Tinh gọn hệ thống chính trị VN: Làm được không?

clip_image001

Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đang chỉ đạo tiếp tục làm thí điểm dự án nhất thể hóa các cơ quan đảng và chính quyền ở cấp cơ sở, địa phương. Ảnh: MINH HOANG

Hội nghị Trung ương 6 vừa kết thúc tại Hà Nội đã bàn về "đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn 'cồng kềnh', tổ chức và biên chế ngày càng phình to, số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ "hàm" không hợp lý.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng loan báo thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND; thực hiện Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ở nơi có đủ điều kiện.

Ông Trọng nói "đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu".

Hôm thứ Năm, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam đưa ra bình luận với BBC Tiếng Việt:

"Người ta đòi hỏi phải có một luật về đảng, trong khi sửa đổi và xây dựng Hiến pháp năm 2013 người ta đặt ra rất nhiều, nhưng tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam như một tổ chức tạm gọi xen vào trong”.

Tổ chức của Đảng là như vậy, còn lãnh đạo như thế nào, thì trong Hiến pháp, điều 4 cũng có nói, còn chuyện người ta đòi hỏi Đảng phải có một luật về đảng, thì chuyện đó người ta đòi hỏi cũng nhiều và nhiều kiến nghị lắm

Luật sư Trần Quốc Thuận

"Tức là đảng lãnh đạo thông qua ban cán sự, rồi đảng của các bộ phận, đảng đoàn, chẳng hạn như đảng là Bộ Chính trị mà lãnh đạo, thì thông qua ban cán sự đảng chính phủ, hoặc lãnh đạo trong Quốc hội là thông qua đảng đoàn trong Quốc hội.

"Thực tế cũng là Đảng cả nhưng họ đặt ra để lãnh đạo thông qua cái đó... không phải đứng lên trên Quốc hội, trên Chính phủ mà lãnh đạo thông qua Ban cán sự đảng, thông qua đảng đoàn, thông qua đảng ủy, qua các cơ quan ban cán sự.

"Tổ chức của Đảng là như vậy, còn lãnh đạo như thế nào, thì trong Hiến pháp, điều 4 cũng có nói, còn chuyện người ta đòi hỏi Đảng phải có một luật về đảng, thì chuyện đó người ta đòi hỏi cũng nhiều và nhiều kiến nghị lắm.

clip_image002

Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã làm thí điểm dự án 'nhất thể hóa' hay hợp nhất các cơ quan đảng - chính ở một địa phương cấp tỉnh thời gian gần đây. REUTERS

"Từ trước đến giờ, từ năm 1992 đến giờ người ta đặt đi, đặt lại rất nhiều lần chuyện đó, nhưng cuối cùng vẫn chưa có gì đặt ra. Còn bây giờ người ta muốn để cho chính danh, thì ông Tổng Bí thư có thể kiêm Chủ tịch nước để khi đi nước ngoài, tiếp nước ngoài thì nó rõ ràng.

"Nhưng bây giờ trong ngoại giao, chúng ta thấy là cũng có câu chuyện là Tổng Bí thư đi thăm Mỹ, đi thăm Nhật, người ta cũng ký cái này kia, có lẽ người ta không ngạc nhiên, nhưng mà rõ ràng là cái đòi hỏi rất lớn. Còn lãnh đạo Việt Nam là lãnh đạo thông qua đảng đoàn, đảng bộ và ban cán sự".

Hợp nhất thế nào, có luật hay không?

Theo nguyên tắc, nếu có một cơ quan đảng với một cơ quan của chính quyền mà trùng nhau, thì giải thể cơ quan của đảng đi, đưa những người tử tế, nếu có, ở bên cơ quan đảng bổ sung cho chính quyền làm việc và tạo ra những luật lệ văn minh, chứ không phải như hiện nay

Ông Nguyễn Khắc Mai

Hôm 12/10, nhà Nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng, Ban Dân vận Trung ương Đảng CSVN, cũng đưa ra bình luận về chủ đề nhất thể hóa các cơ quan thuộc các hệ thống đảng và chính quyền này, ông nói với BBC:

"Họ nghĩ một cách đơn giản là có hai cơ quan làm cùng nhau, cùng công việc thì sáp nhập lại, nhưng sáp nhập là sáp nhập thế nào?

"Theo nguyên tắc, nếu có một cơ quan đảng với một cơ quan của chính quyền mà trùng nhau, thì giải thể cơ quan của đảng đi, đưa những người tử tế, nếu có, ở bên cơ quan đảng bổ sung cho chính quyền làm việc và tạo ra những luật lệ văn minh, chứ không phải như hiện nay.

"Cho nên việc nhất thể hóa, tôi thấy là họ làm một cách đại khái... tùy tiện, chẳng có luật nào để nói là nhất thể hóa hết!"

Video:

Hôm thứ Năm, Luật sư Trần Quốc Thuận bình luận thêm về vấn đề có tính giả thuyết là nếu đã hợp nhất, nhất thể hóa rồi, thì khi có nhu cầu tách ra, sẽ tách ra như thế nào, ông nói:

"Có những người nói đảng này nên thành lập đảng Hồ Chí Minh, đảng Lao Động trở lại, rồi đảng cộng sản này kia, thì cũng không đơn giản bởi vì Đảng Cộng sản Việt Nam là gì? Tức là một đảng trực tiếp lãnh đạo toàn diện, mà lãnh đạo toàn diện là thế nào?

"Trước nhất là lãnh đạo tổ chức là lãnh đạo con người, phân công, bổ nhiệm con người, rồi trực tiếp nắm về tư tưởng, rồi thông tin, truyền hình, báo chí thì Đảng phải trực tiếp nắm, rồi nắm lực lượng vũ trang, nắm công an, quân đội.

"Thì cũng có người cũng hỏi là nếu mà tách ra thì các lực lượng chia làm sao? Người ta chia công an thì ai nắm bộ phận công an, ai nắm bộ phận kia, ai nắm quân đội? Ai thế này, thế kia, rồi ai nắm bộ máy tổ chức? Tổ chức đảng là tổ chức họ lãnh đạo toàn diện, tức là ba lãnh vực 'trực tiếp' là lực lượng vũ trang, chính trị tư tưởng và tổ chức bộ máy, thì đều Đảng chi phối.

"Bây giờ trong Nghị quyết Trung ương 6 này, họ siết chặt chữ đó nữa, đảng phải trực tiếp quản lý, nhất là thông qua nghị quyết mới của Bộ Chính trị bởi vì những nhân sự, tất cả các cấp ủy đều phải có sự ưng thuận và đồng ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp nắm chặt, không có chuyện có thể có ý kiến khác thế này, thế kia được", Luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41608151

-------------

Đảng 'quyết' nhất thể hóa, nhưng 'căn cứ luật nào'?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bình luận về Hội nghị TƯ6 khóa 12 vừa bế mạc ở Hà Nội và chủ trương nhất thể hóa quyền lực đảng - chính của Đảng và nhà nước Việt Nam.

Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 12/10/2017, người hiện đang là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Minh Triết Việt, nêu quan điểm về chủ trương nhất thể hóa nói trên mà Hội nghị Trung ương 6 quyết định sẽ thực hiện tiếp sau vòng thí điểm ở một tỉnh phía Bắc Việt Nam, nhưng có thể được bắt đầu ở cấp cơ sở phường, xã, ông Khắc Mai nói:

"Họ nghĩ một cách đơn giản là có hai cơ quan làm cùng nhau, cùng công việc thì sáp nhập lại, nhưng sáp nhập là sáp nhập thế nào?

"Theo nguyên tắc, nếu có một cơ quan đảng với một cơ quan của chính quyền mà trùng nhau, thì giải thể cơ quan của đảng đi, đưa những người tử tế, nếu có, ở bên cơ quan đảng bổ sung cho chính quyền làm việc và tạo ra những luật lệ văn minh, chứ không phải như hiện nay.

"Cho nên việc nhất thể hóa, tôi thấy là họ làm một cách đại khái... tùy tiện, chẳng có luật nào để nói là nhất thể hóa hết!".

Trong cuộc trao đổi hôm thứ Năm với Quốc Phương của BBC Việt ngữ, cựu Vụ trưởng Ban Dân vận cũng đưa ra một số nhận xét, nhận định 'thẳng thắn' từ góc độ quan điểm riêng về tính hiệu quả hay không của Hội nghị 6 khóa 12 BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam, thay đổi, bổ sung các nhân sự trong Trung ương và các ban của Đảng có ý nghĩa gì thực sự gì không hay có thể bình luận gì về vị thế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ đầu nhiệm kỳ II của ông đến nay.

Audio:

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/media-41623158

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn