Để tránh “tai hoạ từ tài nguyên”

Nguyen Thuy

Những thảm họa liên quan đến sự phát triển tài nguyên mà TS TVT tìm cách báo động qua bài Lời nguyền tài nguyên đăng trên BVN, thực ra là vấn đề chung của các nước chậm tiến đang còn trên đường phát triển, gây thảm đến nỗi dư luận toàn cầu phải dùng cụm từ  "Resource curse" trong tiếng Anh để chỉ (có thể dịch là "Tài nguyên khốn nạn" hay  "Tai họa từ tài nguyên"). Bài của TS TVT nêu lên hai vấn đề: một về quản lý sự phát triển tài nguyên thiên nhiên nói chung và hai về quản lý sự phát triển điện lực nói riêng. Để góp ý tôi cũng xin bàn về hai đề tài này.

Quản lý sự phát triển tài nguyên thiên nhiên

Theo Larry Diamond & Jack Mosbacher là hai tác giả của bài "Petroleum to the People" tạm dịch là (trả) "Nguồn lợi dầu hỏa về cho nhân dân", đang trên báo Foreign Affairs số tháng 9/10 2013 thì sự phát triển tài nguyên thiên nhiên thường đi đôi với tham nhũng vì những kho dự trữ lớn lao chưa được khai thác thường là nằm ở các nước chậm tiến kém phát triển về mọi mặt và đặc biệt là về Pháp lý với luật pháp lỏng lẻo dễ bị lợi dụng khai thác. Do đó nguồn tài nguyên thiên nhiên vĩ đại có thể trở thành cái họa làm các nước đang mở mang như Phi châu trong tương lai sẽ bị dẫn đến cảnh bị chậm tiến triền miên (trích: so-called resource curse, a global phenomenon in which vast natural resource wealth leads to rapacious corruption, decimated governance and chronic underdevelopment) .

Từ lâu những ai nghiên cứu về phát triển kinh tế đểu nghĩ là sự sở hữu các nguồn lớn tài nguyên đa dạng là một lợi thế giúp cho sự phát triển nhanh chóng của một quốc gia. Nói như vậy có nghĩa là những tài nguyên đáng giá được xem như một loại gia tài được thượng đế ban cho, vì thế mà Học giả Norton Ginsburg vào năm 1957 đã viết như sau (trích: the possession of a sizable and diversified natural resource endowment is a major advantage to any country embarking upon a period of rapid economic growth). Chỉ từ năm 1980 thì các chuyên gia mới nhận ra được là hiện tượng ngược cũng có thể sẩy ra khi  thực tế cho thấy là KT các nước giầu tài nguyên phát triển kém hơn KT các nước láng giềng nghèo tài nguyên.

Trong những nước có dân chủ thực sự thì người dân đóng thuế để đổi lấy việc được trả lại bằng các dịch vụ như y tế xã hội v.v… cũng như về an ninh tức để được bảo vệ. Như vậy lợi tức của chánh phủ là đến từ thuế nên thuế được xem như một loại giao kèo gắn bó trách nhiệm của hệ thống công quyền với các bộ phận trong xã hội (taxation becomes the binding force of accountability between public officials and their constituents). Các bộ phận nhân dân là một loại chủ đầu tư kiểm soát trực tiếp, do đó tiền đóng thuế sẽ được dùng đúng mức và hữu hiệu. Ý thức về sự tương quan giữa thuế, nhân dân và nhà nước chưa được hiểu như nêu trên tại các nước nghèo như ở phi châu hiện nay,  vì 3/5 ngân sách quốc gia còn phải nhờ vào sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và của các chính phủ tây phương, do kinh tế  yếu kém, kỹ nghệ lạc hậu. Mặc dầu các tổ chức quốc tế cũng có kiểm soát cách sử dụng nguồn vốn cho vay nhưng không thể hữu hiệu bằng trường hợp các nước có chính thể tam quyền phân lập.

Có sự lo ngại là nếu các công ty ngoại làm khai thác tại các nước giầu tài nguyên thiên nhiên những không có dân chủ, trả thẳng lợi nhuận cho chánh phủ sở tại thì dân sẽ khó mà biết được số tiền đó là bao nhiêu. Hậu quả của viễn ảnh này là đầu độc sự phát triển, vì tuôn nguồn tiền lớn vào KT mà không có kiểm soát, do đó gây ra lạm phát , phung phí  và tham nhũng nặng cũng như giết chết sự cạnh tranh của KT cổ truyền: trong  lãnh vực  xuất cảng nông nghiệp cũng như trong các  ngành sản xuất khác của công nghệ. Theo ước tính thì trong tương lai sẽ có khoảng 12 nước ở phía đông và tây Phi châu sẽ trở thành những nước sản xuất dầu hỏa lớn với hàng tỉ thùng dầu (billions of barrels of exportable oil) được xuất cảng , có thể đem lại lợi tức hàng tỷ tỷ Mỹ Kim (trillions of dollars in oil revenue) .

Vì nghĩ rằng các chánh phủ sẽ phải "coi chừng" nếu người dân biết phần lợi tức mà các công ty trả, nên có nhiều nỗ lực toàn cầu (Global efforts)  như phong trào "Publish What You Pay" (Công bố những gì đã trả), cố gắng tìm cách thuyết phục các công ty công bố những khoảng tiền họ đã trả cho các chánh phủ (để được quyền khai thác), hoặc nhóm "Extractive Industries Transparency Initiative" với nghiên cứu tìm cách hoạch định các tiêu chuẩn về sự minh bạch và sự chịu trách nhiệm về các giải trình. Các nỗ lực nêu trên là cần thiết nhưng không đủ để ứng phó với các chính thể độc tài vì thế mà các tác giả đã đề nghị thêm giải pháp gọi là "Oil to cash approach", do một nhóm Học giả ở trung tâm phát triển toàn cầu (Center for Global Development) thiết kế.

Mục đích của giải pháp kể trên là để cho dân có thể làm chủ các nguồn lợi tức. Nguyên tắc là: khởi đầu phân nửa lợi tức mà các công ty khai thác dầu trả được phân phối thẳng cho dân theo một công thức KT nào đó để trung bình các gia đình nghèo có thể nhận một số tiền cho đúng mức, làm sao khi họ tiêu xài sẽ không gây lạm phát hay các biến dạng khác cho nền KT. Và chánh phủ chỉ được vào cuộc sau đó để để đóng thuế lợi tức những tiền được chuyển cho dân. Như vậy cũng như chánh phủ sẽ phải đi xin tiền dân để cung cấp các dịch vụ. Phải khai báo đàng hoàng là lấy tiền của dân để làm gì và Quốc hội phải cho phép thì mới hợp pháp. Họ nghĩ là với tiến bộ ngày nay của kỹ thuật về điện toán trong ngành ngân hàng, việc này có thể được thực hiện một cách tự động qua các chương trình được cài trong hệ thống máy điện tử.

Các dự án của tư bản đỏ VN không phải là để phát triển đất nước mà là để kiếm chác ăn chia lợi nhuận, cứ ai đấm mõn là cấp giấy phép. Không những cho công ty Trụng Cộng vào xây dựng mà còn cho cả công nhân của TC vào làm. Vậy dân mình ăn cái gì trong đó. Bây giờ đến Nam Hàn cũng bắt chước đòi đem công nhân  sang làm (trích: Trong chuyến đi tới Việt Nam kéo dài năm ngày, bà Park đã ở TP. HCM một ngày để thăm và làm việc với giới chức lãnh đạo thành phố bao gồm cả các cuộc gặp với Bí thư Thành Ủy Lê Thanh Hải và Chủ tịch UBND Lê Hoàng Quân… Bốn lĩnh vực được Tổng thống Nam Hàn đặc biệt nhấn mạnh  trong cuộc gặp với giới lãnh đạo thành phố là: nới lỏng luật lệ tuyển dụng người nước ngoài để tạo điều kiện cho những người theo học từ các trường dậy nghề cấp trung học ở Nam Hàn có thể làm việc tại đây. Ông Lê Thanh Hải được dẫn lời nói rằng ông sẽ cố gắng giải quyết các chủ đề này và nhấn mạnh rằng làm được như vậy sẽ đóng góp vào việc xây dựng niềm tin giữa hai nước).

Bên các nước tư bản tiến bộ chuyên viên kỹ thuật đào tạo ở cấp trung học rất là cần thiết vì có thể nói là cột trụ xương sống của các xí nghiệp trung và nhỏ là loại rất năng động. Kinh tế của một quốc gia có phát triển mạnh hay không là nhờ ở tiềm lực của loại xí nghiệp nêu trên, có thể nói là động cơ của kinh tế thị trường vì là guồng máy tạo ra phần lớn công ăn việc làm. Không hiểu sao mà các "đỉnh cao trí tuệ" lại không nhìn ra sự kiện sơ đẳng này mà phải chờ bà tổng thống đến từ Nam Hàn sang "dậy cho" mới biết. Đào tạo loại chuyên viên này không có khó, lại thêm không mất nhiều thời gian. Loại trường huấn nghệ này, do chính phủ tiểu bang trợ cấp, có đầy rẫy bên Canada vì là nhu cầu lớn của kỹ nghệ. Miền Nam trước 75 cũng có trường trung học kỹ thuật Cao Thắng đào tạo loại này.

Có một thời các trường đào tạo kỹ sư ở Quebec phải đóng cửa phân khoa dậy về kỹ thuật điện (Électrotechnique) vì không có học sinh. Lớp trẻ đổ xô đi học về điện tử (Électronique) vì là phong trào, làm các công ty điện lực không có KS trẻ thay thế khi đám già đi về hưu, nên đã buộc phải bỏ cả triệu dollars để cho các đại học thuê thầy mở lại các phân khoa. Để đáp ứng nhu cầu của công nghệ, chương trình học được hoạch định chung giữa các GS với các KS kỳ cựu có kinh nghiệm của các hãng. Còn hứa hẹn thêm là một chỗ làm khi ra trường sẽ được dành cho người được tuyển vào học. Nhờ vậy mà đã tuyển được một số SV ưu tú vì có nhiều đơn xin học. Thay vì nhập cảng công nhân người Hàn, Tp nên đáp ứng nhu cầu bằng một chương trình đào tạo quy mô về nhân lực các loại mà công nghệ NH cần, như vậy có nghĩa là họ cũng phải bỏ vốn vào việc này. Có thể dùng các Kỹ sư bên nhà để làm việc giảng dậy đào tạo, như vậy là một công hai chuyện tạo công ăn việc làm cho cả KS.

Quản lý sự phát triển điện lực

Đọc bài của TS TVT cũng thấy coi bộ "ảnh hưởng môi trường" không phải là phần quan trọng trong các dự án về điện tại VN trong khi ở tiểu bang Quebec (Qc) bên Canada là nơi có nhiều công trình vĩ đại hạng nhất nhì thế giới về thủy điện, thì phần này là hóc búa nhất. Bên này khi làm thủy điện thì cũng chỉ lấy mấy con sông ở phía Bắc cực thưa dân thường chỉ có mấy ngàn người dân tộc thiểu số sống. Cách làm là dồn nước một hai con sông đổ vào một chỗ trũng rộng lớn làm bể chứa. Người ta chọn làm sao để nước chẩy từ phía cao xuống thấp đi ra biển.Và chọn đường làm sao để có thể lợi dụng địa thế xây nhiều chặn đập điện dọc đường tức nước ở đập trên chẩy xuống đập dưới rồi chảy xuống đập dưới nữa v.v.. Ví dụ như ở Qc nước ở đập Mc 5 sau khi làm chạy "turbine" để sản xuất điện thì chảy suống các đập phía dưới ...đập Mc 2, Mc 1. Và đập điện cũng chỉ chắn phần nào lối đi của con sông để vẫn còn chỗ cho cá như loại cá hồi có thể di chuyển bơi theo dòng ra biển.

Chưa nói gì đến chuyện xây đập thuỷ điện trong đó phải để cả chục năm để chứng minh "Impact Environnemental" như cho thấy công ty điện lực có giải pháp để các loại cá sống trong dòng sông ít bị ảnh hưởng v.v..,  xây một cái trạm biến điện cao thế không thôi cũng phải dự trù cả mười năm trước để thực hiện mặc dầu khía cạnh kỹ thuật không phải là vấn đề. Chỉ là nếu phải dẫn qua vùng danh lam thắng cảnh là bị dân kiện ra tòa, nói các đường giây cao thế với các cột điện làm biến dạng phong cảnh, đất đai của họ bị mất giá trị v.v.. làm phải đổi lộ trình dẫn điện đi vòng tốn tiền hơn. Khi bị như vậy là phải làm lại từ đầu tức phải tính toán lại xong đi xin phép lại v.v.

Chuyển lối đi của sông tức phá sông làm đập thủy điện sinh ra chất "thủy ngân" trong nước làm cá bị ô nhiễm sẽ gây bệnh tật  khi câu lên ăn, vì thế bị người dân tộc thiểu số chống nói phá lối sống cổ truyền như săn bắn với câu cá của họ. "Pour avoir la paix sociale" tức để cho "xã hội được hài hòa" công ty điện của chánh phủ đã phải hứa dành ưu tiên một số công việc trong xây dựng cũng như khai thác thủy điện cho dân tộc thiểu số ngoài ra còn phải bồi thường một khoảng tiền rất lớn. Dân tộc thiểu số lấy tiền này để phát triển KT như xây dựng trung tâm thương mại lớn trong vùng của họ cũng như lập hãng máy bay riêng mang tên "Air Inuit" dịch ra tiếng Việt là (hãng) "Hàng không (của dân) Inuit", độc quyền chở khách đường bay vùng phía Bắc.

Nếu biết khai thác thủy điện thì rất là lợi vì nhiên liệu là nước trữ không mất tiền mua. Một nhà máy điện chạy bằng than một khi đã đốt nhiên liệu than để sản xuất điện thì phải dùng cho hết khối đã sản xuất vì không thể tích trữ điện được. Nếu không dùng hết thì chỉ có nước vứt đi, mà vứt cũng là cả một vấn đề, nói nôm na là cũng phải có chỗ để vứt, vì thế thường là các nhà máy điện loại này có điện dư không dùng là họ bỏ lên mạng lưới rao bán. Khi mà số cung hơn số cầu thì nhiều khi phải bán rẻ dưới giá thành. Nhà máy thủy điện ngược lại có cái lợi điểm là nó như một cái robinet nước. Cần thì mở nước sản xuất điện, không cần thì đóng lại, nhờ vậy mà công ty điện ở Qc rất lời vì khi thấy điện được rao bán với giá rẻ trên mạng thì đóng máy nước mình lại để mua điện rẻ dùng. Khi thấy số cầu lớn, có hãng bên Mỹ sẵn sàng mua với giá rất cao nhiều khi gấp mấy chục lần giá bình thường, thì mở máy nước ra để sản xuất điện bán. Trường hợp VN còn có thể dùng để chống lụt, ví dụ như những đập thủy điện ở những vùng có bão lũ thì có thể  mở máy nước sản xuất điện tối đa cho mức nước trong hồ chứa hạ xuống tối thiểu trước thời bão lũ. Như vậy có chỗ chứa nước tránh được lụt, lại thêm để dành được nhiều nước, đừng quên: là vàng trong kho chứa.

Nói như nêu trên không có nghĩa là nhắm mắt mà xây. Thứ nhất là vì luật bảo vệ môi trường rất gắt gao, đâu cho phá sông ngòi dễ dàng để xây. Thứ hai đi vay vốn để xây xong mới đi rao bán thì có thể sẽ bị ép giá mà không bán thì không có tiền trả nợ.  Do đó trước kia bên Québec họ đi tìm khách hàng trước, ký kết đàng hoàng xong mới xây. Ví dụ như bên Mỹ cần một số lượng điện nào đó thì họ có thể điều đình để hãng Mỹ ký mua điện dài hạn hai ba chục năm, tối thiểu bằng thời gian họ trả nợ ngân hàng với một giá để có thể vừa trả nợ vừa có lời. Cả hai bên đều có lợi vì thường điện sản xuất bởi nhà máy thủy điện không những rẻ hơn điện sản xuất bởi nhà máy chạy bằng than hay dầu vì nhiên liệu là nước không mất tiền mua, lại thêm không làm ô nhiễm môi trường như khí than đốt thải ra không khí. Giá cũng ổn định hơn vì không bị ảnh hưởng lên xuống của thị trường nhiên liêu. Do đó lúc trước Mỹ rất thích mua điện của Québec. Bây giờ thì khác, do công ty điện lực Mỹ cho xây nhà máy chạy bằng khí "shale" rất rẻ được gây dựng gần những nơi tiêu dùng nên còn không bị tốn phí tổn để chuyển như trong trường hợp điện sản xuất tại Qc từ xa đến. Như vậy là bài toán về điện lực của Qc đã bị thay đổi, phải tính khác.

Cuộc mua bán điện nêu trên giữa các công ty Mỹ và Qc hiện còn chưa được hoàn hảo là do chưa phải "On line", còn phải qua "Opérateur" tức còn phải qua người điều hành điều khiển. Nếu có thể tự động hóa hết để có thể làm dịch vụ trực tiếp thì sẽ nhanh và hữu hiệu hơn. Đây cũng là mục tiêu chung của các công ty điện trên thế giới. Mộng này có khả năng được thực hiện nhờ sự tiến bộ của hai ngành IT(Information technology) và điện tử, mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành điện gọi là thời đại của các mạng lưới điện thông minh mà tiếng Anh gọi là "Smart Grid". Người ta cũng cho đây là một cuộc cách mạng về kỹ thuật (révolution technologique). Các công ty điện bỏ hàng tỷ dollars vào các dự án loại này. Người ta hy vọng là nếu điện được sản xuất và tiêu dùng một cách hữu hiệu thì sẽ tránh được phần nào việc phải phá thiên nhiên để xây đập điện. Bên mình có năng lượng mặt trời dồi dào. Các gia đình VN có thể tự sản xuất điện ra để dùng bằng cách đặt các bảng hứng ánh sáng mặt trời (Panneau solaire) trên mái nhà v.v... Nếu dùng không hết thì còn có thể bán điện lại cho EVN. Do đó chánh phủ nên khuyến khích các chương trình này trước khi phá sông xây đập một cách vô trật tự v.v..

TN

Chú thích :

- Larry Diamond là thành viên thâm niên của Viện Hoover và của Viện Freeman Spogli thuộc đại học Stanford, là nơi nghiên cứu về các vấn đề Quốc tế, đặc biệt tại đây ông cũng là người điều khiển trung tâm nghiên cứu về dân chủ,về phát triển và về tinh thần luật.

- Jack Mosbacher là một cộng sự viên làm nghiên cứu ở Viện Freeman Spogli thuộc đại học Stanford.

clip_image001Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn