Vuột mất đơn hàng 2 tỉ USD rất vô lý!

Lê Thanh Phong

Sự cạnh tranh ngu ngốc và đê tiện trong nội bộ phe phái VN? Khi một phe có hợp đồng với Tàu chẳng hạn, chúng sẽ tìm mọi cách chặn các hợp đồng từ Mỹ. Trên thế giới, các đối thủ đang chiến đấu với nhau cũng không phá các hoạt động dân sự của nhau kiểu chó má thế này. Thế mới biết người Việt thời nay đã xác lập kỷ lục thế giới về ngu xuẩn và độc ác”.

Đỗ Minh Tuấn

“Người Việt thời nay”? Nói thế hơi oan cho người Việt. Đây là thể chế cộng sản, cái bản chất cộng sản ở thời điểm chỉ còn cái vỏ “vì dân” và sự độc tài chuyên chế có thật khiến các nhóm lợi ich trong cùng một tổ chức độc tài đua nhau tranh ăn đến có thể loại bỏ nhau bằng mọi cách. Mà những vị ở trên thì ngoài việc phát huy khả năng... trích dẫn vài điều sơ đẳng trong sách vở (nhưng cũng chỉ bẻm mép trệu trạo kém cỏi thôi, như mấy ông Thứ trưởng Bộ trưởng từng chính thức thay mặt Chính phủ phát ngôn về tình hình cá chết ở vùng biển miền Trung đấy, có còn ra cái thể thống gì đâu), thì thử hỏi còn làm được gì để giúp dân, hay là ậm ừ giấu giếm những điều kinh khủng được chừng nào hay chừng ấy.

Bauxite Việt Nam

clip_image001

Doanh nghiệp Việt mất hợp đồng 2 tỉ USD may quân trang cho quân đội Mỹ. Hay tin này ai cũng thấy tiếc đứt ruột, 2 tỉ USD quá lớn, nhưng lại để vuột mất. Nhiều người cứ tưởng như DN may Việt Nam yếu kém, không đáp ứng yêu cầu chất lượng của đối tác nên hỏng ăn. Ai ngờ, chuyện hỏng ăn lại không vì doanh nghiệp bất tài, mà vì bất lực trước cơ chế.

Hiểu ra chuyện càng thấy đứt ruột, mà còn tức anh ách nữa, bởi vì một số DN dệt may trong nước được chào hàng gồm quần áo, cờ, giày dép, quân trang cho quân đội Mỹ, đã thỏa thuận xong nhưng hàng mẫu về lại bị ách ở hải quan vì là hàng cấm nhập theo quy định của Bộ Quốc phòng. DN xoay chạy cho xong thủ tục thì đã muộn, đối tác không thể ngồi chờ cơ chế của VN.

Quy định của Bộ Quốc phòng là căn cứ vào Quyết định số 80/2006/QĐ-BQP ngày 9.5.2006, cấm nhập khẩu mặt hàng quân trang, quân dụng. Hàng mẫu của đối tác gửi vào cho các DN sản xuất bị xem là hàng quân trang nhập khẩu, thế là bị ách.

Không hiểu tại sao các cơ quan chức năng lại áp dụng quy định máy móc đến mức vô lý như vậy. Ở đây không phải là nhập khẩu quân trang, quân dụng, mà nhận hàng mẫu để sản xuất theo đơn hàng. Các DN dệt may có quyền tìm kiếm đối tác nước ngoài, đấu thầu gia công hàng hóa. Quân trang, quân dụng của quân đội các nước đặt may cũng giống như các loại sản phẩm may mặc khác, cần linh động để DN làm ăn. Chỉ vì áp dụng quy định máy móc, đã khiến cho một số DN mất cơ hội vàng.

2 tỉ USD hợp đồng sẽ tạo ra nhiều việc làm cho NLĐ ngành dệt may, kéo theo các ngành nghề kinh doanh khác như vận tải, sản xuất nguyên phụ liệu. Với đơn hàng “khủng” này, DN có lãi, đóng thuế cho Nhà nước. Nhìn xa hơn, khi DN dệt may VN thực hiện tốt các hợp đồng cho quân đội Mỹ, họ sẽ có uy tín thương hiệu để tiếp tục nhận các hợp đồng may quân trang tiếp theo, không chỉ riêng của Mỹ mà còn nhiều nước khác như Australia, Romania, Italia…

Các hợp đồng may quân trang cho lực lượng vũ trang thường rất lớn, các DN dệt may xem đó là thị trường béo bở cần nỗ lực cạnh tranh. Thế nhưng, họ đã thất bại hoặc mất ưu thế chỉ vì hàng rào do chính nước mình đặt ra.

Chúng ta nói quá nhiều đến việc tạo điều kiện thuận lợi, tháo bỏ các rào cản cho DN phát triển, xây dựng các chính sách thông minh cho DN hội nhập vào nền kinh tế thế giới, nhưng trên thực tế còn tồn tại quá nhiều những điều ngược lại.

Chuyện các hợp đồng may quân trang cho quân đội Mỹ bị vuột mất chỉ là một ví dụ.

L.T.P.

Nguồn: http://m.laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/vuot-mat-don-hang-2-ti-usd-rat-vo-ly-344241.bld 

Phụ lục:

Thủ tướng: Kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách

Sáng 23/6 , tại trụ sở Chính phủ, phát biểu mở đầu phiên họp chuyên đề đề xây dựng pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, với quan điểm Chính phủ kiến tạo công tác xây dựng thể chế rất quan trọng trong bối cảnh phải xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7, nhất là các văn bản thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

clip_image002

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

“Với tinh thần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, chúng ta kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách”; bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là có những việc Nhà nước cần quản lý thông qua thể chế, chính sách. “Không thể bỏ qua các mặt trái của kinh tế thị trường mà Nhà nước cần quản lý, không thể buông hết bởi sẽ dễ bị lạm dụng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng hoan nghênh Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến trong quá trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực thi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Nhấn mạnh việc lắng nghe một cách thấu đáo các ý kiến, Thủ tướng cho rằng, việc lấy ý kiến một lần nữa đối với các văn bản chuẩn bị ban hành là rất quan trọng để tạo ra thể chế tốt nhất. Theo Thủ tướng cách thức làm việc của phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật lần này là nêu các vấn đề mà các bộ, ngành còn có ý kiến khác nhau, từ đó, thảo luận, tìm ra phương pháp tiếp cận tốt hơn nữa.

Tại phiên họp, báo cáo tổng hợp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trình bày cho thấy “bức tranh” ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật có hiệu lực từ ngày 1/7. Theo đó, đến nay, đã ban hành 21 văn bản và còn 30 văn bản phải ban hành. Trong đó, số văn bản đã trình Chính phủ là 26 văn bản, số văn bản chưa trình Chính phủ là 4 văn bản.

Từ nay đến hết năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành 37 văn bản quy định chi tiết thi hành 6 luật, cùng với 5 văn bản nợ đọng của 6 tháng đầu năm chuyển sang, tổng số văn bản cần ban hành sẽ là 42 văn bản.

Về các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh quy định chi tiết Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đến nay, đã trình Chính phủ 49 nghị định trong tổng số 50 nghị định cần ban hành. Nhờ các biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực rất lớn của các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo trong thời gian qua, tình hình và kết quả xây dựng, trình ban hành văn bản đã có chuyển biến rõ rệt. Về cơ bản, các bộ, cơ quan đã trình các văn bản quy định chi tiết theo tiến độ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao, Chủ nhiệm VPCP cho biết.

Việc soạn thảo các văn bản đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số văn bản mặc dù được phép áp dụng thủ tục rút gọn nhưng vẫn phải bảo đảm thủ tục bắt buộc lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội, các đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của văn bản.

“Đối với các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, VPCP nhận thấy, mặc dù thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng. Từ nay đến khi ký ban hành, các cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và VPCP nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp để rà soát kỹ các điều kiện tác động đến quyền và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp, giảm thiểu những điều kiện đầu tư kinh doanh và giấy phép con bất hợp lý, cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, quy định điều kiện đầu tư kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kiến nghị.

Kể từ ngày 1/7, khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực, theo VPCP, cần phải ban hành kịp thời tất cả các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh bởi theo quy định của Luật này, các văn bản quy định chi tiết thi hành sẽ hết hiệu lực khi luật, pháp lệnh hết hiệu lực. Nếu không ban hành kịp thời sẽ tạo “khoảng trống pháp lý” tác động rất lớn đến công tác quản lý điều hành và thực hiện các quyền con người, quyền công dân và môi trường đầu tư kinh doanh.

M.L.

Nguồn: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/thu-tuong-kien-quyet-xoa-cho-duoc-loi-ich-nhom-chi-phoi-chinh-sach/107340

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn