Có hay không một “Đại Học Sạch Và Giỏi” trong môi trường văn hóa, giáo dục ở Việt Nam hiện nay?

(Hay là nghĩ từ bài diễn văn của PGS TS Ngô Văn Giá)

Nguyễn Trọng Bình

1. Theo lời giới thiệu của một người bạn, tôi đã tìm đọc bài diễn văn của PGS TS Ngô Văn Giá nhân dịp trường ĐH Văn hóa (nơi PGS TS Ngô Văn Giá làm Trưởng khoa Viết văn – Báo chí) khai giảng Lớp Đại học Báo chí khóa 7. [i] Cũng theo lời người bạn thì đây là bài diễn văn được đông đảo bạn bè, đồng nghiệp, học trò của PGS TS Ngô Văn Giá tán dương, ca ngợi và chia sẻ rất sôi nổi thời gian qua.

Tôi đọc bài diễn văn của PGS TS Ngô Văn Giá trên trang vanviet.info kèm theo lời giới thiệu rất trang trọng trước đó của BBT vanviet. Tuy vậy sau khi đọc xong bài diễn văn này, tôi lại có một “góc nhìn khác”. Tôi cũng tự hỏi có nên nói ra những điều ấy không? Vì một “góc nhìn khác” của mình có khi sẽ làm nhiều người mất hứng và không vui? (Nhất là với chính những bậc tiền bối ở vanviet.info – những người mà từ lâu bản thân tôi rất khâm phục và kính trọng dù chưa từng gặp mặt bất kỳ ai ngoài đời). Sau nhiều lần đắn đo, tôi nghĩ cũng cần phải nói ra cảm xúc và suy nghĩ thật của mình vì hai lẽ sau:

Thứ nhất,  bài diễn văn của PGS Ngô Văn Giá nếu chỉ là phát biểu có tính nội bộ thì không vấn đề gì. (Vì dù sao đó là liệu pháp tâm lý tích cực giúp các em tân sinh viên lần đầu bước chân vào giảng đường đại học). Nhưng bài diễn văn sau đó đã công bố rộng rãi thì lại là một chuyện khác. Nói khác đi, ở giác độ văn hóa – giáo dục, bài diễn văn của PGS TS Ngô Văn Giá một khi đã công khai với công chúng thì không còn là chuyện của cá nhân ông nữa mà là vấn đề của xã hội.

Thế nên, ở phương diện cá nhân, bài diễn văn của PGS TS Ngô Văn Giá trước hết đã cho tôi có thêm một cái nhìn, một sự trải nghiệm thú vị về những vấn đề liên quan đến con người và văn hóa trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Thứ hai,  tôi coi đây như một “phép thử” cho tất cả! “Phép thử” về các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận của con người; phép thử về tinh thần đa nguyên, về việc tôn trọng sự khác biệt trong suy nghĩ và nhận thức… - những vấn đề không phải đã và đang được cổ xúy và dẫn dắt bởi những người “có chữ” trong xã hội và đất nước Việt Nam trong một vài năm trở lại đây hay sao!?

2. Chân thành và nghiêm túc mà nói, trước hết phải thừa nhận bài diễn văn của PGS TS Ngô Văn Giá xứng đáng là một bài diễn văn hay nếu so với vô số các bài diễn văn vốn có nội dung tầm phào, nhạt nhẽo và vô vị trên khắp xứ sở này vào những dịp khai giảng năm học mới.

Và có lẽ theo tôi cái hay nhất của bài diễn văn là sự gợi cảm và ma mị trong từng con chữ của người viết. (Có lẽ, PGS TS Ngô Văn Giá không chỉ là một nhà quản lý mà còn là một nhà giáo, nhà phê bình và nhất là một nhà văn nữa. Những tư cách nghề nghiệp này đã hỗ trợ tích cực cho tác giả bài diễn văn trong việc lập ngôn?).

Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ có thế. Những con chữ ma mị cũng chỉ có thể đánh lừa cảm xúc của tôi trong nhất thời. Sau khi những xúc cảm ban đầu lắng xuống và nhanh chóng qua đi, với tôi bài diễn văn chỉ còn lại những ngôn từ “sến súa”, thiên về sự “trình diễn” bản thân của người viết hơn là mang đến một sự thật (nếu được thì là một giải pháp có ý nghĩa thực tiễn) trong hoàn cảnh bát nháo của nền giáo dục nước nhà hôm nay như lời người bạn đã nói với tôi trước đó.

Không những vậy, bài diễn văn còn cho thấy sự tự huyễn hoặc của chính tác giả mà nếu không khéo rất có thể sự tự huyễn hoặc ấy sẽ lây lan sang các em sinh viên mới mon men bước vào giảng đường đại học. Và tôi đã thử dùng lý trí để phân tích một vài vấn đề mà PGS TS Ngô Văn Giá đã phát biểu trong bài diễn văn của mình như sau:

Đầu tiên, cái nhan đề “Một trường đại học sạch và giỏi” mới nghe qua tưởng chừng rất hay nhưng hóa ra lại không phải vậy. “Đại học sạch” làm tôi liên tưởng đến những phong trào “thịt sạch”, “rau sạch”... của xã hội hiện nay. Không dừng lại ở đó, “…đại học sạch và giỏi, hay nói chữ nghĩa một chút là lương thiện và trí tuệ” phải hiểu thế nào đây? Có lẽ vì người viết trau chuốt quá nên thành ra vô nghĩa, thậm chí gây hiệu ứng ngược và phản tác dụng.

“Đại học sạch và giỏi” có thể hiểu là đại học “không bẩn”“không dở” chăng!? Tự hào về bản thân và nơi mình công tác âu cũng là chuyện bình thường vì đó là sự “tự ý thức” và “ăn cây nào rào cây ấy”. Nhưng có cần phải như thế không? Có cần phải “trình diễn” như thể muốn khẳng định tất cả những kẻ khác, nơi khác đều bị vấy bẩn chỉ có ta mới là “sạch” như thế này không?

“Cũng đã nhiều năm nay, tôi và các đồng nghiệp của tôi cam kết cùng nhau vun đắp một môi trường sạch về đạo lý, về tư cách làm thầy, làm nghề. Chúng tôi vẫn thường nói với nhau, bản thân mỗi người làm nghề chữ nghĩa, lại đi dạy học trò làm nghề viết văn làm báo, vậy nhân danh những gì để theo đuổi nghề này, nhân danh những gì để cất tiếng nói lên sự công chính và tử tế ở đời, để ngợi ca những điều cao quý, để phản ứng những xấu xa, ngang trái, bất công? Vì thế, phải luôn biết trau dồi thiên lương, sự ngay thẳng, nghĩa khí mới có đủ tư cách làm nghề chữ nghĩa. Anh có thể lay thức được cho ai những điều cao quý khi mà chính trong anh thiếu hụt hoặc thấp kém”.

Có thể với các em sinh viên mới vào trường, những lời lẽ trên sẽ được các em đón nhận mà không mảy may nghi ngờ nhưng với những người có thừa sự trải nghiệm chắc chắn họ sẽ hoài nghi và đặt vấn đề chất vấn.

Ví như họ sẽ chất vấn, sao hôm nay PGS TS Ngô Văn Giá nói nghe xúc động và hùng hồn quá? Nó khác xa với thái độ và cách ứng xử của ông trong “vụ án” luận văn Thạc sĩ của cô Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) năm nào? Vì lẽ, khi ấy trong tư cách của những người “trong cuộc”, PGS TS Ngô Văn Giá và những đồng nghiệp của mình không hiểu sao lại rất kín tiếng và dè dặt để rồi cuối cùng một cô gái giỏi giang như Nhã Thuyên đã bị người ta tước bằng và buộc thôi việc?

Thậm chí khi PGS TS Ngô Văn Giá lên tiếng bằng một bài viết duy nhất thì gần như ngay lập tức đã bị thầy Châu Minh Hùng (Chu Mộng Long) phản biện rất quyết liệt như sau:

Định không viết gì nữa về vụ Nhã Thuyên cho “đúng định hướng”, nhưng sau khi đọc bài viết của PGS.TS. Ngô Văn Giá không thể không nói tiếp. Với bài viết thanh minh thanh nga kiểu ấy, ai bái phục không biết chứ tôi thì coi thường. Những lập luận công khai của những người từng chủ trương bỏ rọ trôi sông cô gái Nhã Thuyên chẳng làm cho ai tâm phục khẩu phục, trong khi bài viết của ông Ngô Văn Giá lại thể hiện rõ sĩ khí Bắc Hà thời nay: cúi đầu khuất phục trước cường quyền hơn là thẳng thắn đối thoại trên tinh thần dân chủ, bình đẳng trong học thuật”.[ii]

Hóa ra, phải chăng khi xưa nếu PGS TS Ngô Văn Giá dám “tử vì đạo” để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý, bảo vệ học trò mình tới cùng thì chắc chắn sẽ là một tấm gương sáng ngời, có giá trị hơn gấp 1000 lần bài diễn văn với những con chữ bóng bẩy, mĩ miều hôm nay?

Ở một phương diện khác cụ thể hơn, những người tỉnh táo sẽ lại đặt vấn đề: trong hoàn cảnh và môi trường học thuật nói chung và việc đào tạo ngành báo chí nói riêng ở Việt Nam hiện nay, PGS TS Ngô Văn Giá đã làm gì và sắp tới đây sẽ làm thế nào để cụ thể hóa những điều mình nói như một sự cam kết với các em sinh viên trước hết là trong tư cách của một một nhà quản lý?

Chắc PGS Ngô Văn Giá cũng thừa biết rằng hiện nay, việc kiểm soát báo chí ở Việt Nam là vô cùng nghiêm ngặt. Trên thế giới hiện chỉ có Việt Nam và vài nước khác là không cho phép tư nhân hóa hoạt động báo chí. Riêng về công tác giáo dục và đào tạo thì Nhà nước cũng không cho phép những trường đại học ngoài công lập đào tạo chuyên ngành báo chí. Vì sao như vậy? Vì mục tiêu quan trọng và duy nhất của việc đào tạo ngành báo chí ở Việt Nam lâu nay chỉ nhằm hướng đến một vấn đề duy nhất đó là: “tuyên truyền cho đảng và chính quyền” trên “tinh thần” “tốt khoe, xấu che”. Và trên thực tế việc hành nghề của đội ngũ người làm báo chính thống nước nhà hiện nay cũng chủ yếu hướng đến nhiệm vụ duy nhất này. Thế nên, ở Việt Nam báo chí với vai trò là một cơ quan “quyền lực thứ tư” chỉ là câu nói có tính mỉa mai hơn là niềm tự hào cho đội ngũ những người làm báo chân chính.

Qua đây, có thể nói một khi chính quyền Nhà nước chỉ xem và sử dụng báo chí như một công cụ để “tuyên truyền” thì tự thân nó đã mâu thuẫn với cái sứ mạng của những người làm báo, mâu thuẫn cái “quyền lực thứ tư” của báo chí (đặc biệt là trong xu thế và bối cảnh cần sự tương tác đa chiều hiện nay giữa người dân và chính quyền trong một quốc gia và giữa các quốc gia với nhau).Và đương nhiên nó cũng rất mâu thuẫn với lời cam kết của PGS TS Ngô Văn Giá (trong tư cách của một người quản lý, thừa lệnh của chính quyền Nhà nước) với các em sinh viên liên quan đến mục tiêu của giáo dục đại học mà ông đề cập trong bài diễn văn của mình như sau:

“Mục tiêu tổng quát của giáo dục đại học là tạo ra những con người tự do, biết chủ động lựa chọn, theo đuổi, sáng tạo và cống hiến trên một tinh thần nhân văn cao quý. Con người tự do ngược lại với tinh thần nô lệ, bị lệ thuộc quá mức vào vật chất tiêu dùng, vào phương tiện thông tin, thế giới ảo, nô lệ vào những định kiến chật hẹp, những tín điều cũ kỹ, những thứ cản trở sự tiến bộ và khai phóng. Một tinh thần Đại học như vừa nói ở trên, được hiểu như một vẫy gọi, một cam kết giữa tất cả thầy trò chúng ta”.

Từ đây, liệu rằng PGS TS Ngô Văn Giá có đủ bản lĩnh và dũng khí để nói với các sinh viên của mình rằng, các em hãy nói, hãy viết những gì các em nghĩ (chứ không phải người khác nghĩ); hãy nói, hãy viết về những sự thật của xã hội và đất nước hiện nay bằng tất cả đạo đức và lương tâm của một nhà báo, đặc biệt là về những vấn đề rất “nóng” mà người dân ai cũng quan tâm như: mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc; các sự kiện ở biển Đông, chuyện ô nhiễm môi trường ở Hà Tĩnh (Formosa), về tham nhũng của các quan chức lãnh đạo cấp cao…?

Và liệu PGS TS Ngô Văn Giá có dám đánh đổi chiếc ghế của mình đang ngồi để bảo vệ các sinh viên của mình nếu các em muốn làm một nhà báo “ngay thẳng” giống như trường hợp của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên năm nào?

Ngoài ra, là một nhà nghiên cứu, PGS TS Ngô Văn Giá chắc thừa biết lịch sử ra đời của báo chí nước nhà không phải là ngày 21/6 nhưng hàng năm Nhà nước vẫn quy định và lấy ngày này làm mốc để kỷ niệm. Trong tư cách của một nhà nghiên cứu ở một “ngôi trường sạch và giỏi”, liệu PGS TS Ngô Văn Giá có dám cất lên tiếng nói để đấu tranh đến cùng cho học thuật và cho lẽ phải để các em sinh viên thấy rằng những điều ông nói là trung thực và đáng tin?

3. Người làm giáo dục đương nhiên cần phải “gieo” vào đầu thế hệ trẻ những suy nghĩ trong sáng để họ có thêm niềm tin đối với bản thân. Nhưng thiết nghĩ tất cả phải trên cơ sở của sự thật cuộc sống và đặc biệt là “vai trò nêu gương” và sự trung thực của những “người lớn” - những người đang trực và gián tiếp dẫn dắt lớp trẻ - nếu không rất dễ trở thành lừa mị hoặc ảo tưởng! Thế nên, dù tôn trọng quan điểm cá nhân của PGS TS Ngô Văn Giá nhưng tôi nghĩ với bài diễn văn của mình, PGS TS Ngô Văn Giá đã vô tình gieo vào đầu các em sinh viên những điều mà tôi tin ngay cả bản thân ông và các đồng nghiệp vẫn còn đang lúng túng và “mắc kẹt” trong tư cách của những người trí thức (nhà văn, nhà giáo, nhà quản lý) trong xã hội Việt Nam hôm nay.

“Học đi đôi với hành”. Hiệu quả xã hội của một nền giáo dục nói cho cùng cũng chỉ gói gọn trong mấy chữ như vậy. Nhưng oái oăm thay, mấy mươi năm qua xã hội đất nước chúng ta, về giáo dục hầu như chỉ làm mỗi việc nhồi nhét và ép buộc người dân phải học những lý thuyết cao vời nhưng ít khi tạo điều kiện, môi trường để họ thực hành (thực làm trong sự vui vẻ, thoải mái). Thế nên, mọi sự cải cách giáo dục thời gian qua phải chăng cũng chỉ mới dừng lại ở những con chữ mĩ miều, ướt át trong các bài diễn văn của người nắm quyền lãnh đạo vì vậy mà chẳng có cuộc cải cách nào thành công? Và cuộc cải cách hiện tại có lẽ cũng đang ở trong tình cảnh như vậy?

Ở một phương diện khác nữa, đọc bài diễn văn của PGS TS Ngô Văn Giá tôi bỗng liên tưởng đến trường hợp GS Ngô Bảo Châu. Có thể thấy, thời gian qua thỉnh thoảng GS Châu cũng có những phát ngôn rất “nặng ký” thể hiện quan điểm cá nhân của ông về các vấn đề của xã hội và đất nước. Những phát ngôn ấy có thể làm một số người “không hài lòng” nhưng điều quan trọng là nó rất thống nhất  với những việc làm (trong lặng lẽ, âm thầm) nhằm đóng góp công sức, trí lực cho xã hội và đất nước của GS Châu. Nói cách khác, sự thống nhất này ít nhiều cho thấy thái độ và tâm thế của một Ngô Bảo Châu – cái thái độ và tâm thế cần phải có của những trí thức chân chính và tử tế nhưng đáng tiếc thay đây lại là “rào cản” lớn nhất của đội ngũ trí thức trong xã hội Việt Nam hiện nay. Một khi không vượt qua được “rào cản” này thì cái ý niệm về “một ngôi trường đại học sạch và giỏi” cũng chỉ là sự “chém gió”, “lên gân, lên cốt”, nói cho “sướng miệng” mà thôi.

***

4. Tôi vốn không biết PGS Ngô Văn Giá là ai. Tôi ở mút tận miền Tây xa xôi còn PGS TS Ngô Văn Giá đang sinh sống và làm việc ở thủ đô Hà Nội. Và như đã nói ở đầu bài viết, tôi rất đắn đo về “góc nhìn khác” này của mình (vì tôi biết chắc chắn sẽ làm cho những người thân, bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là PGS TS Ngô Văn Giá buồn lòng). Dù vậy nhưng tôi nghĩ, PGS TS Ngô Văn Giá sẽ đồng cảm với tôi về ý kiến của TS Alan Phan đã từng nói khi còn sống như sau:

“Trong cuộc sống càng có nhiều góc nhìn thì càng giúp chúng ta có thêm cơ hội đến gần sự thật và chân lý”.

Vậy nên, khi tôi nói ra suy nghĩ thật của mình về bài diễn văn của PGS TS Ngô Văn Giá không có nghĩa là tôi thiếu tôn trọng ông. Ngược lại và hơn thế nữa, tôi thấy cần phải gửi lời cảm ơn đến PGS TS Ngô Văn Giá. Vì nhờ bài diễn văn của ông mà tôi có cơ hội nhìn lại mình.

Nói cách khác, một cách chân thành, tôi viết bài này trước hết cũng là để tự răn mình trong bối cảnh văn hóa, xã hội nước nhà hôm nay! Bởi lẽ, ai cũng biết cái môi trường văn hóa, giáo dục nói chung ở Việt Nam hiện đang rất “bẩn” thì dù muốn dù không một khi đã đứng trong hàng ngũ của những người làm giáo dục cũng khó mà nói bản thân mình “sạch” cho được. Cố gắng hết sức để “giữ mình” ít bị vấy bẩn đã là may lắm rồi.

Tôi nghĩ như thế không biết có đúng không?

Cần Thơ, 11/10/2017

N.T.B.


[i] “Một trường đại học sạch và giỏi”. Xem tại: http://vanviet.info/van-de-hom-nay/mot-ngi-truong-dai-hoc-sach-v-gioi/

[ii] “Viết gì nữa về vụ Nhã Thuyên?”. Xem tại: https://chumonglong.wordpress.com/2014/03/30/viet-gi-nua-ve-vu-nha-thuyen/

Nguồn: http://www.viet-studies.net/NTrongBinh_NghiVeNgoVanGia.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn