Sớm chấm dứt các vi phạm trong khai thác than ở Quảng Ninh

TS. Nguyễn Thành Sơn

(Nguyên Trưởng ban Chiến lược của TKV)

Tại sao phải sớm chấm dứt

Đợt mưa kéo dài ở vùng Quảng Ninh trong tháng 8/2015 đã dẫn đến tụt lở các bãi thải đất đá của các mỏ than lộ thiên, ngập mỏ hầm lò Mông Dương, gây thiệt hại rất nặng về người và tài sản. Các thiệt hại này đã có thể hạn chế được nếu việc khai thác than được tiến hành đúng kỹ thuật cơ bản. Trong đó, có hai qui trình kỹ thuật quan trọng nhất đó là: ở các mỏ lộ thiên phải có bãi thải được thiết kế trước khi khai thác và ở các mỏ hầm lò không được khai thác lộ thiên các lộ vỉa than trước khi đóng cửa mỏ.

Hiện nay ở vùng than Quảng Ninh, ở các mỏ hầm lò, qui trình khai thác đã bị vi phạm nghiêm trọng khi các lộ vỉa than đã được khai thác bằng công nghệ lộ thiên (gọi tắt là khai thác “than lộ vỉa”) trước khi đóng cửa mỏ. Ở các mỏ than lộ thiên, đất đá đã và đang tiếp tục được đổ thải không đúng qui trình kỹ thuật và không theo thiết kế.

Các vi phạm này là nguyên nhân làm cho địa hình và địa chất ở vùng than Quảng Ninh xấu đi, trở thành rất nhậy cảm với những biến động cực đoan của thời tiết, và là nguyên nhân chính gây ra các thảm họa như: tụt lở bãi thải, ngập mỏ, sập lò, bục nước. Mặc dù vậy, trong “Quy hoạch phát triển ngành than VN đến năm 2020, xét triển vọng đến 2030” (QH60 điều chỉnh) cơ quan tư vấn của TKV vẫn tiếp tục hợp pháp hóa để đưa vào khai thác khoảng 25 dự án khai thác than lộ vỉa ở các khoáng sàng hầm lò, và tiếp tục quy hoạch trên “giấy” việc đổ thải của các mỏ lộ thiên. Đây là những việc làm có chủ ý, và được các nhóm lợi ích “bảo kê” để tiếp tục chạy theo thành tích. Vì vậy, cầm phải sớm chấm dứt.

Sau đây, chúng tôi xin đề cập đến vi phạm trong khai thác than lộ vỉa ở các mỏ hầm lò và vi phạm trong đổ thải đất đá của các mỏ lộ thiên ở vùng Quảng Ninh.

“Than lộ vỉa” là gì?

Than được hình thành qua hàng trăm triệu năm dưới lòng đất thường (99%) dưới dạng các tệp (vỉa) than nằm gần như song song với nhau và có độ nghiêng (góc cắm so với mặt nằm ngang) từ 0o÷90o và tạo thành các khoáng sàng than. Vì vậy, nếu các vỉa than nằm gần mặt đất và dốc (như ở Quảng Ninh) thì vỉa than thường bị “lộ” ra ngay trên mặt đất- được gọi là “lộ vỉa than”.

Than lộ vỉa rất dễ khai thác (do gần mặt đất và được khai thác bằng công nghệ lộ thiên rẻ tiền, có hệ số bốc đất rất thấp), nhưng than có chất lượng thấp (do bị tác động của phong hóa). Đối với các khoáng sàng than được thiết kế khai thác bằng công nghệ hầm lò, theo qui trình kỹ thuật, phần than lộ vỉa (từ mặt đất đến chiều sâu 50÷100m) bắt buộc phải để lại làm tầng bảo vệ để ngăn không cho nước mưa và nước mặt (từ các sông suối) chảy vào mỏ, và bảo vệ các đường lò và công trình khai thác bên dưới. Trong nghề khai thác, “kẻ thù” lớn nhất của thợ mỏ là nước. Vì vậy, đối với các mỏ than hầm lò, than lộ vỉa chỉ được xem xét khai thác trong giai đoạn đóng cửa mỏ (sau cùng) để tận thu tài nguyên. Ở các khoáng sàng than Mạo Khê, Vàng Danh, Hòn Gai, Mông Dương, Hà Lầm, Thống Nhất v.v. trước đây ngay cả thực dân Pháp cũng không dám khai thác than lộ vỉa.

Qui trình khai thác than phải như thế nào?

Việc khai thác than nói chung, và khai thác than ở vùng Quảng Ninh nói riêng, đang xâm hại nghiêm trọng đến cân bằng của tự nhiên đã được hình thành từ hàng vài trăm triệu năm nay. Mặt đất ở vùng than Quảng Ninh đã cơ bản bị biến dạng, nhiều vùng bị lồi lên, nhiều vùng bị lõm xuống, trênh lệch độ cao có nơi đã lên tới gần 1000m (mỏ Cọc Sáu). Những xâm hại của quá trình khai thác than tới cân bằng của tự nhiên này cần được hạn chế trong các quy hoạch và thiết kế mỏ bằng cách khống chế chiều sâu phải kết thúc khai thác của các mỏ lộ thiên và chiều sâu được bắt đầu khai thác của các mỏ hầm lò. Chiều sâu phải kết thúc khai thác của các mỏ lộ thiên được xác định bằng “hệ số bốc đất giới hạn”. Chiều sâu được bắt đầu khai thác của các mỏ hầm lò được xác định xuất phát từ nhu cầu để lại các “tầng bảo vệ” bên trên. Như vậy, về nguyên tắc, những khoáng sàng được quy hoạch khai thác bằng công nghệ lộ thiên thì chỉ được tiến hành khai thác tiếp phần than còn lại dưới sâu bằng công nghệ hầm lò sau khi đạt “hệ số bốc giới hạn”. Ngược lại, các khoáng sàng được quy hoạch khai thác bằng công nghệ hầm lò phải khai thác hết phần than dưới sâu trước khi khai thác phần than được để lại làm tầng bảo vệ phía trên.

Nguy cơ đã được dự báo trước

Việc khai thác than lộ vỉa không đúng qui trình kỹ thuật và tác hại hủy diệt của nó đã được các nhà khoa học cảnh báo và các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập nhiều lần, ngay từ khi Vinacomin (TKV) được thành lập. Tuy nhiên, việc vi phạm qui trình kỹ thuật một cách công khai của một doanh nghiệp nhà nước đã và đang gây ra những thiệt hại vô cùng lớn vẫn liên tục diễn ra đến nay.

Than lộ vỉa lần đầu tiên đã bị các đoàn thăm dò địa chất (thuộc Liên đoàn 9 của Tổng cục Địa chất) khai thác trái phép tại những nơi có than nhưng chưa được bàn giao cho Bộ Điện và Than quản lý. Sau khi Bộ Mỏ và Than được thành lập, lãnh đạo bộ đã nhiều lần phản đối việc khai thác trái phép than lộ vỉa đó của các đoàn địa chất, nhưng, vì nhiều lý do, nó vẫn diễn ra. Sau này, các đơn vị thăm dò địa chất than đó (của Tổng cục Địa chất trước đây) được sáp nhập vào ngành than, đã mang theo căn bệnh “HIV” này.

Chúng tôi đã nhiều lần chính thức cảnh báo TKV về những nguy hiểm của việc khai thác than lộ vỉa. Khi chủ trì soạn thảo “Quy hoạch phát triển ngành than giai đoạn 2000-2005, có xét triển vọng tới 2010” (được phó thủ tướng Trần Đức Lương phê duyệt năm 2003), chúng tôi đã không đưa than lộ vỉa vào quy hoạch khai thác, và xác định rõ đến 2003 tất cả các điểm khai thác than lộ vỉa phải được đóng cửa. Tuy nhiên, như chúng ta được biết, việc khai thác than lộ vỉa vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Trận mưa kéo dài vừa qua ở vùng than Quảng Ninh đã làm tụt lở bãi thải của các mỏ lộ thiên và ngập mỏ hầm lò Mông Dương, đã gây ra thiệt hại rất nặng về người và tài sản ở vùng than Quảng Ninh. Nguyên nhân sâu xa và trực tiếp gây ra những thiệt hại này chính là việc khai thác “than lộ vỉa” ở các khoáng sàng than hầm lò và đổ thải đất đá của các mỏ lộ thiên đã diễn ra không đúng qui trình kỹ thuật.

Tại sao TKV lại khai thác than lộ vỉa?

Ngay từ khi được thành lập, TKV đã phạm sai lầm khi cố tình chuyển các công ty xây dựng mỏ thành các công ty khai thác mỏ: Trong khi các công ty xây dựng của các ngành điện, hóa chất, cơ khí đều được tiếp tục phát triển thành các tổng công ty xây dựng chuyên ngành (tổng công ty “90”), thì TKV đã làm hoàn toàn ngược lại- xóa sổ các công ty xây dựng mỏ để chuyển các đơn vị này sang khai thác than. Điều này đã làm cho việc mở rộng và xây dựng mới các mỏ bị đình trệ, các công ty khai thác than mới được hình thành không có đối tượng sản xuất, và nguy hiểm hơn, đã tạo ra cái “cớ” để hình thành cơ chế “xin-cho” về tài nguyên than. Cho đến gần đây, TKV mới chịu sửa chữa sai lầm này bằng việc thành lập lại 2 công ty xây dựng mỏ hần lò.

Sai lầm tiếp theo của TKV là phân nhỏ các khoáng sàng than để “chia” trữ lượng than cho các đơn vị mới được thành lập (từ các công ty xây lắp). Điều này đã dẫn đến việc vi phạm nghiêm trọng Tổng sơ đồ Phát triển ngành Than (do Liên Xô giúp xây dựng và được Chính phủ phê duyệt trước đây). Nguy hại hơn, các công ty khai thác mới được thành lập (từ các đơn vị xây dựng mỏ) không có chuyên môn kỹ thuật về khai thác mỏ, đã tiến hành khai thác một cách phi kỹ thuật các phần trữ lượng than mới được TKV “cho” (sau khi “xén bớt” của các mỏ trong Quy hoạch). Các công ty này đã tranh thủ khai thác tràn lan các lộ vỉa than (vì dễ khai thác) để có “doanh thu”. Các công ty chuyên khai thác than hầm lò lâu năm vừa bị “cắt xén” trữ lượng, vừa phải chạy theo phong trào “than lộ vỉa”, cũng đồng loạt khai thác ngay các lộ vỉa than- là các tầng bảo vệ của mỏ mình. Vốn là các công ty khai thác than hầm lò, nay phải sang khai thác cả lộ thiên các lộ vỉa nên các công ty này cũng khai thác một cách phi kỹ thuật không kém các đơn vị xây lắp mỏ.

Tóm lại, để “lập thành tích về đích trước 5 năm”, TKV đã buông lỏng quản lý kỹ thuật (vi phạm một cách có hệ thống các qui trình kỹ thuật cơ bản trong khai thác than, không tuân thủ quy hoạch, vô hiệu hóa các thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt của các mỏ than hầm lò) để cố tình khai thác các lộ vỉa than.

Thiệt hại của việc khai thác than lộ vỉa

Trước hết, than lộ vỉa, như đã nêu trên, là than có chất lượng thấp. Mặc dù sản lượng khai thác than của TKV theo báo cáo thành tích đã tăng lên rất nhanh, nhưng chất lượng than cấp cho nền kinh tế đã xấu đi rất nhiều. Trước khi TKV được thành lập, ngành than VN chỉ sản xuất ra 12 chủng loại than, trong đó 10 chủng loại đạt tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) chiếm trên 80%, 2 chủng loại đạt tiêu chuẩn ngành (TCN) chỉ dưới 20%. Hiện nay TKV đang sản xuất ra hàng chục chủng loại than khác nhau. Trong đó dưới 40% than đạt TCVN, hơn 60% than đạt TCN và TCCS (tiêu chuẩn cơ sở). Do được độc quyền về giá bán, hiệu quả của các đơn vị sản xuất than tăng lên (do tăng sản lượng), nhưng, chất lượng than cấp cho các ngành đã làm giảm hiệu quả kinh tế của việc sử dụng than và gây thiệt hại chung cho nền kinh tế.

Thiệt hại trước mắt lớn nhất do khai thác than lộ vỉa là thiệt hại về con người: Việc khai thác than lộ vỉa đã làm cho lượng nước mưa và nước mặt đổ vào mỏ tăng lên cao hơn so với thiết kế ban đầu. Ở phía trên các đường lò và công trình khai thác đã hình thành một số lượng lớn các “túi” chứa nước, kích thước (qui mô chứa) của các “túi” chứa nước này cũng tăng lên. Điều này dẫn đến các vụ tai nạn bục nước chết người đã tăng lên rõ rệt. Ngoài ra, đất đá phía trên (đá vách) và bên dưới (đá trụ) của các đường lò và các công trình khai thác bị thủy phân hóa (bão hòa nước) đã trở thành rất mềm yếu, dễ biến dạng, tạo ra áp lực mỏ lớn hơn rất nhiều so với các tính toán trong thiết kế và làm vô hiệu hóa tất cả các loại khung chống của các đường lò, đặc biệt là các khung chống lò chợ. Điều này đã dẫn đến các vụ sập lò chết người đã xẩy ra thường xuyên hơn.

Về lâu dài, việc khai thác than lộ vỉa đã thúc đẩy nhanh quá trình tàn phá môi trường: Hệ thực vật (flora) và hệ động vật (fauna) đã bị triệt phá nhanh hơn. Đất đổ thải đã tăng lên nhiều hơn, diện tích mặt đất đã bị phá hủy rộng hơn, các chế độ thủy văn bị thay đổi, các dòng chảy tự nhiên bị chặn lại, các điều kiện địa chất công trình bị xấu đi. Vùng Quảng Ninh đã trở thành nhạy cảm hơn với những biến đổi cực đoan của thiên nhiên (mưa, lũ, bão lụt, động đất).

Như trên đã nêu, đối với các khoáng sàng hầm lò, việc khai thác than lộ vỉa là xâm hại đến tầng bảo vệ nên bị cấm. Việc vi phạm kỹ thuật khi cố tình khai thác than lộ vỉa của TKV trong suốt thời gian qua đã và sẽ gây thêm khó khăn rất lớn về mặt kỹ thuật trong công nghệ khai thác than hầm lò, làm phức tạp hơn nhiều và tốn kém hơn nhiều cho các qui trình kỹ thuật cơ bản như: chống lò, điều khiển áp lực mỏ, thông gió, thoát nước, vận tải và gây nguy hiểm hơn cho tính mạng của thợ lò.

Vi phạm trong đổ thải đất đá

Như trên đã nêu, nếu khai thác than lộ vỉa là vi phạm kỹ thuật lớn nhất trong công nghệ khai thác than hầm lò, thì đổ thải đất đá là vi phạm lớn nhất trong công nghệ khai thác than lộ thiên của TKV.

Trong khai thác than lộ thiên, việc đổ thải đất đá rất quan trọng, bắt buộc phải được thiết kế đúng qui định và phải được coi trọng hơn việc khai thác than. Khối lượng đổ thải đất đá lớn hơn nhiều lần so với khối lượng than khai thác được, và thường chiếm đến hơn 80% chi phí sản xuất than. Việc đổ thải đất đá bắt buộc phải theo đúng qui trình, và bãi thải đất đá của mỗi mỏ phải được thiết kế đúng quy định để quản lý được khối lượng và chi phí đổ thải, đảm bảo được độ ổn định của bãi thải, tránh được các hiện tượng tụt lở bãi thải.

Hiện nay, các mỏ lộ thiên không có bãi thải đất đá được thiết kế riêng theo đúng yêu cầu (không có tường chắn ở chân bãi thải; góc dốc của bãi thải lớn; không có giải pháp thoát nước mưa cho bãi thải để chống tụt lở; không triển khai được giải pháp phủ lớp thực vật trên các sườn bãi thải để chống xói mòn v.v).

Thêm vào đó, kể từ khi được thành lập đến nay, TKV đã buông lỏng quản lý công tác đổ thải, cố tình tổ chức cho nhiều mỏ đổ chung một bãi thải, và một mỏ đổ nhiều bãi thải khác nhau, đã dẫn đến không thể kiểm soát được khối lượng đất đá bốc (chi phí/giá thành than) của các mỏ. Có nhiều trường hợp còn vi phạm luật khi đổ thải đất đá lên cả các vị trí còn có than sẽ được (hoặc đang được) khai thác hầm lò bên dưới.

Trong khai thác lộ thiên, khối lượng đất đá bốc bắt buộc phải được nghiệm thu trên các cơ sở so sánh đối chiếu: các số liệu trắc đạc (đo) trong khai trường; các số liệu thống kê (tính toán) của các khâu xúc bốc và vận tải; và các số liệu trắc đạc (đo) ngoài bãi thải.

Thiệt hại do việc vi phạm đổ thải

Trước hết về mặt quản lý kinh tế: Như trên đã nêu, việc các mỏ đổ thải tùm lum như trong thời gian qua (và vẫn kéo dài cho đến tận ngày nay) đã tạo ra kẽ hở rất lớn cho việc gian lận khối lượng đất bốc, tính khống chi phí bốc xúc, chi phí vận tải làm cho giá thành than đã tăng lên không kiểm soát được. Trong suốt thời gian qua, và cho đến hiện nay, TKV đã không quản lý/nghiệm thu đúng qui trình, nên khối lượng đất đá bị tính khống vào giá thành than rất lớn. Các “hội đồng” nghiệm thu khối lượng đất đá bốc đã nghiệm thu không có cơ sở khoa học (chỉ dựa vào các số liệu đã được các mỏ tự hợp pháp hóa, tự thống kê) và làm việc mang tính hình thức.

Vụ việc gian lận (tính khống và khai gian) khối lượng đất đá đổ thải xẩy ra tại mỏ than Khánh Hòa (Thái Nguyên) là một bằng chứng điển hình cho việc TKV đã buông lỏng quản lý đất đá thải. Mỏ Khánh Hòa là mỏ độc lập, lâu đời, có bãi thải riêng, có tuyến vận tải riêng, có qui trình khai thác than khép kín, nhưng khối lượng đất đá thải bị tính khống vào giá thành than trong nhiều năm đã lên tới 30% (vụ việc đã bị “chìm xuồng” mà không rõ lý do).

Ở vùng than Quảng Ninh còn có thể xẩy ra sự thông đồng, móc ngoặc của các nhóm lợi ích thông qua việc “thuê ngoài” và núp dưới chiêu bài “xã hội hóa” trong khai thác than với khối lượng rất lớn. Vì vậy, việc gian lận có thể còn lớn hơn nhiều so với ở Thái Nguyên.

Về mặt môi trường: Các bãi thải đất đá hiện nay đều không đảm bảo các thông số kỹ thuật (chiều cao tầng đổ thải, gốc dốc sườn tầng bãi thải, góc dốc tầng đổ thải, độ nén chặt của đất đá, độ dốc của mặt tầng đổ thải v.v.) và không có các giải pháp chống tụt lở trôi lấp (rãnh thoát nước mặt, xây tường chắn đủ kiên cố ở chân). Vì vậy, các bãi thải đất đá thường xuyên gây ra hiện tượng trôi lấp, ô nhiễm nguồn nước mặt và có nguy cơ tụt lở cao (như đã xẩy ra). Hai long mạch quan trọng trên địa bàn Quảng Ninh là suối Vàng Danh và sông Mông Dương đã bị cạn kiệt. Các hồ nước ở khu vực Mạo Khê, sông Diễn Vọng, kể cả Cửa Lục cũng bị đe dọa. Ngoài ra, việc đổ thải tùy tiện như hiện nay đã làm cho diện tích chiếm đất để đổ thải tăng lên nhiều hơn so với mức cần thiết.

Cần phải làm gì?

Rõ ràng, bằng việc khai thác than lộ vỉa và tổ chức đổ thải tùm lum, đến nay TKV đã và đang có trách nhiệm chủ yếu trong việc làm đảo lộn sinh thái của vùng than Quảng Ninh, đã làm cho vùng than ngày càng trở nên nguy hiểm, mất cân bằng tự nhiên. Ngoài ra, khai thác than lộ vỉa đồng nghĩa với việc TKV đã và đang “tự chặt vào đầu” mình. Thiệt hại về người và tài sản đã và đang diễn ra trước mắt. Nhưng vì nhiều lý do (hiểu biết hạn chế, chạy theo thành tích, lợi ích nhóm, chủ nghĩa nhiệm kỳ v.v.) cho đến nay, sau hơn 20 năm, TKV vẫn chưa cảm thấy “đau”. Thậm chí gần đây, khi than lộ vỉa đã gần hết, TKV lại đang chủ trương khai thác cả các trụ bảo vệ. Nếu khai thác than lộ vỉa là xâm hại vào tầng bảo vệ bên trên, thì khai thác trụ bảo vệ là phá tan các tầng móng bảo vệ bên dưới (“tự chặt vào chân”).

Vì vây, “muộn còn hơn không” các cơ quan chức năng cần khẩn trương xem xét nghiêm túc trách nhiệm quản lý của TKV về những vi phạm kỹ thuật cơ bản trong khai thác than để xẩy ra các tai nạn lao động bục nước, sập lò, tụt lở bãi thải dẫn đến chết người vẫn đang tiếp tục xẩy ra.

Đồng thời, sau vụ tụt lở bãi thải gây thiệt hại đặc biệt lớn về người và tài sản vừa qua ở vùng Quảng Ninh, thiết nghĩ các cơ quan bảo vệ pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phải có trách nhiệm khởi tố vụ án, làm rõ nguyên nhân để có các biệt pháp ngăn ngừa và xử lý tận gốc những nguy cơ và hiểm họa còn có thể xẩy ra trong tương lai./.

_______

(Với lòng biết ơn sâu sắc người viết mong nhận được các ý kiến phản hồi/trao đổi gửi lại theo địa chỉ nguyenthanhsontkv@yahoo.com).

N.T.S

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn