Nhớ về một người cha - Xuân Diệu

TS Luật Cù Huy Hà Vũ

clip_image002

Xuân Diệu và Cù Huy Hà Vũ tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội, 1979.

Cách đây tròn 30 năm, ngày 18 tháng 12 năm 1985, Xuân Diệu đã “vẫy chào cõi thực để vào hư”, như chính ông dự báo trong bài thơ “Vô đề”, ở tuổi 69.

Với tất cả mọi người, Xuân Diệu là “Hoàng tử của Thi ca”.

Không hiếm người thuộc cả “Thơ Thơ” lẫn “Gửi hương cho gió” của Xuân Diệu, hai tập thơ “toàn bích” đã góp phần ấn định chiến thắng huy hoàng của cuộc cách mạng trong thi ca Việt Nam - “Thơ Mới”. Tỷ như:

Hôm nay trời nhẹ lên cao

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn

Lá hồng rơi lặng ngõ thuôn

Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương

Phất phơ hồn của bông hường

Trong hơi phiêu bạt còn vương má hồng

Nghe chừng gió ý qua sông

E bên lau lách thuyền không vắng bờ

Không gian như có dây tơ

Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu

Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều

Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn.

(Chiều)

“Chiều” đã được một Phạm Duy tài hoa chuyển thành nhạc phẩm “Mộ khúc”.

Còn những câu thơ này của Xuân Diệu như được chân lý viết ra ai mà chẳng nằm lòng:

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm

(Giục giã)

Hay

Yêu là chết ở trong lòng một ít

Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu

(Yêu)

….

Với nhiều người, Xuân Diệu là một nhà cách mạng.

Còn nhớ, tháng 2-1937, Xuân Diệu đã nổi lên như một thủ lĩnh học sinh yêu nước khi cầm đầu ba lớp tú tài Trường Quốc Học - Huế tập trung ở sân trường để đi đón Justin Godart, đại diện Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp chủ trương cải thiện đời sống kinh tế, chính trị cho "các dân tộc hải ngoại", tức các thuộc địa của Pháp, khi ông này đến Huế. Khi chính quyền thực dân ép giải tán cuộc tụ tập thì một số học sinh sợ hãi, muốn bỏ về. Huy Cận nhớ lại: “Khi ấy anh Diệu thét lớn: Bớ anh em, hãy khóa cổng lại! Không để những kẻ hèn nhát rút lui về!”. Khi biết rằng cụ Tú Kép Ngô Xuân Thọ - còn gọi là cụ Hàn Thọ - thân sinh Xuân Diệu, cũng tức là ông ngoại tôi, cứ mỗi lần dẫn học sinh từ Qui Nhơn ra Huế lại xuống thuyền “Ông già Bến Ngự” để đàm đạo thế sự với Phan Bội Châu đang bị thực dân Pháp an trí ở đó thì hẳn mọi người sẽ không ngạc nhiên vì sao trong Xuân Diệu có cái bừng bừng tranh đấu ấy. Cũng chính điều này lý giải vì sao sau này Xuân Diệu cùng với người bạn đời Huy Cận đã tham gia Việt Minh, tích cực hoạt động bí mật chống thực dân Pháp và khi cách mạng thắng lợi cả hai ông được bầu làm Đại biểu Quốc Hội đầu tiên của Việt Nam độc lập vào tháng 1/1946…

Với tôi, Xuân Diệu còn là một người cha.

Từ khi sinh ra, tôi đã ở 24 Cột Cờ, nay là Điện Biên Phủ, Hà Nội. Đó là một căn biệt thự hai tầng vốn thuộc một Quan Năm tình báo Pháp, được Chính phủ giao cho Huy Cận bố tôi và Xuân Diệu bác tôi từ tháng 10/1954, bố và mẹ tôi ở tầng trên, bác Diệu tôi ở tầng dưới. Tôi ở tầng dưới với bác Diệu tôi bởi đơn giản là tôi được ông nuôi làm con vì ông không có gia đình riêng. Chị Lê Chiều, con o Trà, em ruột bố tôi, ở cùng nhà giai đoạn đó kể lại: “Vũ mới mấy tháng tuổi, đường ruột kém nên Bác Diệu luôn dặn mọi người giữ lại bình sữa để xem Vũ uống hết đến đâu và giữ lại phân để Bác Diệu về tự tay kiểm tra”.  Thật khó có người cha nào thương con hơn thế!

Lớn được vài tuổi thì tôi biến cái nhà của Xuân Diệu thành giang sơn riêng của tôi. Với tâm thế người cha, Xuân Diệu đã tả lại cái thế giới vi mô đó của tôi trong một bài thơ ông viết từ một cánh rừng cách Hà Nội chừng 300 cây số:

       Bác đi xa cháu nhớ ghê

Bác đi xa cháu, nhớ ghê
Thằng cu Vũ, bác chưa về được thăm.
Bây giờ cháu đã lên năm,
Từ khi nhỏ xíu cháu nằm trên tay,
Bác rất yêu cái thằng này,
Tưởng như có cháu là hay trên đời.
Bác xem là một con người
Còn non, đang bú tay, vòi đó thôi;
Có khi bác đứng bên nôi
Muốn đưa cho cháu cõi đời đẹp hơn.
Bây giờ cháu đã biết khôn
Bác ngồi làm việc, cháu luôn chạy vào
Bày trò chơi nhởi lao xao,
Đang chơi dở cuộc, lại ào chạy ra;
Lấy chăn phủ ghế chui qua,
Ngăn bàn thích lục, tranh gà thích xem:
Xếp rồi, cháu lại đảo lên,
Có ngày bác phải mười phen dọn nhà:
Khi gần, bác giận bác la,
Đi xa, bác lại nhớ mà rất thương.
***
Chiêm bao thấy cháu đêm trường
Bác hôn mặt Vũ như gương sáng bừng.
Hôm về bác cháu ta mừng,
Bác cho trăm thứ trong rừng Quì Châu.

(Quì Châu, 20 – 5 - 1963).

Thế nhưng “trăm thứ trong rừng Quì Châu” mà tôi thấy được, sờ được chỉ là những trái thông khô cùng vài chiếc lá có hình thù kỳ dị. Còn lại là những câu chuyện về những cánh rừng trong trẻo cùng những người thợ rừng trong trắng tâm hồn dù vất vả lao lung. Không nghi ngờ gì nữa, chính những món quà mà bác Diệu tôi đã đem về từ cánh rừng Quì Châu ấy đã ươm trong tôi cả đại ngàn tình yêu đất nước và con người xứ sở.

Năm 1965, chiến tranh bằng không quân của Mỹ lan ra miền Bắc Việt Nam, “chú cu Vũ” khi đó 7 tuổi phải xa gia đình, đến sống tại Chùa Thầy, tỉnh Sơn Tây, nơi có nhiều núi đá vôi để tránh bom. Còn nhớ mỗi lần đi thăm tôi nơi “sơ tán” ấy, Xuân Diệu lại bình thơ cho những người hâm mộ tới tận khuya. Khi cuộc bình thơ kết thúc thì cũng là lúc tôi đã ngủ thiếp. Sau này mọi người kể lại rằng Xuân Diệu đã ôm vác tôi nặng cả mấy chục cân mà đi bộ suốt quãng đường về căn nhà ông nghỉ, quyết không nhường ai làm cái việc “khuân vác” phải nói là khá nhọc đó khi những người hâm mộ tỏ ý giúp, bởi đối với ông đơn giản đó là “hạnh phúc”.

Khi tôi đã ở cái tuổi hiểu được căn bản lẽ đời, Xuân Diệu bày tỏ tình “phụ - tử” với tôi một cách trực tiếp qua hàng chục lá thư viết tay cho tôi.

"Bác đi, nhớ nhất Vũ. Vũ là con của bác, là người con lớn trong nhà....Vũ ơi, "khôn con hơn khôn của", Vũ càng trưởng thành bác càng mừng...Nhà có con lớn trong nhà, bác thấy có Vũ là ấm cả nhà, Vũ là sinh khí chính trong nhà ta....Qua Vũ mà bác có con trai, con lớn với đời...Tình bác cháu cũng như cha con...Vũ cố gắng học thật giỏi, coi sóc nhà cửa kẻo  mất" (Thư ngày 10/6/1972).

“Chú Vũ thân quí của Bác. Bác dùng chữ thân quí, và cùng với thân yêu, Bác rất quí mến Vũ. Bác quí Vũ vì Vũ là đứa con duy nhất của bác Diệu….Bác Diệu hàng ngày ở với Vũ, Bác rất nhận thấy những ưu điểm về bản chất của Vũ. Vũ là đứa con duy nhất của Bác” (Thư ngày 12/12/1976).

“Có Vũ trong cái nhà của ta, Bác rất tự hào có con trai lớn trưởng thành, sẽ thay thế cho Bố và Bác” (Thư ngày 6/2/1979).

….

Cái tình “cha – con” mà Xuân Diệu dành cho tôi đó không chỉ là cảm tính mà nó còn xuất phát từ một sự “cho – nhận” giữa các bậc sinh thành ra tôi với Xuân Diệu, điều này được thể hiện không gì rõ hơn trong thư ngày 10/11/1972 ông viết cho Huy Cận: "Ôi, phần lớn bù đắp của Diệu là dồn cho Vũ; nếu Cận thương Vũ thì Cận sẽ thương cái tình, sự chăm sóc của Diệu đối với đứa con chung. Diệu đi, vẫn lo nó ăn kém, tim nó đập không đều... Diệu cảm ơn Cận đã cho Diệu đứa con chứ Cận không phải cảm ơn Diệu". Cũng cần lý giải vì sao trong thư này Xuân Diệu gọi tôi là “đứa con chung”. Là vì tuy đã cho Xuân Diệu nuôi làm con nhưng chưa bao giờ bố mẹ tôi từ bỏ quyền làm cha làm mẹ đối với tôi. Thực tế pháp lý này đã được bố và mẹ tôi khẳng định bằng “Giấy xác nhận về việc nhận và nuôi con nuôi” lập ngày 8/4/1998 có công chứng trong đó ghi rõ: “Ông Ngô Xuân Diệu, tức nhà thơ Xuân Diệu, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1916, đã nhận anh Cù Huy Hà Vũ là cháu gọi ông Diệu bằng bác ruột làm con nuôi với sự nhất trí hoàn toàn của hai chúng tôi kể từ khi anh Vũ mới ra đời. Việc ông Diệu nhận anh Vũ làm con nuôi hoàn toàn không ảnh hưởng đến quan hệ bố mẹ đẻ với con đẻ giữa chúng tôi và anh Vũ cũng như hoàn toàn không ảnh hưởng đến mọi quyền lợi của anh Vũ phát sinh từ quan hệ này. Cho đến ngày ông Diệu qua đời (18-12-1985), ông Diệu đã thương yêu, nuôi dưỡng anh Vũ và sống hàng ngày với anh Vũ ngay tại nhà ông Diệu tại 24 Điện Biên Phủ - Hà Nội. Về phần mình, anh Vũ cũng đã làm tròn bổn phận của người con đối với ông Diệu”.

Cũng như vậy, tại giấy “Công nhận người thừa kế di sản theo pháp luật của ông Ngô Xuân Diệu (tức nhà thơ Xuân Diệu)” lập ngày 10/1/1997, mẹ tôi và cậu ruột tôi là Ngô Xuân Huy với tư cách là em ruột Xuân Diệu, tức hàng thừa kế thứ hai của ông, ghi rõ: “Công nhận anh Cù Huy Hà Vũ, là cháu gọi ông Ngô Xuân Diệu bằng bác ruột, là người thừa kế duy nhất di sản của ông Ngô Xuân Diệu trên cơ sở thực tế sau. Ông Diệu mất đột ngột vào ngày 18 tháng 12 năm 1985. Khi mất, ông Diệu không có vợ và không có con. Nhưng khi còn sống, ông Diệu đã thương yêu, nuôi nấng và sống với anh Vũ, cháu gọi ông Diệu bằng bác ruột (là con bà Ngô Thị Xuân Như) ngay tại nhà ông Diệu ở 24 Điện Biên Phủ - Hà Nội từ khi anh Vũ mới ra đời cho đến khi ông Diệu qua đời và đã coi anh Vũ như con trai mình. Về phần mình, anh Vũ cũng đã làm tròn bổn phận của người con đối với ông Diệu. Vì vậy, trên thực tế, quan hệ giữa ông Diệu và anh Vũ kéo dài 28 năm là quan hệ cha – con”.

Xuân Diệu đã thương yêu, đã xử sự với tôi như một người cha thực thụ thì đương nhiên cái gia đình nhỏ tương lai của tôi là thuộc về ông. Nhiệt tình vun xới cho tình cảm giữa tôi và Nguyễn Thị Dương Hà bạn thuở đại học, Xuân Diệu đã đứng ra đăng ký Dương Hà vào hộ khẩu gia đình mà ông là chủ hộ ngay từ 1980, những ba năm trước khi chúng tôi thành hôn. Đến cuối năm 1983 thì con trai đầu lòng của chúng tôi là Cù Huy Xuân Đức ra đời. Xuân Diệu mừng lắm không chỉ vì từ đây ngoài tình cha – con đối với vợ chồng tôi ông sắp có thêm tình ông - cháu mà nhất là vì đã thấy sự nghiệp văn chương của ông được bảo hiểm thêm một tầng nữa. Tuy vậy ông đã biết kìm niềm vui của mình để tiết chế hạnh phúc vô bờ ấy của tôi nhằm bảo vệ tính mạng của chính tôi. Ông không ngớt dặn: “Vũ đừng vui quá mà lái xe không an toàn”. Và như một lẽ tự nhiên, Xuân Diệu đứng ra đăng ký tiếp Xuân Đức là thành viên của hộ gia đình ông.

Như thể để bảo đảm công bằng giữa tình cha – con và tình ông – cháu, Xuân Diệu lại làm thơ về thành viên mới trong gia đình nhỏ của ông, như cách đó 20 năm ông đã làm thơ về cha nó.

Cu Đức

Thằng Đức từ đâu đến với ông

Trên tay âu yếm mẹ mi bồng

Biết gì đâu có, hiền như đất

Em ngủ như là một đóa bông.

Tuổi mới năm ngày bé tý hon

Chao ôi nhỏ xíu nắm tay tròn

Ngủ thôi bất kể trời hay đất

Hai cái tai dày, cái mũi con.

Ấy thế mà trông rất hẳn hoi

Hoàn toàn số phận một con người

Là mày, là nó, không ai khác

Thương bé người đây, chính nó thôi.

Từ lúc nâng niu bố Vũ mày

Đang còn ẵm ngửa, bú bằng tay

Đến nay lại đến thương con Vũ

Ôi! Cuộc đời, hoa, chim, bướm, cây.

Cuối năm 1984, tôi sang Pháp học khi đang là công chức Bộ Ngoại giao. Thế là Xuân Diệu thay cả phần tôi mà cưng chiều Xuân Đức. Trong thư ngày 5/3/1985 gửi Huy Cận, ông viết: "Diệu đọc thư Vũ. xem ảnh Vũ, rất mừng Vũ tiến bộ và đang phát huy để thay thế Diệu vì gia đình Diệu chỉ có vợ chồng Hà Vũ và cháu Đức, Đức nó rất dễ thương, Diệu đi xa chỉ nhớ nó".

Ngày 18/9/1985, đúng 3 tháng trước khi ông mất, Xuân Diệu dường như linh tính sắp phải đối diện với cái hữu hạn của đời người nên đã viết cho tôi những con chữ tựa như “di chúc”: “Nhà ta Vũ sẽ chuyển sang văn học càng hợp và sẽ thay thế Bố và Bác trông coi các tác phẩm của Huy Cận, Xuân Diệu; tiếp theo sau, thì cu Đức lớn lên, nó sẽ bảo quản các “sự nghiệp của hai ông”.

Dẫu ở vị trí nào – Thi nhân, nhà cách mạng, người bạn hay người cha, người ông trong gia đình – Xuân Diệu cũng đã thực hiện đầy đặn bổn phận của mình và tôi tin rằng đó chính là cái cách ông “cảm tạ cuộc đời” như ông từng mong muốn khi đặt tên “Tôi cảm tạ cuộc đời” cho hồi ký mới chỉ bắt đầu.

C.H.H.V.

*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa kỳ.

Nguồn:

http://www.voatiengviet.com/content/nho-ve-mot-nguoi-cha-xuan-dieu/3105780.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn