Đọc Vầng Trăng Khuyết của Huỳnh Văn Khánh

Hạ Đình Nguyên

Vầng Trăng Khuyết của Huỳnh Văn Khánh không phải là một tập thơ, không phải là chuyện tình ái ân lãng mạn, Khánh lại không phải là nhà văn, hay nhà thơ chuyên nghiệp. Thế mà anh đã vận thêm hai câu thơ có hình ảnh não lòng của cuộc yêu đương trong truyện Kiều của Nguyễn Du vào bìa sách:

Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao,

Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng”.

Anh muốn gợi ý điều gì cho người đọc nghĩ ngợi, khi mà tập hồi ký chỉ thuần chuyện chiến tranh đẫm máu, với trái tim rực lửa yêu nước của một thời thanh niên, của anh, đồng đội anh, và thế hệ anh?

Anh đã chiến đấu trọn vẹn với hơi thở và trái tim mình, sẵn sàng hy sinh trong cuộc sống chết. Và Cách mạng đã thành công, anh đứng dưới lá cờ toàn thắng, anh có mặt lành lặn trong đoàn quân vẻ vang trở về. Sao anh chọn tựa đề - là chủ đề của tập sách - là “Vầng Trăng Khuyết”? Anh chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng anh, mà suốt tập hồi ký, anh và cả đồng đội của anh, không hề nghe nhắc đến dù chỉ một lần, về cụm từ XHCN mà hẳn nhiên từ đó anh ra đi, ít nhiều ở lúc anh khởi sự đưa thân vào Tổ chức?

Vì sao anh gọi là “vầng trăng khuyết”?

Mà anh chẳng nói lời nào về cái khuyết của vầng trăng!

Anh không phải là người viết chuyện về kẻ khác. Anh viết rất hay, vì nó thật. Nó gây cảm xúc trong tôi, cái cảm xúc vốn đã bị bụi thời gian phủ kín như bao người. Rất ít người còn muốn đọc về chiến tranh dù nó thế nào chăng nữa, có là vẻ vang hay đau nhức, tiếng cười hay tiếng khóc. Thế mà anh còn cặm cụi viết! Vô tình, anh đã giúp tôi phủi chút bụi thời gian để nhìn lại. Vậy là quá khứ đã không bao giờ là quá khứ hẳn.

Anh nói về chính mình, mà có sự lay động đến nhiều người, nên tôi đủ niềm tin rằng anh không hề sáng tác. Anh dũng cảm trong chiến đấu, và nghiêm túc với tổ chức, với cấp trên, với đồng đội. Anh là một chiến sĩ trọn vẹn với ý nghĩa thiêng liêng của từ ấy. Qua chuyện kể, những người bạn mà anh gặp trên các đoạn đường khói lửa, và cả trong lao tù, dù lớn tuổi hay nhỏ tuổi hơn, dù cấp trên hay cấp dưới, xuất thân từ mọi vùng miền của đất nước cũng giống như anh, những trái tim ấm áp cùng một nhịp đập. Đáng yêu quý và đáng trân trọng biết bao! Tôi không là người có xu hướng phủ định quá khứ, tôi muốn nhìn thẳng hiện tại bằng con mắt của mình, và có quyền nghĩ đến tương lai theo một cách.

Tôi tự hỏi, thật sự cái gì của lịch sử đã làm nên những thế hệ hoành tráng ấy của một thời chiến tranh đã qua? Không phải tự nhiên mà người ta gọi tên là “Cuộc kháng chiến thần thánh”. Trong cái nghĩa thần thánh ấy bao gồm những điều vượt lên trên sự bình thường, kể cả sự đau thương không kể xiết. Và gọi là “thần thánh”, có thể vì không lý giải được, bởi cách nhìn và chỉ muốn một cách nhìn từ một loại “logique riêng biệt”. Cuộc kháng chiến là thuần túy do lòng yêu nước? Hay lòng yêu nước ấy đã được kích hoạt để trở thành sự can trường hiếm có và bền bỉ, bởi một thứ “lý tưởng”, dù lý tưởng ấy có là mơ hồ và không có thật, mà chưa kịp nhận ra chăng nữa? Nó làm thăng hoa để những nguyên liệu trở thành chất liệu tuyệt vời. Phải chăng, cái lý tưởng ấy – cái lý được tưởng tượng - có vai trò của một ánh đèn pin trong đêm tối mịt, dẫn lối ra để đến đại lộ thênh thang dưới ánh mặt trời? Sau đó, nếu vứt bỏ chiếc đèn pin thì không thể, vì không đành, nhưng càng không thể quái dị mà cố sức lấy đèn pin rọi mãi giữa ban ngày. Qua sông thì phải lụy đò, người xưa từng nói thế. Nhưng đã qua sông mà còn phải hì hục khuân vác chiếc thuyền trên vai giữa trưa nắng cháy, thì có phải là chuyện đặc dị? Vì thế, đi chậm và kiệt sức là phải lẽ đương nhiên, lại bị kẻ ngoa ngôn lợi dụng, đe dọa: bỏ thuyền sẽ ngột nước và toi ngay giữa đại lộ. Thế mà trớ trêu, cái lời hồ đồ ấy cũng có khi hóa thành “thế mạnh”, dù không đủ độ bền nhưng cũng có thể tạo nên một loại “nghiệp” lớn. Đó là loại “nghiệp” tiêu cực gây hậu quả không chỉ riêng một người, hay một nhóm người, mà di họa hiện tiền và lâu dài cho cả đất nước và dân tộc.

Chỗ nào là cái khuyết của vầng trăng, mà tác giả không nói rõ ra?

Suốt tập hồi ký, anh chỉ nói về phần và đoạn chiến đấu mà anh trải qua, không to lớn mà sâu thẳm, mà sâu thẳm từ ở chỗ nhỏ nhoi, ở cái chỗ rất bình thường. Anh nói về chuyện ở tù, chuyện vượt ngục, đoạn tìm về căn cứ, và cuối cùng là tổ chức cuộc nổi dậy của những ngày tháng Tư. Chiếc đèn pin và con đò, là điều tự gợi lên ở người đọc chứ anh không hề nói đến. Anh chỉ làm sáng lên ánh lửa hồng nồng ấm lung linh, nhưng nhìn thấy bóng tối là chuyện của người đọc. Anh không nói gì ở đoạn kết, về cái hào quang các loại. Cái kết của độc lập, tự do và hạnh phúc? Hay nó vẫn còn đang treo lơ lửng trước mắt và thường nghe văng vẳng bên tai?

Trí nhớ của anh thật tuyệt vời, sau những 40 năm. Từ bụi cây, ngọn cỏ, từng vuông đất trong vòng thép gai của lúc vượt ngục; những mênh mông mù mịt trên đường dây tìm về đơn vị, với trái tim thoi thóp soi đường. Ngoài cái chết do súng đạn, cái ăn sống, bệnh tật làm cho sinh mệnh con người càng bộc lộ sự mong manh.“Ở bệnh viện tiêu chuẩn mỗi người 19 kg gạo/ tháng, nhưng gạo chôn cất lâu năm nên mục nát khi vò, mỗi người chỉ được chia hai chén nhỏ”(trang 91). Và ở cảnh khác trên đường di chuyển:“Đến trưa, thằng Hôn lên cơn sốt, chiều Vân cũng sốt. Thế là cả ba đứa đều bị sốt rét…”(trang 89). Anh kể tên từng đồng đội dù chỉ gặp nhau trong giây phút. Hình ảnh của những thanh niên tuổi còn rất trẻ từ miền Bắc vào Nam, có khi trong đoàn quân, nhưng nhiều lúc lại là cá nhân hay nhóm nhỏ với bản lĩnh riêng, đã gây nên nhiều cảm xúc. “Chúng tôi chia hai đợt để qua sông. Lòng sông sâu thẳm, nước chảy cuồn cuộn, đi đến giữa trưa thì gặp đoàn xe đạp thồ hơn 10 chiếc, mỗi xe cột hai trái hỏa tiển hai bên. Anh em bộ đội miền Bắc trẻ măng, chưa đến tuổi 20, đang nặng nề đẩy xe qua suối. Tôi chạy theo đẩy phụ. Anh bộ đội trẻ không cho, nói: Chúng em đi hơn trăm cây số tới đây, đã quen qua rừng qua suối, các đồng chí đụng vào lỡ ngã, tên lửa nổ là chết cả đám đấy… Tôi dang ra, trông các em đẩy xe thấy thương lắm” (trang 81). Ở một đoạn khác: “Anh Mười Đải là một sĩ quan trong quân chủ lực từ miền Bắc vào, đơn vị nhiều lần bị xóa sổ, anh nhập vào lực lượng du kích ở Bình Chánh, sau nhiều năm chiến đấu anh trở thành huyện đội trưởng…”(trang113). Sau Hiệp định Paris, chiến trường vẫn ác liệt. Về một buổi chia tay nhau mỗi người đi một ngã để “xuống đường” đến điểm công tác của mình: “Đọc xong mấy câu thơ, chúng tôi cùng bưng ba ly trà cụng nhau và uống hết. Ba Du trào nước mắt, rồi đến tôi. Anh Năm Huấn cũng khóc luôn. Cả ba ôm nhau như cuộc chia tay không có ngày gặp lại”(trang 117)… Anh là biểu trưng cho giới học trò “tiểu tư sản”của đô thị miền Nam, cũng rõ là không “tệ” lắm.

Trong phần cuối cuộc chiến, cũng là dòng cuối của hồi ký, ngay cái lúc mà anh ngồi lại một mình, vét cho hết các hột đậu đỏ còn sót lại trong ly chè, sau cuộc chia tay ở “cái đồn” Phú Thọ Hòa do nhóm Thành Đoàn bàn giao, anh viết lên tâm trạng rất buồn của mình với dự cảm mơ hồ từ đây:

Thời gian qua là ảo, hôm nay và sắp đến là thực. Những ác liệt và khó khăn không còn nữa, dường như làm mất đi lý do tồn tại của chính mình. Trên bầu trời ở đằng Tây, vầng trăng khuyết lẻ loi tỏa ánh sáng mờ nhạt, bất giác tôi nhớ hai câu thơ: Đường về tâm xao động. Lơ lững vầng trăng treo” (trang 216).

Phải chăng, anh tự thấy mình là con người của thời chiến với năng lượng sống đã được thăng hoa, và sẽ là người cô đơn trong thời bình với nhiều lý do mà anh cảm nhận chứ không thể thấy rõ. Bởi năng lượng và loại kỹ năng sử dụng trong thời bình là khác, và phía sau thời bình cũng sẽ sản sinh các loài ma quái không lường được. Cái thực của thời chiến anh cho là ảo, vì nó đã qua đi. Thật ra nó là thật, chỉ cái hy vọng là ảo. Cái ảo của thời bình lại có thực, và đang có thực. Cái khuyết của vầng trăng nằm ngay trong tiềm thức của bản thân anh, thế hệ anh, và trong cái toàn cảnh bao trùm của giai đoạn mới, mà sau này ngày càng bộc lộ trong những thập niên hòa bình đã và đang diễn ra.

Hồi ký có nhiều hình ảnh sinh động và rất thực. Mảng quá khứ ấy không chỉ ở tập sách nhỏ này, mà ở rất nhiều tác phẩm khác nói về cuộc chiến, nó ngồn ngộn những đau thương và tự hào, nó tạo nên tâm trạng nặng nề phức tạp, đến nỗi ngày nay ít người muốn đọc về cuộc chiến tranh, thế hệ mới càng không muốn nhắc tới. Cuộc chiến tranh đau thương và mãnh liệt đã qua là sự thật. Mặt tích cực căn bản thuộc về bản lĩnh của lòng yêu nước và sự chấp nhận hy sinh của người dân Việt, chứ không thuộc yếu tố ngoại lai.

“Vầng Trăng Khuyết” là một tập hồi ký tương đối ngắn, nhưng nó góp phần làm sáng lên quá khứ, lại gây thêm tương phản với hiện tại, đặc biệt về tính cách và phẩm chất của lớp người đã dấn thân. Nó có thể, hay không có thể góp phần dựng lại “niềm tin và hy vọng” theo một cách nhìn mới? Cách nhìn tự tin vào dân tộc, loại bỏ tự ti và trừ khử một loại bóng đè…! Lại phải dứt bỏ một thứ quán tính tự tôn, tự mãn, kiêu hãnh không đáng có về một mớ lý thuyết vốn mơ hồ đã hiện hình thành rơm rác, đã trở thành phương tiện cho những kẻ ăn trộm lịch sử, lợi dụng thời cơ, lớn và nhỏ? Có một loại sâu bọ toan tính dọn lại những món ăn đã quá “date”, cho một bàn tiệc mới, nhằm chỉnh trang lại ván cờ hầu như đã tàn hơi trong bối cảnh đã hoàn toàn khác.

Phải dứt khoát thoát khỏi một loại bóng râm của quá khứ, loại bỏ yếu tố mặc cảm “chư hầu” để mong moi tìm lợi lộc riêng từ nó. Phải cứng rắn đứng thẳng trên đôi chân của mình với tư cách là người Việt, trong thời kỳ mới, và đặc biệt ở thế hệ mới.

Vô tình, tôi lại nhớ câu nói mới đây của một tay doanh nhân khét tiếng:

“Tôi cố gắng học hỏi về quá khứ, nhưng tôi lên kế hoạch cho tương lai bằng cách tập trung tuyệt đối vào hiện tại”(Donald Trump).

Không để quá khứ chôn mình, khi ta còn đang thở.

Ngày cuối năm

Ghi chú: Gởi tác giả Vầng trăng khuyết lời cám ơn đã cho tôi nhớ lại những kỷ niệm và tên những người bạn đã từng quen biết mà chưa từng gặp lại, trong thời gian vất vả leo dốc để “đi lên CNXH”.

H.Đ.N.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn