Dân Việt sẽ có quyền "làm tất cả những gì pháp luật không cấm"?

Nguyễn Ngọc Lanh

Danh ngôn về Dân Chủ và Nhà Nước Pháp Quyền

Vua là con Trời. Một bộ óc bình thường cũng thấy được quyền vua là tột đỉnh; nhưng chỉ những trí tuệ siêu việt - như John Locke (1632-1704) và Montesquieu (1689-1755) - mới nhìn ra sự cấu kết hữu cơ của 3 quyền thành phần để tạo ra cái "quyền trời" này. Đó là: 1) Quyền tự làm ra luật; 2) Quyền tự thi hành luật, và 3) Quyền định mức tội cho người phạm luật. Không khó để thấy sự cấu kết này tạo ra quyền sinh, quyền sát.

Từ đó, lời dạy bất hủ của các vị cho hậu thế là: Muốn xóa bỏ một nền chuyên chế, phải tách bạch 3 quyền này ra. Chính nhờ thực thi lời dạy, đại cách mạng Pháp và Mỹ đã mở ra cho nhân loại kỷ nguyên dân chủ, tự do và kiến tạo cho thế giới một kiểu nhà nước mới - nhà nước pháp quyền. Đây mới thật là nội dung của thời đại hiện nay.

Di ngôn của Locke cô đọng tinh hoa 2 thành quả này. Do vậy, nó gồm 2 vế đối nhau, dễ hiểu, dễ thuộc. Vế đầu: "người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm" giúp cho người trình độ thấp cũng tiếp cận chính xác với định nghĩa dân chủ, tự do; mà không bị huyễn hoặc. Vế tiếp theo, "nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép" nói lên thế nào là nhà nước pháp quyền. Đảo ngược chủ thể của mỗi vế, ta sẽ có nhà nước chuyên chế (phong kiến, phát xít, xô viết...) mà hàng tỷ người đã cay đắng nếm trải.

Câu nói một nghĩa, không thể hiểu sai, đố ai xuyên tạc

Dù thể hiện cách nào danh ngôn vẫn chỉ có một nghĩa.

- Citizens can do anything not forbidden by law; but state can do only what is allowed...

- Citizens have the right to do anything not expressly forbidden by law...

- People can do anything not forbidden by law...

- People have the right to do anything not prohibited by law...

- Everything which is not forbidden is allowed...

- ...

Do đó, người dân, dù ít học, vẫn lĩnh hội được. Và sẽ vồ lấy, làm vũ khi đấu tranh. Trong khi đó, giới chuyên quyền không thể xuyên tạc nó về ngữ nghĩa, nội dung. Chung nhất, họ chỉ có một cách đối phó: Không để dân biết sự tồn tại của danh ngôn; nếu không đạt kết quả thì... chửi bới và thù ghét bất cứ ai nói và làm theo nó.

Trải 350 năm, danh ngôn đã "xơ cứng" và "sai lầm"?

Thông Điệp tân niên 2014 của cụ Nguyễn Tấn Dũng được gửi đi với cương vị ủy viên BCT vàThủ tướng. Như vậy, cụ gửi toàn đảng, toàn dân; và thế giới cũng biết. Dư luận xôn xao cả tháng, mà một lý do là cụ đưa vào thông điệp cái câu Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm - khá "giật gân" ở nước ta, mặc dù nhân loại đã từ lâu coi là mặc nhiên; giống như đã là con người thì mặc nhiên được nói.

Xin có hai nhận xét.

1- Trước đó 3 tháng, một bài trong mục "chống diễn biến hòa bình" (báo QĐND) đã phê phán câu trên là xơ cứng về "công thức" và sai lầm về pháp luật. Liệu đây có phải cách đối phó thứ 2, do người Việt sáng tạo?. Thật ra, còn cách đối phó thứ 3 (xem dưới). Bài phê phán này đăng ở mục thể hiện lập trường, với văn phong rất đặc trưng. Do vậy, không thể nói sự phê phán này chỉ là quan điểm cá nhân.

2- Từ khi VN mang danh XHCN, không hiểu sao có nhiều người quyết tìm ra và quyết nói lên cái câu Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm... mà chẳng cần đợi thủ tướng nói mới biết (xem bảng dưới).

Từ mọi ngôn ngữ, khi dịch sang Việt ngữ, câu này vẫn giữ nguyên ý gốc: Dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm... Trong câu tiếng Việt, vài từ cụ thể có thể được thay bằng những từ tương đồng. Ví dụ "dân" được thay bằng người dân hoặc công dân; "tất cả những gì" được thay bằng mọi điều, mọi thứ... Riêng 2 cụm từ "có quyền làm" (or "được làm") và "pháp luật không cấm" thì phải giữ, vì thuộc bản chất. Bởi vậy, khi tra cứu (google), chỉ cần dùng hai cụm từ này, đủ thấy câu trên đã khá phổ quát ở nước ta, mà chẳng cần đợi cụ thủ tướng nói.
 

Hai cụm từ tra cứu

Kết quả

"có quyền làm" + "pháp luật không cấm"

177.000

"có quyền làm" or "được làm" + "pháp luật không cấm

288.000

a) Dư luận xôn xao vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử phong trào CS, một ủy viên BCT của VN đã tuyên ngôn với toàn dân câu này. Ý nghĩa của tuyên ngôn thể hiện sự phê phán quá khứ và hứa hẹn tương lai. Nhưng sự cô độc cũng rất rõ.

b) Dư luận sớm im ắng, vì ai nói... cứ nói. Làm mới khó, kể cả làm ở mức tối thiểu. Ví dụ, chỉ thị cho cấp dưới - 3 triệu đảng viên và 3 triệu nhân viên ngành hành pháp - phải thuộc câu này - mà chưa cần mở đợt học tập (như học đạo đức bác Hồ: tốn10 năm lận).

Câu khác: Mới về thời điểm nói ra, nhưng vẫn không mới về nội dung

Đó là câu trong Thông điệp: Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh”. Câu này đúng, nhưng không mới, vì cặp "song sinh" này chẳng qua là con đẻ của tam quyền phân lập. Phải nhắc đến "mẹ", để mọi người hiểu từ đâu có cặp "song sinh".

Nhiều người tưởng cụ Thủ tướng - UV BCT - quên, hoặc chưa nói rõ, nói đủ, trong thông điệp. Nhưng có lẽ không phải. Mà có lẽ do Cụ đã dự, đã nghe diễn văn khai mạc của cụ Tổng bí thư tại Hội nghị 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Diễn văn có đoạn liên quan đến chuẩn bị sửa Hiến Pháp (thực tế, đoạn văn này sau đó đã nhảy vào Hiến pháp). Đó là: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.... Cụ chốt lại bằng một mệnh đề 8 chữ, thật dứt khoát: Nhà nước ta không tam quyền phân lập. Đố ai thêm hay bớt nửa chữ. Liệu có phải cụ Tổng bí thư (GS. TS) định lập ngôn với hậu thế? Câu của cụ sẽ trường tồn để đọ với câu của Locke?.

Kiên định ý thức hệ

Kể từ khi Lênin lập ra nhà nước xô viết (1917) rồi cả loạt mấy chục nước do đảng CS cầm quyền, không nơi nào thừa nhận những giá trị của cách mang tư sản, nhất là tam quyền phân lập. Thậm chí những nước tự nhận là XHCN (ví dụ Libya) cũng như vậy.

Không thừa nhận tam quyền phân lập là cách đối phó thống nhất và triệt để nhất (hơn hẳn 2 cách đối phó đã nói ở trên) với tư tưởng Locke. Đã gần 100 năm trôi qua, VN vẫn không thừa nhận tam quyền phân lập, chính là tấm gương về kiên định ý thức hệ vậy.

Một cách giải thích danh ngôn cho... học sinh cấp 2

- Trong một xã hội dân chủ, thì dân là chủ. Số quyền của ông chủ nhiều vô kể, nếu tẩn mẩn kê ra sẽ không bao giờ đủ, chỉ tốn giấy mực. Còn số điều bị cấm đoán lại rất ít. Đây là ông chủ tự cấm mình (để các quyền không bị xâm phạm), chứ đầy tớ nào dám cấm ông chủ? Cách làm khôn ngoan - trẻ em cũng nghĩ ra, là: Nếu pháp luật chỉ kê ra những điều "cấm ông chủ làm" thì văn bản sẽ gọn lại ngàn lần. Còn lại, những gì không nằm trong danh mục "cấm" (vô thiên lủng), dân tha hồ làm. Khi lớn lên, nếu các cháu muốn làm gì cũng phải viết "đơn xin phép" thì nên quên cái câu trong Thông Điệp đi.

- Trái lại, nhà nước là công bộc, nếu kê ra những điều "cấm" thì tràng giang đại hải, tốn giấy. Cách khôn nhất là pháp luật chỉ cần kê ra những điều "cho phép làm".

N.N.L

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn