Địa chính trị (*) (Kỳ 1)

Nicolas Monceau, Universté de Bordeaux

Phan Thành Đạt dịch

Địa chính trị của Mỹ và Anh

Nghiên cứu mối quan hệ giữa chính trị với môi trường địa lí đã được nhiều người thực hiện từ thời Trung cổ. Địa chính trị đã phát triển từ thời kì cổ đại đến giữa thế kỉ XIX. Nhà địa chính trị người Đức Friedrich Ratzel là một trong những người đi tiên phong đánh dấu thời kì của địa chính trị hiện đại. Nhắc đến địa chính trị thời kì trước đó, mỗi chúng ta không thể không kể đến các tên tuổi nổi tiếng như Aristote, Jean Bodin, Montesquieu và Thucydide.

Thời kì phát triển mạnh mẽ của địa chính trị là giai đoạn nửa sau thế kỉ XIX và nửa đầu thế kỉ XX. Môi trường tri thức thuận lợi đã tạo điều kiện cho ngành địa chính trị phát triển. Giai đoạn này ghi đậm dấu ấn bằng sự chiến thắng của chủ nghĩa khoa học và việc con người công nhận thuyết tiến hóa của Darwin được áp dụng trong các lĩnh vực xã hội. Đa số các nhà trí thức đều đánh giá tính đúng đắn của học thuyết Darwin khi áp dụng vào các lĩnh vực xã hội. Chỉ có những người mạnh nhất mới sống sót được. Khả năng của con người sẽ đảm bảo sự sinh tồn, điều này lại phụ thuộc vào mức độ rộng lớn của lãnh thổ mỗi quốc gia.

Người châu Âu thống trị thế giới, họ vạch ra không gian sống trên thế giới. Lịch sử của thế giới diễn ra tại châu Âu. Vì sự tiến bộ vượt bậc sẽ giúp châu lục này thống trị thế giới. Sự phát triển của các phương tiện viễn thông giảm bớt khoảng cách giữa con người đang sống ở những nơi khác nhau trên thế giới. Con người có điều kiện tiếp xúc với những người sống ở những khu vực xa xôi mà trước đây ít người biết đến.

Chủ nghĩa khoa học là tư tưởng được đề cập đến nhiều trong giai đoạn cuối thế kỉ XIX. Lí thuyết này xếp khoa học là quyền lực có tính hợp pháp để giải quyết mọi vấn đề. Đó là mong muốn ban ra các đạo luật hay các nguyên tắc điều phối thiên nhiên và con người.

Thuyết chọn lọc của Darwin áp dụng trong lĩnh vực xã hội: Xã hội loài người bước vào thời kì chọn lọc, nơi chỉ có những người mạnh mẽ nhất sống sót.

Những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng lâu dài đến mỗi dân tộc, mỗi quốc gia được đề cập, ví dụ câu hỏi đặt ra: "Làm thế nào để làm chủ không gian?". Rudolf Kjellen là người sáng tạo ra từ địa chính trị, định nghĩa khái niệm này như sau:

Địa chính trị là ngành nghiên cứu những đặc điểm của một quốc gia, đó là lĩnh vực nghiên cứu về địa lí, nghĩa là tìm hiểu về đất đai, lãnh thổ, không gian. Địa chính trị là khoa học nghiên cứu tính chất của mỗi quốc gia.

Rudolf Kjellen trình bày những phân tích của mình trong hai cuốn sách Các cường quốc (1905) và Nhà nước như một thực thể sống (1916). Những chủ đề quan trọng được tác giả giới thiệu đều được các nhà địa chính trị nghiên cứu và phát triển. Ba vấn đề lớn được đề cập nhiều nhất là:

       

  • Nhà nước là một thực thể sống, hoặc Nhà nước sẽ lớn mạnh, hoặc Nhà nước sẽ biến mất.

  • Các nước sẽ giao tranh với nhau trong một cuộc đấu sống còn, theo nguyên tắc chọn lọc tự nhiên được Darwin miêu tả trong thuyết tiến hóa của loài vật.

  • Những đế chế rộng lớn sẽ do các dân tộc chiến thắng thống trị, các dân tộc mạnh sẽ bàn bạc với nhau để cùng nhau làm chủ thế giới.

       

Tư tưởng của Rudolf Kjellen không có ảnh hưởng ở Thụy Điển, nhưng lại được ưa chuộng ở Đức. Nhà địa chính trị Đức Karl Haushofer đã kế thừa những ý tưởng của Rudolf Kjellen, lí thuyết của ông có ảnh hưởng dưới thời Đức Quốc xã.

Địa chính trị hiện đại được định nghĩa như một ngành khoa học phân tích các mối quan hệ giữa không gian và chính trị. Những mối quan hệ giữa các quốc gia được phân tích dựa trên những quan sát về vị trí địa lí, về sức mạnh của quốc gia đó.

Những câu hỏi sẽ được địa chính trị giải đáp: Vì sao những đặc điểm về vị trí địa lí, không gian lại có tác động đến nền chính trị của mỗi nước? Vì sao chính trị lại coi vai trò địa lí là điểm mấu chốt? Vị trí địa lí có ảnh hưởng như thế nào đến những lựa chọn về thể chế chính trị của mỗi nước? Và việc nước đó gia nhập các tổ chức quốc tế sẽ có tác động gì đến đường lối chính trị hay các mối quan hệ của nước đó với các nước xung quanh ra sao?

clip_image002Địa chính trị gắn liền với phương pháp phân tích, nhưng đó cũng là cách thể hiện quan điểm chính trị. Khi bàn về địa chính trị của Pháp, Napoléon Bonaparte cho rằng: "Mỗi nước đều xây dựng nền chính trị, và chính trị chịu tác động từ các điều kiện địa lí".

Đô đốc Mahan là người sáng lập ra ngành địa chính trị của Mỹ. Ông trở thành cố vấn cho nhiều nhà lãnh đạo Mỹ, trong đó có tổng thống Théodore Roosevelt. Mahan suy nghĩ và đặt câu hỏi: “Làm thế nào để nước Mỹ có thể trở thành cường quốc trên thế giới?”. Ông đưa ra lời giải đáp bằng cách nhận định nước Mỹ sẽ thống trị thế giới bằng chiến lược làm chủ các đại dương. Ông nhận xét nước Mỹ đã trở thành cường quốc công nghiệp và là cường quốc lục địa, nhưng sức mạnh của một quốc gia không phụ thuộc vào điều đó mà phục thuộc vào việc làm chủ các đại dương. Ông đưa ra lí thuyết sức mạnh đến từ biển (sea power). Ông phát triển lí thuyết về tranh chấp giữa quốc gia có sức mạnh trên đất liền với các quốc gia có sức mạnh trên biển. Quốc gia có sức mạnh trên biển sẽ chiến thắng trong cuộc đua này. Để đảm bảo sự thống trị của mình, cường quốc về biển cần phải kiểm soát toàn bộ các tuyến đường giao thương trên biển. Mahan cho rằng lịch sử phát triển của nhiều quốc gia đều gắn liền với biển và sức mạnh cũng phụ thuộc vào ảnh hưởng của nước đó trên biển. Ông quan sát nhiều sự kiện diễn ra ở châu Âu, đặc biệt là những tranh chấp giữa Anh và Pháp để giành ngôi thống trị châu Âu. Hai cường quốc này đã có nhiều xung đột từ thời Louis XIV đến thời Napoléon Bonaparte. Trong các tác phẩm của mình, Mahan giải đáp vì sao Anh đã qua mặt Pháp để trở thành cường quốc số một thế giới từ thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XX. Ông nhận định sở dĩ Anh trở thành cường quốc số một, thiết lập được một đế chế rộng lớn là do kiểm soát được các đại dương. Từ rất sớm, Anh đã đặt ra mục tiêu trở thành cường quốc trên biển. Pháp yếu hơn vì vừa giữ vai trò là cường quốc trên lục địa vừa là cường quốc trên biển.

Mahan trở thành nhà địa chính trị hàng đầu của Mỹ trong chiến lược xây dựng hải quân. Biển và đại dương là một không gian rộng lớn cần phải được kiểm soát. Nhưng do diện tích quá lớn, các quốc gia không thể kiểm soát và làm chủ được toàn bộ mọi nơi. Vì vậy, cần tập trung vào một số trục giao thông hàng hải, nơi có các con đường giao thương quan trọng, hay những nơi có các eo biển có tính chiến lược của mỗi nước, ví dụ như eo biển Gibraltar, kênh đào Suez, kênh đào Panama... Nước Anh là cường quốc về biển nhờ có khả năng huy động sức mạnh hải quân rất nhanh, để tiếp cận một vị trí quan trọng trên biển khi cần thiết. Mahan đưa ra giả thuyết coi nước Mỹ như một hòn đảo, để có được sức mạnh, nước Mỹ cần tập trung chú ý vào ba điểm quan trọng:

       

  • Nước Mỹ cần có khả năng kiểm soát toàn bộ các biển và đại dương bằng cách liên kết với Anh.

  • Nước Mỹ cần luôn sẵn sàng đối mặt với sức mạng đang lên của các cường quốc mới về hàng hải, đặc biệt là tham vọng của hoàng đế Guillaume II của Đức.

  • Người Mỹ cần có chiến lược phòng vệ bằng cách hợp tác với châu Âu để giảm bớt sức mạnh về hàng hải của các nước châu Á. Liên minh giữa Mỹ và châu Âu cần phải được thiết lập để làm chủ không gian rộng lớn của biển và đại dương. Sự hợp tác giữa cường quốc đường biển và cường quốc về lục địa là điều cần thiết.

       

Mahan là người đầu tiên suy nghĩ về mối liên hệ giữa lục địa và biển. Mối liên hệ trọng tâm này được con người đặc biệt quan tâm, mỗi khi bàn về địa chính trị. Karl Haushofer là người tiếp tục phát triển lí thuyết này đến mức độ hoàn thiện hơn. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, lí thuyết về mối liên hệ giữa biển và lục địa, không mấy được chú ý vì những lí do khác nhau, nhưng đây vẫn là vấn đề quan trọng hàng đầu của địa chính trị. Mahan nhận định cuộc đấu giữa cường quốc về biển và cường quốc lục địa là vấn đề mấu chốt để quyết định quốc gia nào sẽ giành vị trí thống trị thế giới, vì trong cuộc đấu này, có nhiều yếu tố rất khác biệt chi phối. Một bên là không gian biển và đại dương rộng lớn, không có nước nào có thể thể kiểm soát hết và cũng không có nước nào tuyên bố chủ quyền toàn bộ vì có những khu vực là của chung. Còn một bên là lục địa, nơi có những biên giới được phân chia và luôn là mục tiêu của các cuộc xâm lăng. Quốc gia có sức mạnh chinh phục các vùng biển và đại dương, có quyền kiểm soát ở nhiều khu vực nhờ sức mạnh của hải quân sẽ chiến thắng các cường quốc về lục địa. Mahan khẳng định nước Mỹ là cường quốc về biển, vì vị trí địa lí của Mỹ nhìn ra cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Ví dụ nếu có đối đầu giữa cường quốc về hàng hải và cường quốc về lục địa là Mỹ và Trung Quốc, Mỹ sẽ chiến thắng. Mặc dù Mahan không có cái nhìn bao quát toàn bộ về địa chính trị, vì suy nghĩ của ông chỉ dừng lại ở sức mạnh từ biển, nhưng lí thuyết của ông có nhiều ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Mỹ.

Dưới sức ép của các công ty hàng hải, đồng thời nhận thấy những lợi ích của nước Mỹ trong việc kiểm soát các tuyến hàng hải, các nhà lãnh đạo Mỹ đã từ bỏ học thuyết Monroe (không can thiệp vào các công việc nội bộ của châu Âu), để xây dựng một nền chính trị ngoại giao can thiệp vào các nước khác. Nước Mỹ càng ngày càng tham gia vào các vấn đề quốc tế nhân danh tự do hàng hải. Mahan cho rằng thiết lập các mối quan hệ giao thương với các nước là điều kiện sống còn cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng việc trao đổi buôn bán với các nước chỉ được đảm bảo và duy trì nhờ có sự bảo vệ của lực lượng hải quân hùng mạnh, hải quân cần có mặt khắp nơi trên các vùng biển và đại dương. Sức mạnh hải quân áp đảo đồng nghĩa với sự thống trị của Mỹ trên biển và đại dương.

clip_image003Halford J. Mackinder (1861-1947) là đô đốc người Anh. Ông dạy địa chính trị tại đại học Oxford. Ông là hiệu trưởng trường khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Ông được đánh giá là khuôn mặt tiêu biểu của ngành địa chính trị ở châu Âu. Mackinder quan tâm đến sự phát triển của nước Anh cũng như tương lai của đế chế Anh. Ngay cả khi nước Anh đang ở thời kì cực thịnh, ông cho rằng, thời kì suy thoái của nước Anh sẽ không còn xa. Ông muốn báo động cho mọi người biết những mối đe dọa đến đế chế Anh. Ông đặt ra câu hỏi: "Làm thế nào để bảo đảm sự sống còn cho đế chế Anh?". Suy nghĩ của ông cũng phù hợp với lo lắng của nhiều người Anh vào thời điểm đó, vì nước Anh cần có những kế hoạch cụ thể để đối mặt với sức mạnh quân sự cũng như những tham vọng của các cường quốc khác ở châu Âu. Các tác phẩm của ông có nhiều ảnh hưởng đến ngành địa chính trị ở châu Âu. Ông đưa ra hai khái niệm: Tâm thế giới (Heart Land) và đảo thế giới (World Island). Lí thuyết địa chính trị của Mackinder góp phần làm sáng tỏ các nghiên cứu về quan hệ quốc tế trong thế kỉ XX. Nhờ lí thuyết này, chúng ta sẽ có những đánh giá tổng quan về địa chính trị và tìm ra những lời giải đáp cho nhiều sự kiện diễn ra trong nửa đầu thế kỉ XX.

Nội dung cơ bản trong lí thuyết địa chính trị của Mackinder phản ánh trung tâm địa lí của lịch sử. Ông đưa ra nhận định trung tâm các hiện tượng địa chính trị xuất phát từ trung tâm địa lí của thế giới. Tất cả các phân tích của ông có thể được tổng kết như sau: "Ai kiểm soát được tâm thế giới, sẽ kiểm soát được đảo thế giới, khi kiểm soát được đảo thế giới, sẽ kiểm soát được cả thế giới". Ông miêu tả trái đất như một diện tích tổng thể gồm có ba không gian chính:

     

  • Đại dương trên thế giới chiếm 9/12 diện tích.

  • Đảo thế giới bao gồm các lục địa rộng lớn là châu Âu, châu Á và châu Phi, có tổng diện tích 1/12.

  • Các đảo lớn ở ngoại vi bao gồm châu Mỹ và Australia chiếm 1/12.

       

Để thống trị thế giới, cần phải thống trị đảo thế giới, điểm quan trọng nhất của nó là tâm thế giới. Đây là một vùng bản lề kéo dài từ các đồng bằng ở Trung Âu đến Tây Sibérie, khu vực trung tâm này sẽ tạo ảnh hưởng sâu rộng đến vùng Địa Trung Hải, Trung Đông và các khu vực rộng lớn ở Trung Quốc và Ấn Độ. Cường quốc kiểm soát được tâm của đảo thế giới sẽ kiểm soát được đảo thế giới và sẽ làm chủ thế giới. Tất cả các sự kiện địa chính trị diễn ra ở tâm đảo thế giới, sẽ có tác động đến toàn bộ thế giới. Trung tâm các diễn biến chính trị trên thế giới nằm ở châu Âu và châu Á. Cường quốc về biển sẽ không có tác động đến các sự kiện chính trị diễn ra ở đây. Nước Nga trở thành một trong những vùng thuộc tâm thế giới. Toàn bộ các hiện tượng địa chính trị sẽ diễn ra ở tâm thế giới. Đây sẽ là nơi đối đầu giữa các cường quốc. Quốc gia chiếm được tâm thế giới sẽ tạo được nhiều ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh. Mackinder lo ngại về một liên minh giữa Nga và Đức sẽ dẫn đến hậu quả là tâm thế giới bị hai quốc gia này kiểm soát. Nước Nga có lãnh thổ rộng lớn, tạo ra sức mạnh quốc phòng. Nước Đức nhờ nguồn nhân lực và tài nguyên phong phú sẽ xây dựng được lực lượng hải quân hùng mạnh để kiểm soát đảo thế giới. Hợp tác giữa Nga và Đức sẽ là mối nguy hại chính đối với nước Anh. Sức mạnh hải quân của Anh sẽ bị đe dọa, do vậy, cần chú ý đến các cường quốc lục địa này.

Mackinder xây dựng lí thuyết địa chính trị đối lập với Mahan. Mối tương quan về sức mạnh giữa các quốc gia được thực hiện nhờ các tiến bộ về kĩ thuật và nhờ quá trình phát triển các nguồn năng lượng mới. Từ thế kỉ XV, trao đổi hàng hóa, buôn bán giao thương diễn ra phổ biến trên biển nhiều hơn so với các hoạt động thương mại tiến hành bằng đường bộ, vì trao đổi bằng đường biển diễn ra thuận lợi hơn, bằng cách đi qua châu Phi, qua Ấn Độ Dương để đến các vùng xa xôi ở châu Á. Nước Anh trở thành cường quốc số 1 của thế giới nhờ ưu thế về hải quân. Nhờ đó, người Anh kiểm soát các vùng biển, tiếp cận các vùng đất giàu có về nguyên liệu.

Walter Raleigh nhận xét: "Ai nắm giữ được biển, sẽ nắm giữ được thương mại thế giới, ai nắm giữ được thương mại, nắm giữ sự giàu có của thế giới, và khi đó sẽ nắm giữ cả thế giới."

Từ thế kỉ XIX, đường bộ lại giữ vai trò trọng tâm trong trao đổi buôn bán, giống như trước thời kì chưa có các phát kiến địa lí. Thế kỉ XIX là kỉ nguyên công nghiệp, giai đoạn này tạo ra một cuộc cách mạng mới về địa chính trị. Tâm thế giới là khu vực mang tính chiến lược. Đó cũng là tâm của địa chính trị, trung tâm này là kết quả của các yếu tố mang tính lịch sử nhờ sự phát triển vượt bậc của khoa học kĩ thuật, đã tạo ra ưu thế giúp con người làm chủ các vùng rộng lớn, quan trọng hơn cả việc làm chủ các đại dương.

Nếu giải mã những nguyên nhân của chiến tranh thế giới theo quan điểm của Mackinder, đây sẽ là cuộc đối đầu giữa các đế chế ở trung tâm lục địa (Đức, đế chế Áo-Hung), các quốc gia này muốn giành lấy tâm thế giới, nên cần phải đối đầu với các quốc gia phía tây có ưu thế nắm giữ sức mạnh hàng hải (Anh, Pháp, Mỹ). Các cường quốc có sức mạnh về biển quyết định liên minh với quốc gia nằm ở tâm thế giới (nước Nga), trong thời kì từ 1914 đến 1917. Vai trò của liên minh quân sự thay đổi sau cuộc cách mạng của những người Bôn-sê-vic năm 1917. Vì tâm của thế giới khi đó thuộc về Liên bang Xô viết, Nhà nước này lấy học thuyết Mác-Lênin là kim chỉ nam. Nhằm tạo ảnh hưởng ra các vùng xung quanh của tâm thế giới, Liên bang Xô viết truyền bá hệ tư tưởng cộng sản. Các quốc gia khác lo sợ mức độ lan tỏa nhanh chóng học thuyết này ra đảo thế giới, sẽ tạo ra sức mạnh cho Liên bang Xô viết, nên đã tìm mọi cách ngăn chặn.

Chiến tranh thế giới thứ 2 là cuộc đối đầu giữa các quốc gia muốn xây dựng các khối liên minh quân sự đủ mạnh (Đức, Nhật) và các quốc gia đề cao việc giao thương hàng hải (Mỹ, Anh). Hai bên đều muốn giành giật khu vực tâm thế giới. Đức quốc xã coi đó là không gian sinh tồn, nên tìm mọi cách chiếm bằng được. Đức đã tiến đánh Liên bang Xô để chiếm lấy không gian sinh tồn. Bằng cố gắng bảo vệ tâm thế giới, Liên bang Xô viết trở thành đồng minh của các quốc gia có sức mạnh về biển (Mỹ, Anh).

Trong chiến tranh thế giới thứ 2, tâm thế giới được đặc biệt chú ý. Liên bang Xô viết và đồng minh đã thành công khi dồn Đức quốc xã về sào huyệt cuối cùng là Berlin, đây vẫn thuộc khu vực tâm thế giới. Nơi này trở thành pháo đài cuối cùng của Đức quốc xã, các bên đều tập trung sức mạnh quân sự ở đây. Sau chiến tranh, Liên bang Xô viết khẳng định chủ quyền ở nhiều nơi thuộc tâm thế giới, đồng thời muốn tạo sức mạnh ra các khu vực đảo thế giới. Mỹ đã có chiến lược ngăn chặn ảnh hưởng của đế chế cộng sản ra các vùng trong tâm thế giới và quanh trung tâm thế giới. Vì vậy các cường quốc về biển, đứng đầu là Mỹ, bao vây Liên bang Xô viết bằng cách thành lập các liên minh. Ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản ở Tây Âu, Trung Đông và châu Á Thái Bình Dương. Chúng ta có thể nhắc đến Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương và Hiệp ước hợp tác tương trợ của Mỹ với Nhật sau chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Điều đặc biệt của ngành địa chính trị là mong muốn của các nhà nghiên cứu với mục đích nắm bắt tốt hơn những thay đổi cũng như hiểu kĩ những sự kiện diễn đang ra hàng ngày nhằm giữ cân bằng hay đánh mất cân bằng về chính trị, quân sự giữa các quốc gia. Khi quan sát những diễn biến sau chiến tranh thế giới thứ 2, đảo Mỹ đã thay thế đảo Anh thống trị thế giới. Liên bang Xô viết thay thế Đức để trở thành lực lượng gây mất cân bằng ở châu Âu. Mackinder nhìn nhận tổng thể những vấn đề quốc tế diễn ra trong không gian và thời gian. Các sự kiện đó đều có mối liên hệ với nhau. Mackinder đã dự báo những nguy cơ mà nước Anh sẽ gặp phải, khi sức mạnh của Anh bị Đức đe dọa bằng cách tạo ảnh hưởng ở tâm thế giới là khu vực Trung Âu.

N. M.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

(*) Trích phần 1, trong bài giảng Địa chính trị cho năm học 2012-2013, Master 1 de droit public et science politique, l'Université de Bordeaux.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn