Chết dưới tay Trung Quốc (Kỳ 14)

ĐỐI ĐẦU VỚI CON RỒNG TRUNG QUỐC – LỜI KÊU GỌI HÀNH ĐỘNG TOÀN CẦU

Peter Navarro & Greg Autry

Dịch giả: Nhóm dịch thuật cựu học sinh AIT

Phần IV. CẨM NANG CHO NGƯỜI ĐI NHỜ XE ĐẾN NHÀ TÙ TRUNG QUỐC

Chương 12 – Án tử hình cho Hành tinh lớn: Bạn có muốn bị rán nóng cùng sự Khải huyền?

Các vấn đề môi trường của Trung Quốc đang gia tăng. Nước ô nhiễm và khan hiếm là gánh nặng của nền kinh tế, mức độ ô nhiễm không khí gia tăng đe dọa sức khỏe của hàng triệu người Trung Quốc, và nhiều vùng đất đang biến thành hoang mạc khá nhanh chóng.

— Foreign Affairs

So với thành phố xám tro Lâm Phần thuộc tỉnh Sơn Tây nội địa Trung Quốc, Luân Đôn u tối trong truyện của Dickens trông tinh khôi như một công viên thiên nhiên. Sơn Tây là trung tâm của vành đai than đá nước này, những ngọn đồi xung quanh Lâm Phần lỗ chỗ các mỏ than - cả mỏ lậu lẫn hợp pháp, không khí đầy muội than. Đừng nghĩ đến phơi đồ giặt của bạn – chúng sẽ được nhuộm đen trước khi kịp khô.

— Time

Không ai cho là người dân Trung Quốc ngu ngốc. Nhưng những gì các nhà lãnh đạo chính phủ và giới kinh doanh Trung Quốc đang làm với bầu không khí, nước và đất đai của đất nước họ – với sự chấp nhận ngầm của đa số dân chúng – hẳn phải là hành vi bạo lực tự hủy hoại diện rộng xuẩn ngốc nhất, thiển cận nhất chống lại Mẹ Thiên Nhiên mà thế giới từng chứng kiến. Đó là đau nhức mắt, ngứa trong họng khi hít không khí nhiễm độc đến xé phổi phun ra từ các khu nhà máy của Trung Quốc, hay làn sóng các hóa chất gây ung thư, phân và chất thải chưa xử lý tràn ngập các dòng sông lớn nhất như Hoàng Hà và Dương Tử, hay ô nhiễm kim loại nặng khắp nơi, dư lượng thuốc trừ sâu và các chất thải điện tử chết người làm thoái hóa đất nông nghiệp màu mỡ, hay là cuộc Vạn lý Trường chinh phá rừng và sa mạc hóa từ vùng cực tây Tân Cương đến tận cửa ngõ Bắc Kinh, tất cả hơn bao giờ hết vẫn đang hình thành một “Mùa xuân yên lặng”1 cùng năm tháng.

Tất nhiên, thói thường của các quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc biện hộ cho tội ác chống Mẹ Thiên Nhiên rằng đế chế non trẻ của họ vẫn đang trong giai đoạn đầu của phát triển kinh tế. Họ khẳng định ít nhất vẫn phải trải qua một số tổn hại về môi trường trước khi Trung Quốc Đỏ tạo nên một quá trình chuyển đổi “tất yếu” thành Trung Quốc Xanh. Và một số vị lãnh đạo đảng theo thuyết “việc làm cho bây giờ, môi trường để sau này” hẳn nhanh chóng chỉ ra rằng khi nước Mỹ công nghiệp mới phát triển từ hơn một thế kỷ trước, Pittsburgh đã bị bọc trong tấm vải liệm nạm than và Cleveland là thành phố mà ở đó nếu bạn không thể đi bộ trên mặt nước vì quá tù đọng thì ít nhất có thể đốt cháy nước.

Vâng, thưa Trung Quốc, chúng tôi biết thế. Nhưng Trung Quốc xin hãy nghe điều này: Bất kỳ điều gì Mỹ đã từng làm trong lịch sử môi trường của nó hay việc nước Anh triều đại Victoria đã làm trong suốt cuộc Cách mạng Công nghiệp, hay Brazil hoặc Indonesia, Mexico hoặc thậm chí bất kỳ các nước lớn nào khác hôm nay đang làm tại bất kể đâu là không đáng kể gì so với sự báng bổ môi trường hàng loạt từ nhỏ đến lớn đang diễn ra ở Trung Quốc. Và ta không cần phải là ngài cựu Phó tổng thống Al Gore để hiểu cái sự thật tệ hại này: Phần lớn các thiệt hại môi trường đang gây ra là không thể đảo ngược; hiệu ứng “đốn và đốt” quy mô công nghiệp của Trung Quốc đang lan tỏa như một căn bệnh ung thư ra khắp thế giới.

Chính bởi điều đó tất cả chúng ta ở bên ngoài Trung Quốc rốt cục phải băn khoăn về sự sốt sắng thiển cận của chính phủ Trung Quốc ngang nhiên đánh đổi không khí, nước và đất trồng lấy 30 đồng bạc và mảnh thị phần lớn hơn trên thị trường toàn cầu. Không giống như ở Las Vegas, “Cái gì xảy ra ở Trung Quốc không ở lại Trung Quốc”. Hãy mang khẩu hiệu này đến ngay trước thềm nhà chúng ta, hãy cân nhắc việc khí độc hại gia tăng như đàn châu chấu từ các nhà máy Trung Quốc nay đang làm bẩn bầu không khí không chỉ của Nhật Bản, Đài Loan và bán đảo Triều Tiên mà còn của Los Angeles, San Francisco và Denver.

Như trong Chương 2 “Chết vì chất độc Trung Quốc” đã minh họa khá sinh động, tất cả các vi khuẩn, chất độc dioxin, kim loại nặng, dư lượng thuốc trừ sâu độc hại làm ô nhiễm nguồn nước và đất đai Trung Quốc đang luẩn quẩn đâu đó trong sản phẩm nước táo, thịt gà, cá, tỏi, mật ong, vitamin, và các loại thực - dược phẩm khác Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Và nhìn vào tương lai con cháu chúng ta, khi sự ô nhiễm nước và không khí, sa mạc hóa, phát triển thái quá, nhiễm độc đất gia tăng và sự biến đổi khí hậu đang dần làm eo hẹp và phá hoại vụ thu hoạch những loại cây lương thực chính như lúa mì, gạo và đậu nành tại nước này, Trung Quốc sẽ gia tăng cạnh tranh tìm nguồn cung cấp thực phẩm từ khắp thế giới – và hệ quả giá cả sẽ tăng đột biến suốt từ các làng xóm tận châu Phi cho đến các siêu thị ở châu Âu hay vào tận các khu vực bán thực phẩm trong siêu thị Walmart trên đất Mỹ.

Vì tất cả các lý do đó và nhiều lý do khác nữa – bao gồm cả vai trò quan trọng nhất của Trung Quốc trong sự nóng lên toàn cầu – tất cả chúng ta trên khắp thế giới cần hiểu rõ cái “Thảm kịch của cư dân toàn cầu” đang dần bộc lộ và cần đương đầu với Trung Quốc một cách tương xứng.

Đừng để họ nhuộm nâu bầu trời xanh của chúng ta

Ở Mỹ, chúng ta đưa lũ trẻ thành thị đến các nông trại để chỉ cho chúng xem con bò và biết sữa lấy từ đâu. Ở Trung Quốc, theo cùng một cách dã ngoại như vậy, những người lớn lên ở các thành phố công nghiệp như Bắc Kinh, Trùng Khánh và Thành Đô đi để nhận ra bầu trời thực sự có màu xanh vào ban ngày và có các ngôi sao lúc ban đêm.

Tôi đã trực tiếp nhận được bài học này trong một sứ mệnh nhân đạo khi giúp các bác sĩ Trung Quốc ở thành phố đi kiểm tra bệnh khuyết tật tim bẩm sinh ở trẻ em và bệnh cao huyết áp ở người trưởng thành vùng nông thôn. Khi những chú chuột thành thị này ra vùng thôn quê, họ nhìn thấy các ngôi sao và tỏ ra kinh ngạc thực sự.

Điều khôi hài là ngay cả vùng núi Vân Nam bầu không khí vẫn bị ô nhiễm đến mức thay vì được chứng kiến cảnh tượng tuyệt vời của hai nghìn ngôi sao lấp lánh thường làm choáng ngợp bọn trẻ Mỹ trong chuyến cắm trại đến Joshua Tree hay Mỏm núi Washington, tất cả thứ mà chúng tôi thấy là chỉ những dấu mờ lấp lánh mà bạn có thể thấy vào bất kỳ đêm nào ở Los Angeles.

— Greg Autry

Ai đã từng đến Trung Quốc để xem Tử Cấm Thành, Vạn Lý Trường Thành hay nghĩa trang lớn của nền dân chủ có tên Quảng trường Thiên An Môn đều biết chính xác vấn đề là: Bạn có lẽ không nên thấy, nếm thử - hay bị nghẹt thở - trong bầu không khí bạn đang phải hít thở. Nhưng nó đầy rẫy trong cuộc sống hàng ngày của hàng trăm triệu dân Trung Quốc với bệnh ho đã thành mãn tính, hầu hết trong số họ hẳn là không biết rằng bầu trời có lúc xanh thẳm vào ban ngày và lấp lánh hàng tỷ ngôi sao vào ban đêm.

Tuy nhiên, không phải chỉ là bầu trời màu nhờ nhờ mà người Trung Quốc cần lo ngại về tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm như vậy hằng năm giết chết tới 700.000 người Trung Quốc. Nó gần tương đương với việc làm ngạt thở toàn bộ dân số thành phố San Francisco, các bang Wyoming hay Delaware, vùng dân cư Canada của New Brunswick, hay thậm chí toàn bộ quốc gia Bahrain mỗi năm.

Giờ hãy phân tích việc này: Theo phong cách tinh hoa kiểu nhà nước độc tài toàn trị của Orwell, khi nghiên cứu đó của Ngân hàng Thế giới lần đầu tiên xuất hiện, những nhân viên kiểm duyệt yêu cầu con số thống kê 700.000 xác chết phải bị cắt bỏ trong bản in cuối cùng của báo cáo này; những kẻ săm soi của đảng Cộng Sản đã không cao giọng nói điều đó không đúng sự thật, đơn giản là họ e sợ con số chết chóc này có thể dẫn đến bất ổn xã hội. Thật vậy - và liệu đã đến thời điểm bất ổn chưa?

Và đây nữa, một thống kê lạnh gáy khác dù không phải là một bí mật quốc gia gì cả. Đất nước đông dân nhất thế giới này nổi bật với hơn 100 thành phố có hơn 100 triệu dân; và thực tế là mỗi cộng đồng đông đúc này của nhân loại đều được bao phủ dưới một đám mây mù độc hại chứa dioxit lưu huỳnh và các hạt bụi đâm thấu phổi. Hơn nữa, trong số 20 thành phố lớn nhất thế giới bị ô nhiễm không khí tồi tệ nhất – dù cái tên Mexico City (thủ đô Mexico) và Jakarta xuất hiện ngay trong đầu chúng ta – thì có tới 16 đô thị kiểu "cần đeo mặt nạ dưỡng khí" đó ở Trung Quốc.

Vậy tại sao không khí ở Trung Quốc dơ bẩn thế? Đơn giản, vì than đá đáp ứng đến 75% nhu cầu năng lượng của Trung Quốc – trong khi chỉ có ít nỗ lực quản lý việc sử dụng than sao cho giảm phát thải. Thực vậy, hàng ngày trên khắp đất nước này, than được vận chuyển, đốt cháy, xử lý chỉ với công nghệ kiểm soát ô nhiễm sơ sài và chẳng ai buồn quan tâm đến tác động của các quy trình đó đến đời sống con người hay động vật. (Một trong số chúng tôi thậm chí đã tận mắt chứng kiến các công trường nơi hàng tấn hàng tấn than trôi xuống sông Dương Tử từ các bãi chứa được xây dựng cẩu thả - rồi sau lại được vá víu qua loa và thờ ơ).

Than không chỉ là lựa chọn của các nhà máy điện. Ở nhiều gia đình nông thôn Trung Quốc, than thô được dùng để nấu ăn và sưởi ấm - mà hệ thống thông gió trong nhà dân lại hầu như không có. Than hiện diện khắp nơi trong nền kinh tế Trung Quốc gây ra tới 90% khí thải SO2 - thành phần chính trong lớp mây mù ở nước này. Sự lệ thuộc vào than đá cũng là lý do không khí Trung Quốc đọng đầy các hạt bụi chết người, chúng có thể xâm nhập sâu và xé rách mô phổi.

Vậy tại sao mỗi người chúng ta phải quan tâm việc người dân Trung Quốc cứ muốn chết ngạt như thế, hãy nhớ rằng: Cứ với 100 tấn SO2 hay bụi hoặc hơi thủy ngân chết người từ các nhà máy của con Rồng này phun lên bầu trời Trung Quốc, hàng trăm kilogram chất thải ô nhiễm cuối cùng sẽ gây tổn thương mắt, phổi, họng và hệ thần kinh dân cư ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và sau đó cả ở Bắc Mỹ. Không phải là vô cớ mà ban có thể thức dậy ở Carson, California hay Seattle, Washington rồi kêu lên: “tôi ghét cái mùi Trung Quốc này vào buổi sáng”.

ớc, nước ở mọi nơi mà chẳng có giọt nào để uống

Ba con sông lớn nhất nước Mỹ - Colorado, Mississippi và Ohio bẩn đến mức con người sẽ gặp nguy hiểm nếu bơi lội hay ăn tôm cá đánh bắt ở đó. Những đoạn sông Ohio chảy qua Pittsburgh cũng tù đọng, đen ngòm sền sệt như thể người ta có thể bước đi trên đó.

— FactsandDetails.com

Ta không chẳng cần phải là người có thẻ thành viên Câu lạc bộ Sierra2 để biết đoạn trích dẫn trên là thiếu căn cứ. Nhưng ngay khi ta thay thế các từ “Mỹ” bằng “Trung Quốc”, “Dương Tử, Châu Giang và Hoàng Hà” thay cho “Colorado, Mississippi và Ohio”, “Quảng Châu” đổi thành “Pittsburgh”, bức tranh môi trường mà trang web FactsandDetails.com đó mô tả thật trung thực.

Cũng chẳng cần phải là thành viên Hiệp hội Súng trường quốc gia3 để biết nếu các con sông và đường thủy ở Mỹ nhiễm bẩn dù chỉ bằng một phần mười sông ngòi ở Trung Quốc, cả Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sẽ cầm súng đứng lên, theo nghĩa đen. Tuy nhiên, ở Trung Quốc người ta hầu như chẳng làm gì để bảo vệ nước - nguồn tài nguyên quý giá nhất.

Thực lòng mà nói, tình trạng thiếu quản lý môi trường ở Trung Quốc làm chúng tôi ngạc nhiên nhất. Chiếm tới 20% dân số thế giới nhưng Trung Quốc chỉ có 7% nước ngọt thế giới; nhiều vùng đất rộng lớn ở nước này – bao gồm hơn 100 thành phố - phải chịu hạn hán triền miên. Bất chấp thực tế thiếu nước, các chuyên gia cố vấn của chính phủ và giới kinh doanh Trung Quốc vẫn cho phép 70% toàn bộ sông suối, ao hồ và 90% nước ngầm nước họ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thậm chí, ở các thành trì công nghiệp như Sơn Tây, phần lớn nước sông độc hại tới mức không thể nhúng tay xuống. Jeffrey Hayes cung cấp một vài cảnh tóm tắt bộ phim thực tế đang diễn ra trên các sông hồ ở khắp Trung Quốc:

Nhng vùng nước đáng lẽ đầy cá tôm và thân thiện với những người thích bơi lội thì nay là mặt nước váng đen và ngầu bọt, bốc mùi hôi thối. Các con kênh lớp lớp rác rưởi lềnh bềnh, rác ken dày hai bờ kênh. Đa số là các loại rác thải nhựa đủ màu đang phai nhạt với mức độ khác nhau dưới nắng mặt trời.

Sự nguy hại ấy gây ra bởi lũ lượt hàng tỷ tấn chất thải công nghiệp chưa xử lý, phân hóa học, nước thải chưa qua xử lý của người và động vật thải ra từ khắp mọi nơi, từ các nhà máy hóa chất, sản xuất thuốc và sản xuất phân bón, từ nhà máy thuộc da, sản xuất giấy hay những trang trại nuôi lợn. Chính vì hàng loạt khối chất thải chưa xử lý đó được thải ra, hàng tỷ dân Trung Quốc phải uống nước ô nhiễm hàng ngày, trong đó ít nhất 700 triệu người phải quen với loại nước uống chứa "gia vị" chất thải người và động vật.

Trong khi đó, sông Liao lớn nhất miền nam Mãn Châu là biểu tượng cho câu châm ngôn: Trung Quốc càng tăng trưởng nhanh thì càng tụt hậu trong việc bảo vệ môi trường. Vì ngay cả khi hai bờ con sông này được trang bị nhiều cơ sở xử lý nước mới, những cơ sở này hoàn toàn bị lấn át bởi tải lượng ô nhiễm liên tục gia tăng.

Giải thích tại sao các lưu vực sông ở Trung Quốc lại ô nhiễm quá mức, hãy lấy một trường hợp “đi đêm” điển hình của một trong những “Vua sơ mi” ở tỉnh Quảng Đông – Công ty dệt may Fuan. Bị cáo giác trong phóng sự của tờ Washington Post, nhà máy của Fuan đã phải đóng cửa vì đổ trái phép 20.000 tấn chất thải nhuộm đỏ dòng sông địa phương. Thế nhưng, trước nạn thất nghiệp gia tăng, các quan chức của chính quyền địa phương âm thầm khuyến khích Fuan chỉ cần đơn giản đổi tên và chuyển đến địa điểm mới.

Thực tế, ô nhiễm nước hãi hùng của Trung Quốc đã thêm vào kho từ vựng về các thảm họa môi trường một thuật ngữ mới – “làng ung thư”. Chỉ tính dọc theo sông Hoài đã có hơn 100 làng ung thư; các nông dân ở khu làng dòng nước con sông này bao quanh mắc bệnh ung thư thực quản, ruột và dạ dày với tỷ lệ cao như tỷ lệ tử vong của đám lính bộ binh Mỹ đổ bộ xuống bờ biển Normandy.

Xem nào, gần đây nhất vào thời Mao Trạch Đông, người Trung Quốc rất gắn bó với các nguồn nước. Tuy nhiên, ngày nay thậm chí nếu Mao Chủ tịch – người yêu thích bơi vượt sông Dương Tử – có sống lại thì chắc ngài thà chết còn hơn tắm sông. Với cùng kiểu thích nước màu mè như thế, cho dù dễ dàng đến với nhiều sông suối vùng núi, các cư dân thành thị như Thành Đô và Trùng Khánh cũng không lựa chọn những nơi đó để câu cá giải trí mà thay vào đó là tìm đến các hồ nhân tạo nằm trong các khu “công viên câu cá”. Trong khi ấy, hàng triệu người dân Thượng Hải sinh sống ngay vùng bờ biển và cửa sông, nhưng chẳng ai dám liều tắm mình hoặc bơi lội trong các vùng nước chết quanh thành phố đó.

Để thấy nỗi hổ thẹn môi trường này từ quan điểm Mỹ, hãy xét cảnh ngộ Thái hồ. Đây là thắng cảnh tương đương hồ Placid tuyệt đẹp ở Adirondacks, Mỹ, hồ này lớn thứ ba ở Trung Quốc và là nơi có hơn 90 hòn đảo, nổi tiếng với các tuyệt tác đá vôi hình thành tự nhiên. Nhưng ngày nay, quần thể Thái hồ lại nổi danh do đang đổi sang màu xanh lục sáng vì tảo sinh sôi mạnh đang làm cạn kiệt ô-xy, giết chết tôm cá trong hồ, làm cho nước hồ hoàn toàn không phù hợp cho tiêu chuẩn nước uống.

Trước nguy cơ hủy diệt tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc như trường hợp Thái hồ, liệu có hay không một nhà hoạt động môi trường nào đó từng bị tra tấn vì cố bảo vệ nó? Wu Lihong đã cố giữ niềm tin trong năm ngày trước khi bị cảnh sát buộc “thú nhận tội lỗi” và ném vào tù – một nơi đúng là trại giam ở Trung Quốc.

Đất nhiễm độc – Kẻ trừng phạt vô hình của Trung Quốc

Ông Zhou Xiansheng, Giám đốc Cục Bảo vệ môi trường nhà nước (SEPA) cảnh báo: Đất canh tác của Trung Quốc – nơi nuôi dưỡng cho 22% dân số thế giới này – đang đối mặt với sự ô nhiễm và thoái hóa tồi tệ… Sự thoái hóa chất lượng đất trở thành một vấn đề đáng lo ngại nhất trong số các sản phẩm phụ của tăng trưởng kinh tế bất chấp hậu quả kiểu Trung Quốc. Kim loại nặng tích tụ trong đất, làm cứng bề mặt đất và giảm màu mỡ của đất và dư lượng phân hóa học và thuốc trừ sâu thấy rõ trong các nông sản, gây ngộ độc cho cả con người và vật nuôi. Gần đây, có khoảng 10 triệu hec-ta đất trồng trọt – tương đương 10% đất trồng nước này - bị ô nhiễm và hủy hoại.

— Worldwatch Institute

Tờ Thời báo môi trường Trung Quốc gọi nhiễm độc đất là “sự ô nhiễm vô hình” bởi vì nó không thể thấy rõ bằng mắt thường như sự ô nhiễm nước và không khí. Ngày nay, nhặt bất kỳ nắm đất Trung Quốc nào, thực sự bạn đang nắm “chất độc trong đất”.

Ví dụ, ở các trung tâm sản xuất đồ điện tử ở đồng bằng châu thổ Châu Giang, vấn đề nghiêm trọng nhất là kim loại nặng trong đất gồm thủy ngân, chì và nikel. Tuy nhiên, ở vựa lúa mì miền Bắc, đất đai ngập trong thuốc trừ sâu, còn các vùng trồng rau chính của Trung Quốc tràn lan chất nitrat gây ung thư do bón quá nhiều phân hóa học. Trong khi đó, các vùng trồng cây ăn quả và vườn cây trái trên cả nước tập trung sử dụng “các chất diệt trùng và thuốc trừ sâu có thành phần đồng sulfat dẫn đến nhiễm độc trái cây tràn lan có thể gây ngộ độc mãn tính”. Bất chấp lệnh cấm DDT trên cả nước, hóa chất này vẫn được sử dụng thường xuyên và những tác hại dài hạn thấy hiển nhiên ở các khu vực tuyệt nhiên không còn côn trùng lẫn chim chóc ở các vùng nông trang phía Tây Trung Quốc.

Thật thiển cận làm sao, quá nhiều sự ô nhiễm độc hại đó là quả ác báo của cái triết lý điên rồ “cứ càng nhiều càng tốt” được hàng triệu nông dân Trung Quốc tán đồng. Cho dù là phân bón hay thuốc trừ sâu cho mùa màng, chất kháng sinh ở gia súc (hay chì trong đồ chơi và sơn của chúng ta), sẽ chẳng có khái niệm sử dụng hợp lý hóa chất nào ở Trung Quốc trừ cái tâm lý “cứ đổ vào” hay “tô lên”, cho rằng cách thức đó an toàn kiểu như cho thêm ít gia vị chứa chất plutoni vào khoai tây chiên.

Căn bệnh bón quá nhiều phân của Trung Quốc như sau: Các nông dân nước này sử dụng hơn 30 triệu tấn phân đạm mỗi năm và thường xuyên dùng gấp đôi hay gấp ba lượng cần thiết. Theo chuyên gia về đất Fusuo Zhang ở Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, bón phân quá lượng làm độ pH trong đất giảm mạnh, kết quả đất bị a-xít hóa sẽ làm giảm sản lượng cây trồng từ 30-50% ở một số khu vực.

Tương tự, việc hám dùng thuốc trừ sâu đến bệnh hoạn - thường kèm với việc phun thuốc không đúng cách - dẫn đến ô nhiễm hơn 5% đất trồng Trung Quốc. Như đã nói trên, tổng cộng đất canh tác bị mất do nhiễm độc lên tới 10%. Cụ thể hơn, đó là hơn 10 triệu hecta đất nhiễm độc; tương đương với phá hủy hoàn toàn hơn 80% đất nông nghiệp ở bang Iowa.

Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn chưa dừng lại. Một vấn đề nữa là Trung Quốc sẵn sàng – quả thực còn vô cùng háo hức – trở thành bãi rác thải cho những hợp chất độc hại nhất mà thế giới hiện đại tạo ra – cái gọi là “chất thải điện tử”.

Chất thải điện tử gồm những thứ còn lại của các máy tính hỏng bị vứt bỏ, điện thoại di động lỗi thời và các đồ điện tử khác; đó thực sự là một buổi trình diễn nhạc kim loại nặng chẳng giống ở đâu. Tờ Khoa học hàng ngày kể: “Mỗi năm có tới 50 triệu tấn chất thải điện tử được tạo ra trên toàn cầu - đủ để chất đầy đoàn xe tải thu gom rác xếp hàng dài tới nửa vòng trái Đất”; và đương nhiên, Trung Quốc sẵn sàng có đủ xe tải chở rác để thu gom tới 70% số rác thải điện tử đó.

Đây không chỉ là phương Tây thải sang phương Đông. Đó còn là thế kỷ 15 hội ngộ thế kỷ 21. Trong thế giới chất thải điện tử bẩn thỉu đó, nông dân Trung Quốc ngồi xổm trước lò nướng than củi bé tẹo để hơ chảy mối hàn chứa chì ở các bảng mạch và cũng chỉ dùng chiếc quạt cầm tay be bé để tránh làn khói độc hại khi họ dùng các ngón tay trần tách các con chip máy tính, các tụ điện và điốt để sau bán lại cho các nhà máy sản xuất đồ dùng điện.

Đó đúng là một quá trình tái chế vô cùng nguyên thủy giữa các đồ dùng của cuộc sống hiện đại. Điều đó làm tăng thêm một mũi nhọn cạnh tranh từ các nhà máy Trung Quốc đối với các nước như Brazil, Mexico hay Pháp, Mỹ là nơi sẵn lòng đối xử với công dân nước họ như nhưng con người chứ không phải những vật hy sinh cho cái mục tiêu vô thần của sản xuất giá rẻ.

Sự thật đáng ghê tởm ấy đã và vẫn tiếp diễn, và thậm chí còn tệ hơn thế bởi vì bụi độc hại từ quá trình tái chế sẽ bay xa nhiều dặm đến tận các vùng nông thôn Trung Quốc. Thực vậy, ở tại và xung quanh khu ổ chuột của quá trình tái chế chất thải điện tử đó, như vùng Guiyu ở tỉnh Quảng Đông, mức độ ô nhiễm đồng, chì, nikel và nhiều loại kim loại nặng khác cao gấp 100, 200 và tới 300 lần mức an toàn.

Vậy thì sau đấy, chi phí tổng cộng của tất cả mọi nguồn nhiễm độc đất - từ hóa chất, phân bón và thuốc trừ sâu cho tới chất thải điện tử - sẽ là bao nhiêu? Theo các nhà khoa học của chính Trung Quốc, mức giá phải trả là hơn 10 triệu tấn ngũ cốc mất đi hằng năm - con số tương đương một phần sáu tổng thu hoạch lúa mì của Mỹ, một nửa sản lượng ngô của Mexico, và gần như toàn bộ sản lượng lúa gạo hằng năm của Nhật. Vâng, đọc kỹ cái bảng giá này theo cách khác, chúng ta sẽ đau đớn hiểu ra khi đến khu vực thanh toán của hiệu tạp hóa địa phương, đó chính là 10 triệu tấn ngũ cốc Trung Quốc hằng năm phải lùng sục trong nguồn cung lương thực của các quốc gia khác do thiếu sự quản lý môi trường ở trong nước.

Vị hoàng đế của sự nóng lên toàn cầu

Thế giới chưa bao giờ phải đối mặt với mối đe dọa nhãn tiền đến sản xuất lương thực quy mô lớn như mối đe dọa khi các dòng sông băng châu Á tan chảy. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước hàng đầu thế giới về sản xuất lúa mì và gạo - loại cây lương thực chính của nhân loại. Sản lượng thu hoạch lúa mì của Trung Quốc gấp đôi Mỹ, nước đứng thứ ba sau Ấn Độ. Còn với lúa gạo, hai nước này bỏ xa các nước sản xuất hàng đầu khác, tổng sản lượng lúa gạo hai nước chiếm phân nửa sản lượng toàn cầu.

Friends of the Earth

Đến lúc này, chúng tôi nghĩ bạn đã nắm rõ bức tranh về sự ô nhiễm và việc Trung Quốc không đếm xỉa đến nguồn tài nguyên thiên nhiên có tác động đến tất cả chúng ta. Tuy thế, vẫn còn một vấn đề môi trường khác chúng ta cần đặt lên bàn thỏa luận cấp hành tinh. Đó là vấn đề rất có trọng lượng về sự đóng góp phi thường của các nhà máy của Trung Quốc vào biến đổi khí hậu.

Trước khi chúng ta đi sâu vào vấn đề này, chúng tôi biết rằng nhiều người Mỹ không tin vấn đề biến đổi khí hậu là có thật, càng không tin đó là một nguy cơ chính đáng. Chúng tôi chỉ muốn nói điều này với các bạn ở đây:

Cái giá phải trả cho hậu quả việc không ngăn chặn biến đổi khí hậu nếu nó đúng là có thật sẽ cao hơn nhiều bất kỳ số chi phí nào chúng ta cần bỏ ra để ngăn biến đổi khí hậu nếu hóa ra đó chỉ là trò lừa đảo. Theo quan điểm tích cực này, hành động về biến đổi khí hậu dường như là một hợp đồng bảo hiểm thận trọng chống lại một hiện tượng chúng ta vẫn chưa biết đến một cách đầy đủ.

Vì vậy, trong bối cảnh của những quan sát này, chúng tôi lưu ý tiếp rằng ngay từ năm 2006 – nhiều năm trước khi bất kỳ chuyên gia nào thực sự nghĩ điều đó có thể xảy ra - Trung Quốc đã có bước nước rút qua mặt Mỹ trong việc trở thành quốc gia thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất. Hơn nữa, sau vài thập kỷ tới, nếu cứ tiến hành không kiểm soát, mô hình tăng trưởng nhờ-đốt-than của Trung Quốc, đi đôi với sự có mặt tất yếu của hàng trăm triệu ô tô mới chen chúc trên đường phố Trung Quốc, sẽ dẫn đến sự gia tăng các loại khí gây hiệu ứng nhà kính theo cấp số nhân – mức độ tăng mà mọi quốc gia khác kể cả Hoa Kỳ cộng lại cũng không bì kịp.

Đương nhiên, đám biện hộ Trung Quốc sẽ lập luận rằng nước này có “quyền” gây ô nhiễm thế giới tương ứng với mức độ đông dân của nó. Nhưng xin đặt ra câu hỏi rằng chính xác thì ai chịu trách nhiệm trước hết về việc Trung Quốc quá đông dân đến mức nghiêm trọng? Trung Quốc chắc chắn không thể thoái thác trách nhiệm này cho bất kỳ ai nữa.

Sự trớ trêu lớn nhất của tất cả việc này là Trung Quốc thực sự cũng là một trong số các nạn nhân lớn nhất của biến đổi khí hậu. Để hiểu nguyên nhân, nên biết rằng các dòng nước hùng vĩ chảy vào hai con sông lớn nhất Trung Quốc là Hoàng Hà và Dương Tử phần lớn bắt nguồn từ vùng phủ tuyết và các con sông băng của cao nguyên Tây Tạng-Thanh Hải. Vùng đóng băng này mỗi năm đã tan ra khoảng 7%, nếu hành tinh trái Đất thực sự tiếp tục nóng lên, các sông băng này sẽ tan nhanh hơn nhiều. Hậu quả là Trung Quốc sẽ là nước đầu tiên đối mặt với những trận lũ lịch sử trong nhiều thập kỷ - sau đó là hạn hán và đói kém triền miên khi cả hai con sông lớn nhất này cạn kiệt.

Trong khi đó, các mỏm băng vùng cực trái Đất tiếp tục tan và mực nước biển dâng lên, các thành phố ven biển như Thượng Hải và Thiên Tân sẽ ngập nước. Đây là một khả năng xảy đến rất rõ ràng được xác nhận bằng một cảnh báo thảm khốc của tiến sĩ Peter Walker ở hội Chữ Thập đỏ: “Trong vòng 80 năm, vùng đất hiện có 30 triệu người Trung Quốc sinh sống sẽ nằm dưới biển, chúng ta biết điều đó sắp xảy ra, vì vậy chúng ta phải tìm cách để bảo vệ khu vực đó”.

Vậy đấy, thưa Trung Quốc, sao ngài không bắt đầu bảo vệ chính ngài và người hàng xóm Ấn Độ của ngài cùng phần còn lại của chúng ta – mà không phải đổ lỗi cho phần còn lại của thế giới về vấn đề này nọ và yêu sách châu Âu hay Mỹ trả tiền cho giải pháp nào đó?

Sao Trung Quốc tự kết liễu mình - rồi cả hành tinh này nữa

Một thành phố công nghiệp như Thiên Dương (Tianying)– dù Trung Quốc chưa thật sự có kiểu thành phố công nghiệp – sản xuất hơn nửa sản lượng chì nước này. Vì công nghệ sản xuất nghèo nàn, qui định sản xuất còn lỏng lẻo hơn, nhiều kim loại độc hại đọng lại trong đất và nguồn nước của Thiên Dương, rồi chuyển sang máu trẻ em vùng này.

— Time

Để khép lại chương này, chúng ta cần phải trả lời một câu hỏi rành rành lúc này: Tại sao chính phủ độc tài toàn trị Trung Quốc – cái bộ máy có thể kiểm soát mọi thứ nó muốn nằm trong phạm vi biên giới của nó – lại để nước mình biến thành bãi rác của thế giới?

Lời giải thích cho câu hỏi này rất quan trọng – không chỉ dành cho nhân dân Trung Quốc. Sự thật chắc chắn là, sự dập vùi Mẹ Thiên Nhiên của họ sẽ có quả báo kinh hoàng hơn bất kỳ điều gì người dân Trung Quốc đã từng chịu đựng trong vụ Cưỡng hiếp Nam Kinh kinh hoàng những năm 30 do quân Nhật hoàng gây ra, hơn cả “cuộc chiến tranh nha phiến” tàn nhẫn của đế quốc Anh vào thế kỷ 19. Thật vậy, những vụ “sỉ nhục ngoại bang” mà đảng Cộng sản Trung Quốc thích rêu rao với thế giới đó, dù đã vô cùng tàn bạo và gây xúc động sâu rộng thời điểm ấy, giờ còn phải chào thua so với nỗi nhục môi trường đảng Cộng sản Trung Quốc đang gây ra cho người dân.

Vậy chính xác thì tại sao Thảm kịch vĩ đại của dân chúng này lại xảy ra? Chắc chắn, một phần lỗi cũng nằm đâu đó trong phòng Hội đồng quản trị của các công ty nước ngoài như BASF, DuPont, GE, Intel và Volkswagen, những kẻ xuất khẩu ô nhiễm một cách chiến lược sang Trung Quốc. Ngoài việc say sưa áp dụng nhiều biện pháp trợ giá bất hợp pháp, chính phủ Trung Quốc thường khuyến khích chuyển sản xuất về nước mình. Các lãnh đạo công ty nước ngoài hẳn thích các quy định lỏng lẻo sơ sài của “Cục ăn thịt môi trường” Trung Quốc hơn nhiều so với qui định của các Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, Nhật hay EU.

Tuy vậy, suy cho cùng, kẻ chịu trách nhiệm về “Án tử hình cho Hành tinh lớn” phải là chính đảng Cộng sản Trung Quốc vì nó không chỉ chấp nhận sự hủy hoại môi trường tồi tệ mà còn trợ giúp kỹ thuật lẫn tài chính cho việc đó. Trong thực tế, cái kiểu sốt sắng chưa từng thấy của một “Trung Quốc màu-gì-cũng-được-trừ-màu-Xanh” cho phép gây ô nhiễm quy mô lớn cho không khí, nước và hệ sinh thái đất trồng được qui về ba yếu tố đơn giản dẫn đến suy vong vì hoàn toàn chẳng có chút tầm nhìn nào cho tương lai.

Yếu tố thứ nhất được thể hiện trong nguyên tắc bất thành văn của đảng Cộng sản “ô nhiễm và tăng trưởng ngay bây giờ, còn bảo vệ môi trường cứ đợi đã”. Từ góc nhìn thiển cận đó, họ thà đánh đổi một phần môi trường Trung Quốc để cướp đi vài triệu việc làm của phương Tây – và nhờ đó để giữ ổn định chính trị trong nước – hơn là trả chi phí bảo vệ môi trường.

Vấn đề thứ hai bắt nguồn từ rất nhiều doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc, con cáo không chỉ canh chừng cái chuồng gà môi trường; nó còn nắm toàn bộ ngành kinh doanh cả gà lẫn trứng gà. Thực tế, các doanh nghiệp nhà nước cũng nằm trong đám tội đồ tệ hại nhất xả cả đống chất thải vào các nguồn nước và lên mảnh đất Trung Quốc.

Vẫn còn yếu tố thứ ba căn nguyên cho sự dửng dưng trước môi trường nằm ở tư tưởng Nho giáo, theo đó, con người đóng vai trò chinh phục thiên nhiên chứ không phải thích nghi và sống cộng sinh cùng môi trường. Một trong những minh họa bi thảm nhất về ảo tưởng lập dị này là từ thời Mao Trạch Đông và Đại nhảy vọt vào những năm 60. Cái chiến dịch “Giết chim sẻ” khét tiếng của Mao – nhà độc tài Trung Quốc nhằm làm cho nông thôn sạch bóng lũ chuột, muỗi và kẻ thù số 1 của công chúng là con chim sẻ tầm thường.

Cái trọng tội ngớ ngẩn chống lại thiên nhiên ấy cứ như một vở nhạc kịch cách mạng Trung Quốc khi Chủ tịch Mao huy động hàng triệu nông dân hò hát, la hét và đập xong chảo beng beng để xua đuổi lũ chim sẻ ra khỏi các cánh đồng. Mục tiêu của Mao là ngăn lũ sẻ không đánh chén hạt ngũ cốc. Nhưng điều vị Chủ tịch không tính đến là lũ chim sẻ ăn số côn trùng còn nhiều gấp mấy lần số hạt ngũ cốc.

Cho nên ngay sau khi China đàn áp được số lượng chim sẻ, các vùng đất nông nghiệp chính của Trung Quốc đã bị đám châu chấu đói tàn phá. Hậu quả, nạn đói theo đúng nghĩa đen cướp đi sinh mạng hàng chục triệu người Trung Quốc. Tấn bi kịch còn dài dài vì đảng Cộng sản vẫn chưa học được tí gì về quản lý môi trường khôn ngoan.

–––––––––––––––––––––––

1 Tác phẩm nổi tiếng của Rachel Louise Carson (1907 – 1964), Mùa xuân yên lặng (Silent Spring) 1962, được ghi nhận là xuất phát điểm cho phong trào bảo vệ môi trường trên toàn cầu. ND

2 Sierra Club: Tổ chức môi trường lớn nhất, lâu đời nhất và có ảnh hưởng rộng rãi nhất ở Mỹ, được thành lập từ năm 1892 ở San Francisco. ND

3 National Rifle Association – NRA là tổ chức ủng hộ cho việc bảo và thúc đẩy quyền sở hữu súng, nhóm vận động hành lang có ảnh hưởng nhất với gần bốn triệu thành viên. ND

P.N. & G.A.

Nhóm dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn