Trả lời phỏng vấn của báo Tin tức (Thông tấn xã VN) về việc tạm dừng Dự án thép Cà Ná, Ninh Thuận

Phóng viên Thu Trang thực hiện phỏng vấn Tiến sĩ Tô Văn Trường chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường

clip_image002

1. PV: Mới đây, Thủ tướng có chỉ đạo dừng dự án thép Cà Ná. Ông đánh giá ra sao về vấn đề này?

TVT: Quyết định của Thủ tướng chỉ đạo dừng dự án thép Cà Ná, Ninh Thuận được công luận hoan nghênh và đánh giá rất cao, chứng minh lời nói “không đánh đổi đầu tư lấy phá hủy môi trường” trở thành hành động cụ thể. Nói chung, cần nhìn nhận mọi dự án lớn theo quan điểm hệ thống để thấy mối tương quan trong bài toán “trade-off” đánh đổi một cách thuyết phục cả về kinh tế xã hội và môi trường.

Cá nhân tôi, ngay từ năm ngoái đã viết loạt bài liên quan đến dự án thép nói trên, tiêu biểu như: “Dự án thép Cà Ná lợi bất cập hại; Cần xem lại quy hoạch phát triển ngành thép; Phép thử của Bộ trưởng”, v.v…

Thép Cà Ná là dự án gây nhiều tranh cãi, vì bản chất dự án (tiềm năng gây ô nhiễm; tiềm năng xung đột sử dụng nước và vùng biển với các hoạt động dân sinh khác), vì địa điểm thực hiện (tỉnh nghèo, chưa tìm được hướng phát triển kinh tế phù hợp) và vì hiệu quả kinh tế (thời điểm giá thép trên thế giới không hấp dẫn đầu tư; nhà đầu tư còn có nhiều nghi vấn về khả năng thực hiện). Trên hết, dự án này lại được đề xuất ngay sau vụ Formosa gây ô nhiễm nghiêm trọng và việc giải quyết hậu quả lại chưa đủ thuyết phục và còn nhiều ý kiến trái chiều. Vì vậy, khi chưa hóa giải được những lo ngại của các nhà khoa học và của cộng đồng thì quyết định cho "tạm dừng" dự án là hợp lý và hợp tình.

Ngẫm suy, quyết định của Thủ tướng càng có giá trị trong bối cảnh khi ta chưa có một bộ máy công quyền thực sự trong sạch, và có năng lực.

2. PV: Một trong những nội dung Thủ tướng yêu cầu làm rõ trong dự án này là “đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ, thiết bị của Dự án, đặc biệt nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đảm bảo Dự án an toàn không xảy sự cố tương tự như Formosa”. Với góc độ chuyên gia môi trường, ông đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của dự án đối với môi trường?

TVT: Bài học đắt giá về Formosa học còn chưa thuộc thì hãy bình tĩnh, thận trọng, đừng vì chạy theo thành tích lại "đưa hùm cửa trước, rước cọp cửa sau".

Dự án luyện gang thép là một trong những dự án có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (cùng danh mục "tiềm năng" với dự án lọc dầu, sản xuất bột giấy và giấy, dệt nhuộm,...) do phát thải khí thải, nước thải, chất thải rắn có thành phần nhiều hóa chất độc hại. Bên cạnh đó dự án thép cũng sử dụng nhiều tài nguyên không tái tạo (nhiên liệu, nước). Vì vậy việc "đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ, thiết bị của Dự án, đặc biệt nghiên cứu đánh giá tác động môi trường" là rất cần thiết.

Quá trình sản xuất thép khi tắt ướt gây ô nhiễm môi trường bao gồm nước thải có chứa thành phần Tar, bụi hình thành do tưới nước vào cốc nóng đỏ bị nguội đột ngột. Một số khí hình thành bao gồm có CO, H2, CxHy đổ nước có phản ứng với cốc nóng đỏ, v.v...

Nhà máy thép không nên đặt ở khu vực Nam Trung Bộ, nơi có hệ sinh thái biển, du lịch năng động, rất nhiều tiềm năng do thiên nhiên ban tặng cho con người. Gần Vịnh Cà Ná có khu bảo tồn Hòn Cau đa dạng sinh học san hô nhất Việt nam, cần ưu tiên bảo vệ. Về kinh tế: sản xuất thép đáp ứng lợi ích cho thị trường nội địa chỉ chiếm 1 phần, cho xuất khẩu chưa rõ, đặc biệt TPP không được triển khai. Nguồn cấp nguyên liệu quặng từ Thạch khê (Hà Tĩnh) không khả thi. Ninh Thuận, nguồn nước khan hiếm (ít nước mặt, nước ngầm, nước mưa nhất, nhiệt độ không khí cao nhất trên lãnh thổ VN), chất thải ra biển sẽ hủy hoại toàn bộ các lợi ích kinh tế và môi trường sống không thể khắc phục được.

Cần lưu ý là hiện nay năng lực quản lý và giám sát tuân thủ của VN còn rất yếu kém, khó kiểm soát nổi các nhà đầu tư luôn đặt lợi nhuận kinh tế lên hàng đầu. Vì vậy việc đánh giá tác động môi trường chỉ là điều kiện cần, còn chưa đảm bảo điều kiện đủ để ngăn chặn, phòng ngừa đảm bảo "an toàn không xảy sự cố tương tự như Formosa".

Thực tế là các cơ quan công quyền liên quan phê chuẩn Luận chứng, Đánh giá tác động môi trường hay Xét thầu đều dựa trên mô tả rất hay của chủ đầu tư (trên giấy tờ), thậm chí nhiều vị quan chức tham dự phê duyệt cũng chưa bao giờ được ‘nhìn’ hay ‘sờ’ thấy!

3. PV: Kinh nghiệm các nước đối với các dự án thép như thế nào, thưa ông?

TVT: Các nước sản xuất thép, trước hết họ phải tính đến bài toán kinh tế và bảo vệ môi trường, cân đối được nguồn năng lượng tiêu thụ, nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhà máy thường đặt ở vùng đất trống, xa khu dân cư, tạo các vùng chôn chứa chất thải bảo đảm an toàn, đầu tư chi phí lớn cho hệ thống xử lý chất thải bảo đảm chất lượng, hệ thống luật cũng như kỹ thuật kiểm soát theo dõi chất lượng môi trường nghiêm ngặt và hiệu quả.

Trung Quốc từ năm 2017-2020, mỗi năm phải cắt giảm 100 triệu tấn thép vì dư thừa. Nhật Bản là nước sản xuất thép lớn thứ 2 thế giới, thép lại tốt, cũng đang phải cắt giảm. Thị trường thép dư thừa, đặc biệt là từ Trung Quốc sản lượng bằng 50% thị trường thế giới, nên phải bán phá giá. Giá thép thô giảm từ $1200/tấn xuống còn khoảng $320/tấn. Trong khi đó chi phí tối thiểu để sản xuất, và không chi một xu bảo vệ môi trường là $300/tấn.

Xét về khía cạnh khác, ở Trung Quốc, thép đang bị thừa, sản xuất thép lại tiêu thụ nhiều tài nguyên và gây ô nhiễm trầm trọng nên họ nhảy vào thị trường Âu châu, cạnh tranh bẩn, kiểu giá rẻ mạt làm cho những nhà máy bên đó phải đóng cửa. Vì thế mà EU “cấm cửa” [Trung Quốc]. Nên họ phải tìm sang thị trường Việt Nam “dễ tính, dễ mua”.

Tư duy chiến lược phát triển quốc gia thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và khủng hoảng chính trị toàn cầu, kinh tế thế giới và toàn cầu hoá sang giai đoạn mới – với đặc điểm chung nhất là các nền kinh tế yếu, nhỏ rất dễ bị chấn thương. Ở thời kì nóng bỏng hiện nay, làm kinh tế mà không nhìn thẳng vào cái thế giới đầy biến động này là sai lầm chết người, nhất là công nghiệp thép rất dài hạn và rất "nặng" về mọi mặt đối với nước ta.

Hiện nay, sản xuất thép trong nước ta đã đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép, tôn mạ kim loại và tôn phủ màu. Một số sản phẩm xuất khẩu cao như tôn mạ, ống thép, thép cán nguội. Nhưng thực tế là nhà máy thép nào hoạt động tốt nhất mới đạt 60% công suất, nhiều nhà máy chỉ đạt 30% công suất. Nếu tính cả nhà máy Thép 7 triệu tấn ở Nghi Sơn-Thanh Hóa, thì vào năm 2030 Việt Nam sẽ có công suất 50 triệu tấn thép, trong khi đó nhu cầu chỉ khoảng 40 triệu tấn.

Đối với đầu tư, dù là của nhà nước hay tư nhân, chính sách của Chính phủ phải đưa ra các qui định cụ thể và có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, có các qui định cụ thể về bảo vệ môi trường, về qui mô, địa điểm có thể, về tiêu hao năng lượng, vật tư, nước, khí các loại, sử dụng đất. Những nội dung này được tập hợp thành Chính sách phát triển công nghiệp thép.

Việt Nam không thể đi lên bằng phát triển công nghiệp hạ nguồn. Suy nghĩ về làm thép hiện nay ở nước ta phần lớn là do bị các nhà đầu tư nước ngoài “thày dùi” và sẵn sàng tuồn tiền bẩn vào thực hiện để xiết chặt nước ta vào họ. Cổ vũ làm thép như thế là giết chết đất nước, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

TS Tô Văn Trường gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn