Chính sách công nghiệp hóa của Việt Nam

Trần Văn Thọ

Mặc dù có thuận lợi của một nước đi sau và nguồn lao động phong phú nhưng tiến trình công nghiệp hóa Việt Nam từ thập niên 1990 đến nay lại không phát triển mạnh mẽ như chúng ta mong muốn. Trong khi đó, giai đoạn tới đây lại tiếp tục đặt ra những thách thức mới.

clip_image002

Ba thách thức của trào lưu công nghiệp hiện nay

Xem xét các ảnh hưởng từ biến động của kinh tế thế giới, khuynh hướng thay đổi công nghệ và dòng thác công nghiệp tại châu Á ngày nay, ta thấy có ba thách thức lớn đối với các nước còn đang trên quá trình công nghiệp hóa.

Thách thức đầu tiên là cạnh tranh giữa các nước công nghiệp mới sẽ diễn ra gay gắt vì công nghiệp trên thế giới hiện nay có khuynh hướng tăng chậm, một phần vì thị trường hàng hóa nói chung tăng với tốc độ chậm hơn do kinh tế thế giới suy thoái sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008. So với thời kỳ 1997-2007, sản xuất công nghiệp giai đoạn 2007-2014 của thế giới giảm mức tăng trung bình từ 3,2% xuống còn 0,7%. Mỹ và Nhật hoàn toàn không tăng, các nước khác tại châu Á đều giảm, trừ Philippines. Nhiều chuyên gia dự đoán khuynh hướng đình trệ trong sản xuất công nghiệp thế giới có lẽ sẽ tiếp tục trong giai đoạn tới. Một phần nguyên nhân khác của khuynh hướng tăng trưởng chậm là hiện tượng sản xuất thừa, nhất là trong công nghiệp nặng như sắt thép, bắt nguồn từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, quốc gia vươn lên thành nền kinh tế thứ hai thế giới chủ yếu bằng công nghiệp và chiếm tới 40 hoặc 50% sản lượng thế giới trên nhiều mặt hàng.

Thách thức thứ hai cũng liên quan thách thức thứ nhất, nhiều nước ở giai đoạn thu nhập trung bình, thậm chí ở mức thu nhập trung bình thấp, đã bắt đầu phải chuyển sang thời đại hậu công nghiệp một cách bất đắc dĩ, tức là tỉ trọng sản phẩm công nghiệp trong GDP bắt đầu giảm và giảm liên tục dù quá trình công nghiệp hóa cũng như trình độ phát triển của nền kinh tế còn ở giai đoạn thấp. Palma (2008) gọi hiện tượng đó là “thoát công nghiệp hóa còn non” (premature de-industrialization).

Hầu hết các nước ASEAN từ khoảng năm 2005 đã bắt đầu hiện tượng hậu công nghiệp hóa. Đặc biệt tại Việt Nam, tỉ lệ của công nghiệp trong GDP mới ở khoảng 20% đã bắt đầu giảm và giảm liên tục. Công xưởng thế giới Trung Quốc đã tác động mạnh đến các nước ASEAN do yếu tố địa lý và các nguyên nhân khác như thể chế (Việt Nam), mạng lưới người Hoa (Thái Lan, Malaysia,...) hoặc quan hệ bổ sung với Trung Quốc trong vai trò cung cấp năng lượng, nguyên liệu (Indonesia). Trong quá trình trỗi dậy của Trung Quốc, ASEAN có đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường lớn này nhưng tác động của nhập khẩu hàng công nghiệp từ Trung Quốc lại mạnh hơn nhiều mà Việt Nam là trường hợp điển hình.

Khảo sát những nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, ta thấy thời điểm hậu công nghiệp xảy ra chậm, khi nền kinh tế đã chuyển từ thu nhập trung bình cao lên mức cao. Chẳng hạn trường hợp của Mỹ thì đó là khoảng năm 1950 (Acemoglu 2009) và Nhật vào giữa thập niên 1970 (Komine and Murata 2016). Hình 1 cho thấy Nhật Bản và Hàn Quốc khi đã đạt được mức thu nhập trung bình trên 35.000 USD (theo PPP năm 2005) thì tỉ lệ của công nghiệp trên GDP mới bắt đầu giảm. Trong khi đó, các nước ASEAN hiện nay mới đạt mức khoảng 4000 hoặc 5000 USD đã phải trực diện với tình huống hậu công nghiệp hóa, nghĩa là đã chuyển sang phát triển dịch vụ quá sớm. Nhất là Việt Nam vừa mới trở thành nước thu nhập trung bình thấp đã phải đối diện với nguy cơ đó. Tình hình này sẽ làm tốc độ phát triển chậm lại vì năng suất lao động trong dịch vụ thường thấp hơn công nghiệp.1

clip_image004

Hình 1. Công nghiệp hoá và hậu công nghiệp hoá tại một số nước Đông Á

Thách thức thứ ba là cuộc cách mạng công nghệ mới với tính chất ngày càng tự động hóa, sản xuất công nghiệp ngày càng ít dùng lao động. Ngay những nhà máy lớn của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam trong khoảng 10 năm qua đã giảm đáng kể số lượng lao động mặc dù sản lượng tiếp tục tăng.2 Ngoài ra, sự phân tầng trong thị trường lao động cũng đang diễn ra. Những người có năng lực thích ứng với môi trường công nghệ mới thì năng suất và thu nhập cao, trong khi những công việc dành cho lao động kỹ năng thấp ngày càng ít và tầng lớp lao động kỹ năng thấp sẽ ngày càng rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Chiến lược, chính sách của Việt Nam cho giai đoạn mới

Để khắc phục những hạn chế trong giai đoạn vừa qua và đối phó với những thách thức mới, Việt Nam cần có các chiến lược, chính sách gì?

Thứ nhất, với một lực lượng lao động hùng hậu của một quốc gia sắp đạt 100 triệu dân, Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hóa trong một diện vừa rộng vừa sâu mới tránh được hiện tượng bước vào thời đại hậu công nghiệp quá sớm.

Về diện rộng, hai lĩnh vực cần chú trọng là công nghiệp cơ khí như xe hơi, xe máy, máy in, máy công cụ, computer, camera, v.v. – đây là ngành mà Việt Nam có tiềm năng cao theo đánh giá của các công ty đa quốc gia, đồng thời, hợp với nhu cầu ngày càng tăng của thế giới  – và công nghiệp thực phẩm chế biến từ nông thủy sản mà Việt Nam có nguồn cung cấp phong phú.

Với các loại máy móc, trên chuỗi cung ứng toàn cầu và tại khu vực Á châu, hiện nay chất lượng sản phẩm sản xuất ở Việt Nam mới ở dạng thấp hoặc trung bình. Việt Nam cần nghiên cứu và tạo điều kiện để doanh nghiệp FDI chuyển dịch chất lượng sản phẩm lên cao hơn. Đó là kết quả của chuyến đi điều tra thực tế của tôi tại các khu công nghiệp ở Việt Nam vào tháng tám năm 2016. Chính phủ nên đối thoại với các tập đoàn lớn sản xuất máy in, xe máy, xe hơi, v.v. để biết cần có chính sách gì để khuyến khích họ mở rộng và nâng cao diện sản xuất tại nước ta.

Với những nước nông nghiệp đông dân, dư thừa lao động, con đường phát triển hiệu quả, bền vững là công nghiệp hóa, đẩy cơ cấu công nghiệp lên cao trong một giai đoạn dài rồi mới chuyển sang giai đoạn hậu công nghiệp.

Với công nghiệp thực phẩm, chỉ riêng ở Á châu đã có khoảng 500 triệu dân có thu nhập 5.000 USD trở lên, tạo ra thị trường rất lớn về thực phẩm chất lượng cao, nhất là thực phẩm và nước uống bảo đảm an toàn vệ sinh. Việt Nam cần liên kết với các công ty uy tín ở nước ngoài về phương diện này để du nhập công nghệ chế biến, kỹ thuật quản lý, bảo quản và chuyên chở. Đây cũng là lĩnh vực quan trọng trong việc đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn.

Việc thâm sâu (deepening) quá trình công nghiệp hóa cũng quan trọng. Đây là việc mở rộng sản xuất hàng công nghiệp theo chiều dọc, xuất phát từ sản phẩm lắp ráp, chế biến tiến sâu vào sản phẩm trung gian để tăng giá trị tính thêm và tạo thêm công ăn việc làm. Việt Nam cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới về các ngành may mặc và sản phẩm điện tử nhưng đồng thời ngày càng nhập siêu vải, sợi và linh kiện điện tử là những sản phẩm trung gian của các mặt hàng xuất khẩu đó. Xúc tiến thay thế nhập khẩu các mặt hàng trung gian này sẽ làm thâm sâu quá trình công nghiệp hóa.

Ngoài ra, nếu môi trường đầu tư thông thoáng, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ phát hiện nhiều lĩnh vực có tiềm năng khác.

Thứ hai, Việt Nam cần ưu tiên củng cố nội lực, cụ thể là tăng năng lực quản trị nhà nước và xây dựng tư bản dân tộc ngày càng vững mạnh. Mũi đột phá là các vấn đề cải cách hành chính, cơ chế tuyển chọn cán bộ, và hoàn thiện các thị trường yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, lao động. Đây cũng là điều kiện để Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình thấp. Để tư bản dân tộc phát triển, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân phải được bình đẳng trong việc tiếp cận vốn và các nguồn lực khác.

Thứ ba, Nhà nước phải quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam kết nối có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước tạo lập được thương hiệu riêng. Không chỉ cần tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp mà còn phải đi xa hơn, năng động hơn trong việc làm cho tư bản dân tộc cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải nỗ lực nghiên cứu, thường xuyên theo dõi biến động của thị trường và công nghệ thế giới, nghiên cứu kinh nghiệm các nước và nhanh chóng đưa ra các chính sách phù hợp và kịp thời.    

Thứ tư, cần rà soát và lập lại chiến lược hội nhập. Song song với việc mở cửa thị trường trong các cam kết về tự do mậu dịch, phải có chiến lược nuôi dưỡng các ngành công nghiệp có tiềm năng. Mặt khác, phải thay đổi chiến lược tiếp nhận FDI và tiếp cận với công nghệ của thế giới. Cụ thể, chỉ cấp giấy phép cho những dự án có công nghệ cao và đóng góp trực tiếp vào việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao, chuyển dịch sản phẩm lên cao hơn trên chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp chủ đạo. Ngoài ra, khuyến khích các dự án liên doanh với doanh nghiệp trong nước và ưu tiên kêu gọi FDI từ những công ty có uy tín và năng lực công nghệ cao trên thế giới. Những công ty đó vốn đã xác lập được văn hóa kinh doanh và luôn giữ thanh danh của mình nên sẽ bảo vệ môi trường và tuân thủ luật pháp của nước họ đến đầu tư. Đối với doanh nghiệp trong nước, cả quốc doanh và tư nhân, cần khuyến khích tiếp thu công nghệ nhiều hơn qua hợp đồng để đổi mới công nghệ nhưng đi kèm với cơ chế kiểm tra trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước để tránh lãng phí kinh phí đầu tư.

Thứ năm, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trước mắt đáp ứng với nhu cầu trong trào lưu công nghệ mới, và về lâu dài có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường, của công nghệ. Nhà nước nên ưu tiên hỗ trợ những đại học, kể cả đại học tư, có khả năng đáp ứng nhu cầu mới đó.

Lời kết

Ít nhất là cho đến khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao, công nghiệp hóa phải được tiếp tục coi là đầu tàu trong quá trình phát triển. Các chiến lược, chính sách cần nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh mới. Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần nỗ lực đẩy mạnh công nghiệp hóa cả diện rộng và bề sâu mới tránh được hiện tượng chuyển sang thời đại hậu công nghiệp hóa quá sớm. Mặt khác, phải xác định ngoại lực quan trọng nhưng nội lực có vai trò quyết định trong quá trình công nghiệp hóa, vì vậy cần củng cố nội lực, nuôi dưỡng tư bản dân tộc và quan tâm chọn lựa FDI theo hướng chỉ khuyến khích những dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường và trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước chưa có khả năng sản xuất.

Tư liệu tham khảo:

Acemoglu Daron (2009), Introduction to Modern Economic Growth, Princeton University Press.

Fingleton, Eamonn (1999), In Praise of Hard Industries: Why Manufacturing, Not The Information Economy, Is The Key to Future Prosperity, Buttonwood Press.

Komine, T. và K. Murata (2016), Saishin Nihon Keizai Nyumon, (Nhập môn mới nhất về Kinh tế Nhật bản), Bản tu chỉnh và bổ sung lần thứ 5, Nihon Hyoronsha.

Palma, J. G. (2008), “De-industrialization, ‘premature’ de-industrialization and the Dutch Disease”, in Durlauf S. N. and E. B. Lawrence, eds., The New Palgrave Dictionary of Economics, Second Edition.

Trần Văn Thọ (2006), Biến động kinh tế Đông Á và Con đường Công nghiệp hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.

Trần Văn Thọ (2016), Cú sốc thời gian và Kinh tế Việt Nam, Nhà xuất bản Tri thức.

Weiss, John (1988), Industry in Developing Countries: Theory, Policy and Evidence, Croom Helm.

--------

1 Ngay cả trường hợp Mỹ là nước thu nhập rất cao, tiên tiến hàng đầu về mọi lĩnh vực, vẫn còn ý kiến cho rằng Mỹ cần quan tâm hơn nữa việc phát triển công nghiệp và khả năng, dư địa để phát triển còn rất lớn. Xem, chẳng hạn, Fingleton (1999).

2 Tháng 8 năm 2016, tôi có đi khảo sát các nhà máy của Canon, Honda, Brothers, YKK, v.v. tại Việt Nam. Kết quả cho thấy trong khoảng 10 năm qua, sản lượng vẫn gia tăng nhưng số lao động giảm tới trên dưới 30%.

T.V.T.

Nguồn: http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Chinh-sach-cong-nghiep-hoa-cua-Viet-Nam--10350

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn