BÀN VỀ LƯƠNG HƯU – THƯ NGỎ GỬI QUỐC HỘI

Nguyễn Đình Cống

Nhân dịp Quốc hội thảo luận về sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, tôi xin có vài ý kiến về việc trả lương hưu. Về việc này nên nhìn từ 3 phía: người nhận, người trả và sự công bằng xã hội.

Đa số người nhận mà có lương thấp, cuộc sống khó khăn thì mong ước được tăng càng nhiều càng hay, kéo dài thời gian được nhận càng lâu càng tốt.

Đối với người trả thì mong có được thật nhiều tiền để trả theo nguyện vọng của người nhận, nhưng thực tế số tiền bị hạn chế vì phụ thuộc vào nguồn thu, vì vậy sẽ là tốt khi giảm được số tiền phải trả (tôi nghe nói quỹ Bảo hiểm xã hội đang bị khủng hoảng thiếu).

Về công bằng xã hội, nếu hiểu lương hưu là một phần lương mà người lao động để lại, sẽ được nhận sau khi nghỉ việc (chứ không phải là một loại trợ cấp xã hội) thì tổng số mà người đó nhận được phải tỷ lệ với tổng tiền lương mà họ đã nhận, tức cũng là tỷ lệ với thời gian đóng bảo hiểm (thực ra dựa vào lương hoặc thời gian cũng chưa chính xác mà phải dựa vào kết quả công việc mà người đó đã làm được mới chính xác, nhưng như thế quá khó). Xét như vậy thấy rằng cách trả lương hưu như ở ta và nhiều nước vẫn thực hiện (trả từ khi nghỉ việc cho đến khi chết) là không công bằng. Xin xét 2 trường hợp sau:

Người A bắt đầu làm lúc 25 tuổi. Làm việc tích cực, có nhiều công trạng, được yêu cầu kéo dài thời gian làm việc, đến 65 tuổi mới nghỉ hưu. A đã chết sau khi nhận sổ hưu chỉ vài tháng. Tổng số lương hưu mà A nhận được là không đáng kể so với công sức và kết quả công việc (không khéo nếu A chết trước khi nghỉ hưu thì gia đình còn nhận được quyền lợi nhiều hơn).

Người B, bắt đầu công việc năm 22 tuổi, đến năm 47 tuổi đã có đủ số năm đóng bảo hiểm cần thiết và theo một chính sách ưu tiên nào đó (phục vụ trong lực lượng vũ trang ở nơi khó khăn chẳng hạn), được về hưu. B sống tới gần trăm tuổi (thực tế có thể trên một trăm), số năm được hưởng lương hưu trên 50, quá gấp đôi thời gian làm việc.

Kể ra không thể nào có được công bằng tuyệt đối mà chỉ là tương đối có thể chấp nhận, nhưng so sánh 2 trường hợp trên thì thấy quá bất công.

Tôi xin đề nghị phải căn cứ vào thời gian thực tế làm việc có đóng bảo hiểm để quyết định thời gian trả lương hưu. Chỉ trả trong thời gian tối đa bằng thời gian có đóng bảo hiểm. Như vậy đối với trường hợp B chỉ trả lương hưu tối đa trong: 47-22 = 25 năm (đến năm 47+25 = 72 tuổi). Sẽ có người hỏi, thế từ năm 72 tuổi trở đi B sống bằng gì, tính chất bảo hiểm và nhân đạo ở đâu? Xin thưa: đa số B khi về hưu vẫn còn sức khỏe, vẫn tiếp tục làm việc và có thu nhập thêm, đến lúc đã hết tuổi nhận lương hưu mà vẫn còn sống thì đã có tiền để dành từ trước. Đối với một số B nào đó, sau khi hết thời gian nhận lương hưu mà cuộc sống gặp khó khăn thì dùng quỹ trợ cấp xã hội để giúp đỡ. Nhưng từ lúc đó trở đi thì B phải xin và nhận trợ cấp chứ không phải có quyền đương nhiên nhận lương.
Đối với người như A thì sao? Bảo hiểm xã hội cần tính tổng số lương hưu tối đa mà người đó có thể được nhận, rồi trả cho gia đình họ một lượng tối thiểu bằng một phần nào đó của số trên. Đối với những người chết trước khi nhận quyết định nghỉ hưu cũng nên dùng cách tính như vậy.

Tôi biết chúng ta đã có thói quen nhận và trả lương hưu từ lúc bắt đầu nghỉ cho đến lúc chết. Sự sửa đổi như đề nghị sẽ mang lại quyền lợi cho những người như A và mang lại một chút thiệt thòi cho những người như B, sẽ bị họ phản đối. Nhưng nghĩ về sự công bằng nên có, tôi mạnh dạn đề nghị Quốc hội xem xét và thảo luận đề nghị trên đây.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn