn, cũng không hề đơn giản vì nó liên quan đến “lỗi hệ thống”!

Bây giờ là lúc cần nhìn lại cách làm trước đây và tính xem trong tình hiện nay nên làm như thế nào để có một đề án cải cách giáo dục đúng tầm và có hiệu quả.

Các vấn đề của giáo dục VN là các vấn đề cấu trúc (structural problems) và là di sản của hàng chục năm sai lầm về chính sách, do đó để sửa sai, cần phải có các thay đổi căn bản về cấu trúc, vượt quá chức năng và năng lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bởi vì gốc gác vấn đề không phải chỉ nằm riêng ở ngành giáo dục.

Trước hết là về triết lý giáo dục. Có triết lý đúng mới có phương cách đúng để xây dựng nền giáo dục tiên tiến, phát triển tiềm năng của mỗi cá nhân và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đưa đất nước cất cánh. Có triết lý định hướng chung cho cả nền giáo dục quốc gia, nhưng mỗi cơ sở giáo dục cũng có thể có triết lý phù hợp với đặc thù của trường, của ngành đào tạo.

Triết lý giáo dục “vừa hồng vừa chuyên” đã lỗi thời. Muốn xã hội phát triển thì phải mở mang đầu óc, tự do sáng tạo, giáo dục con người rồi mới đến kỹ năng sống. Tư tưởng “khai phóng” đã được đề cập từ thời Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhưng theo tôi hiểu, “khai phóng” chỉ là một nội dung của “dân chủ”. Phải chăng triết lý giáo dục Việt Nam là “Dân chủ và Thực học”, và như vậy là đủ? Người Nhật Bản khi chấn dân khí đã nêu cao khẩu hiệu “kỹ thuật phương Tây và tinh thần Nhật Bản” rất đáng suy ngẫm.

Ở Việt Nam hiện nay, học sinh không dám phản biện lại thầy, cô giáo. Nếu mạnh dạn có ý kiến dễ bị đưa vào danh sách nhân vật cá biệt. Chương trình đào tạo quá khó lại không thực tế, không thay đổi kịp với cuộc sống. Người ta soạn chương trình đào tạo thì đưa vào nội dung mình thích mà không quan tâm đến đối tượng thụ hưởng. Sách giáo khoa đã là một thứ quá lỗi thời nhưng vì nhiều lý do nó vẫn tồn tại và tiếp tục được phát triển. Xin lưu ý, sự thiếu dân chủ trong nhà trường, không thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm của gia đình và xã hội.

1. Lĩnh vực phổ thông

Giáo dục muốn thành công thì phải quan tâm đến 4 thành tố chính là cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, giáo viên và học sinh.

1.1. Cơ sở vật chất

Chúng ta nên xây dựng hệ thống chuẩn cơ sở vật chất gồm 2 chuẩn:

+ Chuẩn 1 là bắt buộc tất cả trường học đều phải đạt. Xây dựng chuẩn này là trách nhiệm của Bộ giáo dục và Đào tạo.

+ Chuẩn 2 là chuẩn tiên tiến. Những địa phương có điều kiện thì xây dựng chuẩn này trên cơ sở - nâng cấp chuẩn 1. Tiền ngân sách của địa phương.

Học sinh các trường ở chuẩn 1 và 2 miễn phí từ lớp 1 đến lớp 12.

Các trường tư thục có thể đạt chuẩn cao hơn chuẩn 2. Đối với các trường này, địa phương chỉ cần cấp đất sạch. Việc xây dựng cơ sở vật chất ban đầu là miễn phí hoàn toàn cho học sinh, nhưng chi phí vận hành quản lý cơ sở trường sau này (không tính thiết bị học tập như thư viện, phòng thí nghiệm,…) thì nên có đóng góp của người học tùy theo địa phương.

1.2. Chương trình đào tạo

Hội đồng trường quyết định chuẩn đầu vào cho trường mình dựa theo tình hình thực tế (cơ sở vật chất, giáo viên, trình độ học sinh). Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được xây dựng là theo hướng này. Nhưng chỉ dám sử dụng thuật ngữ “nội dung giáo dục của địa phương” và “kế hoạch giáo dục của nhà trường” vì Luật Giáo dục không có quy định về “Chương trình giáo dục địa phương” và “Chương trình giáo dục nhà trường”.

Ở nước Mỹ và nhiều nước phát triển, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo, giáo viên có thể tự soạn tài liệu dạy học của mình. Trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này có vai trò nhẹ hơn trước rất nhiều. Phải chăng ở ta cần có bước này rồi mới có bước “bỏ sách giáo khoa” như các nước tiên tiến?

1.3. Giáo viên

Giáo viên quyết định nội dung dạy học để đạt chuẩn đầu ra theo quy định của chương trình giáo dục quốc gia và của trường mình. Giáo viên cũng là người quyết định phương pháp giảng dạy, bổ sung kiến thức, cập nhật thông tin của địa phương, đất nước… làm phong phú bài giảng, nhằm nâng cao hiệu quả nhưng vẫn nhắm tới chuẩn đầu ra.

1.4. Học sinh

Chương trình giáo dục cần tăng dần số môn học, nội dung học tập mà học sinh được quyền lựa chọn phù hợp với nguyện vọng, sở trường và điều kiện của bản thân. Học sinh được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để bày tỏ ý kiến về nội dung học tập, phương pháp giáo dục, điều kiện dạy và học của nhà trường. Nhà trường và cha mẹ học sinh cần bồi dưỡng cho học sinh ý thức về mục tiêu học tập, tinh thần chủ động, tích cực học tập, rèn luyện.

2. Lĩnh vực đại học

Đại học Việt Nam hầu như khó trở thành đại học bình thường như các trường đại học khác trên thế giới vì không làm nghiên cứu một cách thật sự (ít có công bố quốc tế tại các tạp chí nghiêm túc, có uy tín cao) và cũng không có chính sách và hệ thống để hỗ trợ việc đó.

Trong nhiều lý do đại học cần phải làm nghiên cứu (thực sự), có 1 lý do ít người nói đến với các giảng viên đại học về nghiên cứu là cách duy nhất để người giảng viên đại học khỏi bị “suy thoái” (deteriorate) và trở nên tầm thường (mediocre). Đơn giản là vì nếu người giảng viên chỉ giảng dạy mà không nghiên cứu thì họ sẽ không có áp lực để nâng cao kiến thức và năng lực tư duy. Điều nguy hại hơn nữa là các giảng viên này còn sẽ mau chóng trở nên kiêu ngạo tự cho mình là “chuyên gia” vì đa phần tiếp xúc với các em sinh viên. Rất tiếc là sau 4-50 năm không nghiên cứu, các đại học ở VN đã hình thành 1 đội ngũ rất lớn các giảng viên như vậy (mà theo cách gọi của cố giáo sư Cao Xuân Hạo là “vừa ngu, vừa kiêu”), rồi từ đội ngũ đó chọn ra (theo các tiêu chí phi học thuật) các nhà lãnh đạo của nền giáo dục đại học VN.

Giải quyết vấn đề nghiên cứu nêu trên, khó mà đi từ chính sách nếu những người làm ra chính sách không biết nghiên cứu thực sự là gì, hoặc biết từ quá lâu và không còn nhớ gì nữa vì chỉ lo giảng dạy và lãnh đạo.

Giáo dục và đào tạo nói chung là đầu tư cho phát triển, cho tương lai nên mức độ lợi nhuận và kinh doanh phải có giới hạn mặc dù trong cơ chế “kinh tế thị trường”. Như vậy, cơ bản nhà nước và xã hội phải đầu tư, điều này có phần liên quan đến chuyện các trường đại học còn hạn chế trong nghiên cứu khoa học và công bố khoa học. Thực tế, hiện nay ở nước ta các nhà khoa học chân chính, các trường đại học “đấu thầu” để được các đề tài lớn là rất khó vì cái “cơ chế”, trong khi làm “thầy” thì ngần ngại theo “cơ chế”!

Ở các nước như Mỹ, Thụy Điển, Italy, Singapore, Nhật Bản, Hà Lan,… thì các trường đại học, các nhà khoa học đầu ngành phải có nghĩa vụ nghiên cứu với yêu cầu rất cao về đào tạo tiến sĩ và công bố khoa học quốc tế. Mặt khác, cũng phải có đơn đặt hàng về nghiên cứu ứng dụng của các cơ sở sản xuất.

2.1. Cải cách khâu tuyển sinh

- Các trường đại học cũng phải có trách nhiệm định hướng cho người học, nhất là khâu tuyển sinh để thí sinh biết đầy đủ nhu cầu của thực tế của đất nước về những ngành nghề mà trường được phép đào tạo, không để thí sinh theo xu thế “đám đông” khi đăng ký vào học. Quản lý trường đại học, cao đẳng cũng phải đổi mới tư duy để đạt hiệu quả cao. Phải cải cách để có một cơ sở dữ liệu dùng chung, ai cần, đơn vị nào cần là khai thác được ngay, phải gắn kết với cơ sở tuyển dụng, cơ sở sản suất thuộc các ngành đào tạo của trường.

- Hiện nay đã áp dụng kỳ thi “hai trong một” ở cuối cấp trung học phổ thông thế nhưng vấn đề là ở chỗ cách tuyển sinh. Các môn mang tính sáng tạo mà thi kiểu trắc nghiệm là một cách thui chột tài năng. Môn toán và môn văn mà thi trắc nghiệm thì làm sao phát hiện được những người có năng khiếu? Có thể xem xét đề xuất một phương án cho cách tuyển sinh “hai trong một” như sau:

+ Cho phép thí sinh được quyền lựa chọn hoặc vào đại học hoặc vào Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp (chỉ chọn một trong hai) ngay trong bản đăng ký dự thi ban đầu.

+ Tất cả các thí sinh: Thi 5 môn như hiện nay. Điểm thi của 5 môn này là cơ sở để xét tốt nghiệp phổ thông cho mọi thí sinh.

+ Đối với những thí sinh đăng ký chọn Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp: Lấy điểm môn văn hoặc môn toán (tuỳ trường tuyển sinh quy định) nhân đôi (hệ số 2) và cộng với điểm các môn khác để tuyển.

+ Với những thí sinh đăng ký vào đại học: Ngoài thi 5 môn như mọi thí sinh khác, tuỳ theo các trường thiên về năng khiếu tự nhiên hay xã hội sẽ phải thêm một môn bổ trợ (tức là thành 6 môn). Môn bổ trợ có thể thay đổi theo từng năm: vật lý hoặc hoá học đối với khối tự nhiên, địa lý hoặc lịch sử đối với khối xã hội.

+ Hai trong 5 (hoặc 6) môn thi là toán và văn phải thi theo hình thức tự luận (không trắc nghiệm) hoặc kết hợp tự luận với trắc nghiệm.

+ Đối với môn toán, đề nên là 5 bài (hoặc 10 bài nhỏ), trong đó đề bài phải cấu trúc sao cho một thí sinh bình thường phải đạt được 5/10 điểm trở lên, những phần còn lại của đề tăng dần mức độ khó và chỉ có những thí sinh thực sự giỏi mới đạt 10/10, thí sinh tương đối giỏi đạt 8-9, thí sinh khá là 6-7. Điểm này sẽ được nhân đôi (hệ số 2) cho những thí sinh thi vào đại học khối tự nhiên.

+ Đối với môn văn cũng tương tự, và điểm sẽ được nhân đôi (hệ số 2) cho những thí sinh thi vào đại học khối xã hội.

2.2. Chuẩn hóa chất lượng cán bộ giảng dậy

Ở các trường đại học của ta, nhiều nơi hiện tượng “hôn nhận cận huyết” rất phổ biến. Nhà trường chỉ giữ lại sinh viên mình đào tạo ra. Các sinh viên ấy rồi lại làm thạc sĩ và tiến sĩ ở trường, với những ông thầy đã dạy mình ở đại học. Ông thầy lúc nào cũng là một cái bóng trùm lên tất cả. Đó là chưa kể, thời buổi này khó bố trí việc làm, nhiều nơi các thầy cô toàn “chấm” cho con cháu mình ở lại trường dẫn đến có thầy bố, thầy mẹ, rồi lại thầy con, thầy cháu.

Để cải cách giáo dục bậc đại học cần phải thực hiện từng bước chuẩn hoá sau đây:

- Chuẩn hoá chất lượng cán bộ giảng dạy. Hiện nay ở nhiều trường một sinh viên vừa mới ra trường hoặc vừa mới nhận bằng thạc sĩ đã được phân công đứng lớp giảng bài, thậm chí phụ trách các môn cơ sở ngành, chuyên ngành (những khái niệm, kiến thức chung, kiến thức nền). Dĩ nhiên, có một số sinh viên xuất sắc, nhưng đại đa số khó đáp ứng được chất lượng bài giảng, do đó nếu có thể, họ chỉ nên được phân công chữa bài tập, hướng dẫn thực hành là phù hợp nhất. Nói cách khác, chất lượng của người thầy đứng lớp phải đảm bảo ít nhất có kiến thức hơn hẳn sinh viên (các cụ nói biết mười, nói một). Vậy làm thế nào để có cái chuẩn đó? Rõ ràng, về bằng cấp họ ít nhất phải là tiến sĩ. Dù ở trong nước chất lượng luận án đang còn nhiều vấn đề phải bàn nhưng bậc tiến sĩ là điều kiện cần đối với một giảng viên đại học được đứng lớp. Bên cạnh cái bằng tiến sĩ là kiến thức thực sự của họ và năng khiếu truyền đạt kiến thức.

- Thầy giáo phải là nhà khoa học. Nếu không phải là nhà khoa học thì nhà giáo ở bậc đại học chỉ là thợ dạy. Mà đã là thợ thì chỉ có tay nghề tìm đọc kiến thức trong sách vở có sẵn rồi mang ra nói lại. Vậy, nếu với cách áp đặt xây dựng chương trình hiện nay, các môn lý luận, chính trị,… chỉ cần một video clip cho ngon lành là đủ để thay thế một loạt thầy cho một môn học nào đó ở các trường khác nhau. Đã là nhà khoa học thì phải có công trình nghiên cứu, có bài báo khoa học chất lượng cao. Ở ta nhiều người nếu tính số bài báo thì quả là khủng khiếp, nhưng chất lượng thì chẳng khác “lá cải”.

- Giảng viên đại học “thực thụ và chân chính” thì phải là nhà khoa học giỏi về chuyên môn và phải có kỹ năng truyền thụ kiến thức hiệu quả cao, phải có khả năng sáng tạo, tức phải có khả năng tìm vấn đề khoa học để nghiên cứu, phải viết tốt (viết, vẽ trên bảng), nói chuẩn và chuẩn bị bài giảng hoặc slides tốt (logic, rõ ràng súc tích, đủ nội dung để dẫn dắt người học). Hiện nay các trường mới quan tâm số lượng mà chưa đảm bảo chất lượng của đội ngũ theo đúng nghĩa.

2.3. Cần phải sửa đổi/thay mới một số quy chế

Bộ GD & ĐT cần nghiên cứu sửa một số quy chế có tính áp đặt. Từ bậc đại học trở lên, không có khái niệm giáo trình bắt buộc đối với từng môn học trong khung chương trình đào tạo mà chỉ có sách, tài liệu tham khảo chính hoặc danh mục tài liệu tham khảo nói chung. Điều đó, mở ra tính sáng tạo của người dạy.

Nội dung giảng dạy của từng môn được giữ ổn định trong khoảng 2-3 năm và có thể được cập nhật hàng năm nhưng không có khái niệm chương mục như trong các quyển sách. Bài giảng (Syllabus) phụ thuộc vào thầy giáo chứ không bám sát chương mục, vì đó là cách, là nghệ thuật truyền đạt kiến thức, mang sắc thái của từng người.

Bài giảng ở bậc đại học và sau đại học thường chia theo tuần. Thông thường mỗi học kỳ là 15 tuần, mỗi tuần ứng với một bài giảng, số tiết trong một bài giảng bằng thời lượng của môn học chia cho 15 tuần. Nội dung bài giảng có thể được tích hợp từ nhiều tài liệu tham khảo và cả những kết quả nghiên cứu mới của người thầy.

Về phương pháp luận, nếu có chăng 1 phương pháp khoa học để giúp đưa ra chính sách cũng như kiểm tra lý thuyết trước các hệ quả của chính sách, ví dụ như môn System Dynamics. Rất tiếc là ở VN ít người quan tâm nghiên cứu và sử dụng các công cụ này, và với các nhà hoạch định chính sách thì e rằng môn này quá khó để học và áp dụng vv…

Ở một số trường, người ta có dạy phương pháp đánh giá tác động của chính sách (Regulatory Impact Assessment - RIA), nhưng cũng ít chuyên gia thật sự chuyên sâu về vấn đề này.

Lời kết

Trong khi chờ đợi chương trình cải cách giáo dục hữu hiệu, có lẽ tốt nhất, thiết thực nhất bây giờ là khuyến khích xã hội làm các việc tốt, việc thiện và nâng cao dân trí, nhằm tạo ra trong xã hội một sự vận động hướng về cái tốt, cái thiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống (kinh tế, văn hóa, hoạt động xã hội…). Đã đến lúc nhân dân phải tự bảo vệ mình bằng cách làm cái thiện, lấy cái thiện đẩy lui hay chống cái ác.

Ngẫm suy, chỉ khi nào giáo dục được giải phóng khỏi “áp lực chính trị” và bệnh thành tích thì tự nhiên nó sẽ trở lại sứ mệnh “dạy và học làm người”!

T.V.T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn