Một Hà Nội Một Paris

Trần Thanh Vân

image

Những ngày vừa qua, lang thang trên các trang mạng, đọc thấy mấy bài viết của những tác giả khác nhau, nói về những đề tài rất không giống nhau, nhưng với tôi, một độc giả vốn mang bệnh nghề nghiệp, tôi tưởng như các tác giả đang nhắc tôi nhớ tới trách nhiệm của tôi, phải khâu nối các nội dung trên lại, để đưa ra một câu hỏi: “Phải chăng đã đến lúc phải có một cuộc cách mạng trong tư duy khoa học, dẫn tới một cuộc cách mạng kinh tế, rồi một cuộc cách mạng văn hóa và rồi, có lẽ sẽ đến lúc, một cuộc cách mạng về chính trị - về thể chế - tự nó sẽ phải xảy ra?”

Đọc Hanoi Haussmann của tác giả Gia Gia trên Quê Choa của Bọ Lập, tôi có cảm giác buồn thắt ruột khi thấy sai lầm nối tiếp sai lầm xảy ra xung quanh tôi và đang từng ngày từng giờ gặm nhấm, phá nát thành phố Thủ đô của tôi.

Vâng, tác giả Gia Gia mới chỉ nhắc một chút xíu đến con đường Trường Chinh đang từ thẳng bẻ thành cong để so sánh với những đại lộ thẳng tắp ở Paris đã được xây dựng từ thế kỷ thứ 19, do những cố gắng tuyệt vời của Haussmann cùng nhóm cộng sự.

Nhưng, hình ảnh những trục đường thẳng tắp rộng rãi ấy chưa nói hết được tài năng và cố gắng tuyệt vời của Haussmann. Ngài Nam tước Tỉnh trưởng tỉnh Seine và các cộng sự của ông không tưởng tượng rồi vẽ ra thành phố Paris như cách đây mấy năm ở Hà Nội, người ta vẽ Trục Thăng Long cũng thẳng tắp như một mũi tên, đi từ Hồ Tây xuyên qua mấy huyện ngoại thành như Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai... rồi chui vào gầm núi Ba Vì chẳng để làm gì, ngoài việc đánh thức các vị lãnh đạo Nhà Nước đang ngủ mơ tại Trung tâm hành chính quốc gia được dấu kín ở trong đó!

Hậu quả tai hại của những bản vẽ không tưởng dạo đó là làm cho giá đất ở vùng núi Ba Vì tăng lên ngất ngưởng, khiến cho bao nhiêu anh “cò đất” hối hả đi chăn dắt người mua kẻ bán, đến nỗi hôm nay đã mấy năm qua rồi mà có người vẫn nợ ngập đầu vì vay mượn, vì đã dồn hết hầu bao để “ôm” đất, hòng kiếm lãi lớn, thỏa mãn lòng tham.

Còn Haussmann? Ông là một vị Nam tước, một luật sư, được Napoleon III giao chức tỉnh trưởng tỉnh Seine trong đó có thành phố Paris, với nhiệm vụ tái quy hoạch và xây dựng lại Paris từ một đô thị cổ lỗ, chật hẹp, quanh năm úng ngập. Và ông đã làm cho nơi này trở thành một “kinh đô ánh sáng” hiện đại nổi tiếng thế giới ngày nay với số vốn liếng gần như trống rỗng phút ban đầu.

Mỗi ý tưởng họ đưa ra, mỗi nét vẽ họ đặt xuống là có ngay một giải pháp và nguồn vốn thực hiện. Đó là một nỗ lực phi thường về việc xây dựng quy chế tài chính của Haussmann.

Vậy cái gì gọi là quy chế tài chính của Haussmann? Đó là giải pháp phát hành trái phiếu để vay tiền hiện tại, để cấp vốn cho các dự án công trong tương lai, là một phát minh mới vào thời điểm bấy giờ mà Haussmann đã góp phần đưa vào thực tế cuộc sống, giúp các nhà thầu có thể trang trải đền bù các công trình bị phá dỡ và xây dựng công trình theo quy hoạch mới chỉnh chu, tạo nên bộ mặt Paris tráng lệ ngăn nắp ngày nay, để không xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo quái dị theo kiểu mạnh ai người đó làm, may ai người đó hưởng, thậm chí không phải của mình cũng vơ lấy để hưởng như đã và đang xảy ra ở Hà Nội chúng ta.

Nguyên lý tạo ra quy chế tài chính ấy mà Haussmann đã nghĩ đến và thực hiện được cách đây 200 năm thì quả thật là khó tưởng tượng được, nhưng hôm nay ngồi nghiên cứu lại việc người đi trước đã làm thì thấy việc học theo không có gì là khó khăn. Việc đầu tiên cần hiểu và cần học để làm theo là các nhà quản lý quy hoạch và chính quyền thành phố trong việc xây dựng “hành lang quy hoạch” và xác định “vạch tuyến đường đỏ” thường phải sâu vào ít nhất từ 50 m đến 100 m. Giải đất trên hành lang ấy trong tương lai sẽ là “Những ngôi nhà mặt phố” của con đường mới mở. “Hành lang quy hoạch” ấy có thể hôm nay chỉ là đống rác, cầu ao, những căn bếp lụp xụp... nhưng nếu biết “nhìn” thấy giá trị của nó, thì đó có thể sẽ là đống vàng đủ để xây dựng bộ mặt thành phố trong tương lai.

Bởi vậy cho dù có những sai lầm trong quá trình thực hiện quy chế tài chính này, Haussmann vẫn để lại một công lao để đời về lòng tận tụy, đầu óc sáng tạo và cuộc sống không vụ lợi của ông.

Tôi muốn nhấn mạnh điều này và tôi muốn các nhà quản lý, các chủ dự án hãy tìm hiểu nguyên lý này cho kỹ trước khi bắt tay vào công việc. Đừng bao giờ để cho Đường Xã Đàn Kim Liên mới mở mà nhà cửa kiến trúc đã lem nhem, hoặc như đường Trường Chinh bị bẻ cong như chiếc ghi đông xe đạp nữa.

Đọc “Nhà ở ngoại ô Atlanta” của tác giả TBT Kua Time, đăng trên Hiệu Minh Blog, lòng tôi lại càng buồn rười rượi, comment mấy câu, được bạn bè “giơ ngón tay cái chỉ lên trời” cổ vũ, lòng lại thấy càng buồn hơn như muốn khóc.

Việt Nam có thiếu gì những hình ảnh có sẵn đẹp hơn Atlanta nhiều, như Hà Nội đầu thế kỷ 20 mà các kiến trúc sư Pháp đã để lại dấu ấn như một Paris thu nhỏ, lạc vào giữa khung cảnh xanh rì của những hàng cây hoa lá nhiệt đới, như thành phố Đà Lạt thơ mộng ở cao nguyên Miền trung mà đến nay còn có thêm tên là “Thành phố ngàn hoa”

Tôi đã từng đến Đà Lạt nhiều lần, đã từng có nhiều kỷ niệm buồn vui ở Đà Lạt, đã từng ước mơ được đưa một góc nhỏ Đà Lạt về đặt ở cạnh Hà Nội, đã từng vẽ vời, thuyết trình, xin phép, chờ đợi... nhưng chờ đợi suốt mấy chục năm mà xung quanh tôi vẫn âm u ảm đạm đến rợn người.

Tôi muốn mọi người cùng tôi trả lời một câu hỏi, tại sao những cái đẹp mê hồn ấy đã có trên xứ ta từ lâu, ít nhiều đã từng làm ta rung động, nhưng tại sao nó vẫn không được nhân rộng, không được khuếch trương ra? Hà Nội có Sóc Sơn và Ba Vì cùng là Đất Thánh, nhưng tại sao Thánh không cấm cản ta mà “Luật” và “Lệ” của con người vẫn theo riết cấm cản ta?

Trở về với trung tâm phố cổ Hà Nội. Người Pháp bắt đầu xây dựng một số trại lính và nhà công sở từ năm 1887, nhưng đến đầu thế kỷ 20 thì khu phố buôn bán cũ với bộ mặt “Đường nhỏ, phố nhỏ, nhà ta đó” được hình thành mà ngày nay được gọi là khu phố cổ, đồng thời các khu “phố Tây” với những ngôi nhà 2, 3 tầng duyên dáng mọc lên ngày càng nhiều dành cho giới công chức và thương nhân khá giả. Dân cư những ngày đó mới chưa tới vài trăm nghìn người, nên cho dù đường nhỏ phố nhỏ mà dân cư đi lại không chật chội chen chúc.

Một trăm năm trôi qua, đất đai khu phố cổ không nở ra, dân cư trong phố cổ tăng lên nhiều lần, một căn nhà ống bề ngang chỉ chừng 3-4 mét, khi xưa chỉ có một gia đinh cư trú, gian ngoài là cửa hàng, các gian trong là phòng khách và phòng ngủ. Thì hôm nay ngôi nhà ống đó đã có 5 hộ, thậm chí 10 hộ gia đình cùng sống chung, cùng buôn bán. Cửa hàng của họ bày kín vỉa hè và có lúc bày xuống cả mặt đường.

Vậy tại sao từ lâu người ta bàn đến các dự án cải tạo và dãn dân phố cổ mà không sao làm được? Tại vì cách hành xử của chính quyền sở tại vẫn ngầm khuyến khích người dân không đi mà thậm chí còn tăng lên. Vì mục đích kiếm tiền họ sẵn sàng “chi đậm là mọi việc êm xuôi”. Nhức mắt nhất là trên khu phố chật chội ấy, thỉnh thoảng có một đại gia mới nổi, mua đứt một hai ngôi nhà lụp xụp ở cạnh nhau, đập đi, xây thành một khách sạn mini nhỏ xíu nhưng nhiều tầng, khiến cho phố đã chật, lại trở nên chật hơn.

Tôi thật không hiểu chính quyền thành phố nghĩ gì mà nhiều năm nay họ luôn luôn khốn khổ bàn các giải pháp khắc phục tắc nghẽn giao thông trong nội thành, mặt khác họ lại vẫn không ngừng cho phép các công trình khách sạn hoặc trung tâm thương mại mọc lên, càng thu hút thêm người bán kẻ mua, xe cộ chen chúc khiến giao thông càng tắc ách hơn.

Hà Nội từ lâu đã cố gắng khai thác và xây dựng các hành lang giao thông II, III và hành lang IV để giải tỏa cho nội thành. Vậy hôm nay khúc đường bị bẻ cong trên đường Trường Chinh có cần trả về như cũ, hay vì đã được ông Bí thư Thành ủy bảo vệ, nên vẫn sẽ được trơ trơ tồn tại để hậu thế nguyền rủa?

Vâng, chỉ cần điểm vài bài báo, phân tích vài hiện tượng tiêu cực như vừa nhắc đến ở trên, người có trách nhiệm nào cũng thấy đau đầu và muốn làm một việc gì đó đổi thay đầu tiên từ tư duy và hành động của con người.

Đọc “Đừng ngại, hãy vươn ra thế giới” của tác giả Trần Ngọc Kha, trên Đại Đoàn Kết và trên Báo Mới, nói về sự thành công trong việc phát triển năng lượng xanh của Châu Phổ Trung, tôi được nhen nhúm một niềm hy vọng từ hình mẫu người thanh niên trẻ tuổi này.

Anh là một Việt kiều Pháp, anh khởi nghiệp cách đây 10 năm bằng 50.000 Euro đi vay, anh đã thành công bước đầu và đã có 3 công ty ở Pháp, ở Dubai và ở Mỹ.

Tôi muốn anh lưu lại ở Việt Nam, ở Hà Nội. Tôi muốn anh cùng một nhóm người trẻ tuổi ở Hà Nội làm một cái gì đó có tính đột phá trong tư duy.

Đã đến lúc phải tạo cơ hội cho những người trẻ tuổi gánh vác sứ mạng thay đổi non sông. Mở đầu có thể từ những công việc giản đơn như khai thác một công ty cần cẩu sắp phá sản như anh đã làm.

Với tư cách là một kiến trúc sư cảnh quan, tôi muốn anh mang được nhiều góc đẹp của Đà Lạt về đặt ở Sóc Sơn, ở Ba Vì. Thủ đô Hà Nội sẽ trở nên đáng yêu, đáng trân trọng hơn và giàu có hơn nhờ đó.

Đó là một mặt của công nghệ xanh mà tôi khao khát.

Người trẻ tuổi ở Việt Nam hiện nay vẫn có nhiều hình mẫu đáng quan tâm, họ rất chịu học và họ cầu tiến. Tôi muốn họ được hướng nghiệp để thay đổi giang sơn này.

T.T.V.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn