Hội nghị APEC: Việt Nam có được lợi từ Mỹ?

Thiền Lâm

Ngay đến người dân trong nước phải è cổ ra chịu mà cũng đã không còn chịu nổi cái anh tư bản đỏ nói ngọt như mía lùi nhưng làm thua cả mèo mửa, chỉ có ngón “tranh ghế” nhằm kéo bầu đoàn thê tử lên ngồi dai, và chẳng có việc gì ngoài việc xua quân đi bắt bớ, trấn áp, bắt cóc… học được từ “bạn vàng” là giỏi. Các nước văn minh như Mỹ và EU “chào thua” CS Việt Nam chẳng có gì lạ cả.

Bauxite Việt Nam

Dĩ nhiên Việt Nam muốn có được đầu tư và buôn bán thương mại nhiều hơn với các nước phương Tây, đặc biệt là được xuất siêu càng nhiều càng tốt, nhất là trong bối cảnh nên kinh tế Việt Nam đang bước vào năm thứ 9 liên tiếp suy thoái kinh tế kể từ năm 2008.

Nhưng Hội nghị kinh tế APEC không chỉ là là một diễn đàn về đầu tư và thương mại, mà còn là nơi các nước “đòi nợ” lẫn nhau.

Ba tuần trước khi Hội nghị APEC diễn ra, vào ngày 20/10 đã có một cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng với Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ David Malpass, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 (FMM). Trong cuộc gặp này, ông David Malpass đã lặp lại yêu cầu của phía Mỹ về việc Việt Nam phải có biện pháp giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai nước ngày càng lớn.

clip_image001

Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng với Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ David Malpass. Mỹ “đòi nợ” Việt Nam? Ảnh: VGP

“Thâm hụt thương mại” đang trở thành một bài toán quá khó đối với Việt Nam, bởi Việt Nam đã quen được hưởng lợi từ buôn bán song phương với Mỹ.

Những năm trước, lượng xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ vẫn thường đạt được từ 20 – 30 tỷ USD/năm. Vào năm cao điểm 2016, xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ lên đến hơn 30 tỷ USD. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam tiếp tục xuất siêu đến 24 tỷ USD vào Mỹ.

Lượng ngoại tệ hơn ba chục tỷ USD thu lợi từ xuất siêu hàng năm sang Hoa Kỳ như thế là vô cùng có ý nghĩa, nếu đối sánh với quốc nạn Việt Nam phải nhập siêu hơn 30 tỷ USD theo đường chính ngạch và 20 tỷ USD theo đường tiểu ngạch mỗi năm từ “đồng chí Trung Quốc”, cộng với hàng năm Việt Nam phải nhập siêu đến khoảng 25 tỷ USD từ Hàn Quốc.

Nhưng thời Trump đã khác hẳn với thời Obama. Tín hiệu tốt đối với giới chóp bu Hà Nội là Trump ít quan tâm đến những vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam. Nhưng trên phương diện kinh tế, đã có những dấu hiệu sắc nét cho thấy Trump đang rất lưu ý đến tình trạng thâm hụt thương mại với Việt Nam.

Không bao lâu sau khi nhậm chức, Trump đã yêu cầu các cơ quan của chính phủ phải rà soát lại toàn bộ tình hình nhập siêu của Mỹ, để sau đó đã đưa ra một quyết định hiếm thấy: vào tháng 3/2017, Trump đã liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia “gây hại kinh tế” cho Mỹ và đe dọa sẽ có thể mạnh tay trong “chế tài”.

Kết quả của quan đểm “gây hại kinh tế” trên là trong chuyến đi Washington của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, bất chấp món quà 8 tỷ USD giá trị thương mại (nếu có thật) mà ông Phúc cho biết các doanh nghiệp Việt đã ký kết với giới doanh nghiệp Mỹ, phía Việt Nam không những không nhận được tín hiệu nào về Hiệp định song phưng thương mại Việt – Mỹ, mà còn bị Trump hỏi xoáy vào vấn đề thâm hụt thương mại. Trong phần phát biểu ngắn gọn tại cuộc gặp song phương tại Nhà Trắng hôm 31/5, Trump đã nhấn mạnh vấn đề giao thương và thâm hụt thương mại “lớn” với Việt Nam, mà ông hy vọng sẽ “sớm được cân bằng”. Ngay trước đó, Bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ cũng không bỏ quên vấn đề này trong cuộc gặp với Thủ tướng Phúc.

Một hệ quả rất không mong đợi đối với Việt Nam là nếu Mỹ “siết” các điều kiện thương mại như đánh thuế xuyên biên giới, dựng đứng hàng rào kiểm nghiệm chất lượng đối với hàng hóa Việt Nam mà trước đó cá basa, tôm, gạo đã trở thành “nạn nhân”, đồng thời ngưng trệ vô thời hạn Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ hoặc làm cho hiệp định này trở nên khó khăn hơn nhiều so với 15 năm trước đó, giá trị xuất siêu hàng năm của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tụt thê thảm.

Những tín hiệu vô vọng về “Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ” lại có thể lan đến việc Liên minh châu Âu xem xét Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu, khiến hiệp định này trở nên “uể oải” và có thể chẳng bao giờ được thông qua sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, cho dù giới chức Việt Nam có cố công đi vận động trực tiếp hoặc tìm cách “lobby hành lang” với phí môi giới rất cao.

Người Mỹ và ngay cả khối Tây Âu hiền hòa dễ chịu như thế cũng không còn dễ chơi, sau tất cả những gì mà giới cầm quyền Việt Nam đã chứng minh họ là một chế độ tư bản thực dụng và dã man đến thế nào, nhưng lại luôn muốn duy trì ảo tưởng về “chủ nghĩa xã hội” và bóp nghẹt các quyền căn bản của người dân chỉ với mục đích duy trì càng lâu càng tốt đặc quyền và đặc lợi cho giới cầm quyền này.

Nhiều khả năng, Hội nghị kinh tế APEC sẽ dành cho Việt Nam tư thế “chỉ có tiếng, không có miếng”. Có thể lại hiện ra những “hợp đồng chục tỷ đô la” giữa Việt Nam và các nước theo đúng cái cách mà hai đời thủ tướng là Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc đã đi ký kết với Pháp và Mỹ, nhưng cho tới giờ chẳng còn ai nghe nói gì về số phận của những bản hợp đồng quá bị nghi ngờ vì tính trung thực ấy.

Nhưng ngay cả “tiếng” cũng có lẽ chỉ rất khiêm tốn. Đơn giản là Đà Nẵng chỉ là một tạm dừng để chính giới quốc tế gặp mặt nhau, chứ không vì APEC diễn ra ở Việt Nam mà chính thể này trở nên sáng giá hơn trong mắt cộng đồng quốc tế về uy tín chính trị và kể cả về môi trường đầu tư lẫn thương mại.

T.L.

Nguồn: http://www.baocalitoday.com/chinh-su-viet-nam/hoi-nghi-apec-viet-nam-co-duoc-loi-tu.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn