Nghị quyết Trung ương 4 và nỗi đau lịch sử

Nguyễn Huy Canh

Ngay từ khi Nghị quyết Trung ương 4 (NQTW4) ra đời, tôi đã tiên liệu khẳng định: xây dựng, chỉnh đốn Đảng nếu không đúng hướng có thể làm hại tới Đảng, và cùng với điều đó là hại đất nước, dân tộc.

Hội nghị Trung ương 6 (HNTW6) bên cạnh nhiều công việc lớn đặt ra, nó được xem như là sự vận động logic của NQ4, và mọi người đều trông chờ vào kết quả của sự kiểm điểm phê và tự phê của các lãnh đạo cấp thượng tầng theo hướng sẽ có sự loại bỏ những ai đó trong “bộ phận không nhỏ” - một khái niệm chính xác của NQ4. Đó phải được xem là hành động mạnh mẽ có tính có tính khởi đầu và dẫn đường cho một quá trình làm trong sạch bộ máy Đảng và nhà nước ở các cấp, để củng cố niềm tin của dân chúng đang bị vơi đi quá nhiều sau nhiều sự cố.

Sự vận động triệt để của NQ4 sẽ phải đưa tới kết quả đó. Điều đó hoàn toàn tương xứng với ý chí và quyết tâm đã được xây dựng trong NQ, cũng như những khai triển mạnh mẽ, rầm rộ của nó ở những tháng sau đó. Nhưng HNTW6 đã đem lại cho chúng ta một kết quả làm rất nhiều đảng viên, các nhân sĩ, trí thức và lão thành cách mạng phải thất vọng: hòa cả làng.

Tôi còn nhớ cử tri Trần Viết Hoàn, một lão thành cách mạng đã phải thốt lên một cách đau đớn: để thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, nhưng không kỷ luật một ai, chỉ một lời xin lỗi là xong.

Từ mong muốn của nhiều người, có thể kết luận: NQ4 đã thất bại.

Nếu các nghị quyết xây dựng Đảng trước đây rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, thì tôi cho rằng sự thất bại của NQ4 lại không phải trong hình thái đó.

NQ4 đã chỉ ra rất đúng nguy cơ tồn vong của chế độ. Nhưng rất tiếc rằng, công trình sư kiến thiết lên nó đã sai lầm từ công cụ/phương pháp cho đến phương hướng. Một kết quả triệt để, theo đó tôi đã tiên liệu trước rằng sẽ dẫn tới một nguy cơ mới cho sự tồn vong của Đảng còn nặng nề và tuyệt đối hơn: đó sẽ phải là sự chia rẽ, rối ren và khủng hoảng nội tình xảy ra. Vì thế sự thất bại của nó đã diễn ra trong cái sáng suốt của HNTW6, cũng như trong sự nhạy cảm chính trị mạnh mẽ của người đã sáng tạo ra nó, là linh hồn của nó. Ông đã chấp nhận sự thất bại bằng một sứ mệnh, một trách nhiệm mới rất khiêm nhường: Nó chỉ là “cái lò” để sưởi ấm cái không khí giá buốt của đêm đông tham nhũng do “bộ phận không nhỏ” tạo ra mà thôi.

NQ4 đem lại nỗi thất vọng chua cay trong nhiều chúng ta. Nhưng với tôi đó còn là sự thất vọng đối với người đứng đầu chế độ. Đó không phải vì ông đã không kỷ luật được một ai, mà trong chiều sâu hơn, đó là phương pháp, là phương hướng và định hướng chính trị của trình tư duy (của ông) đối với tiến trình vận động của chế độ chính trị, của đất nước, dân tộc.

Phương pháp ông sử dụng trong công trình NQ4 nói riêng cũng như trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của mình là duy tâm chủ quan về mặt triết học. Ông đã không hề nhìn thấy tính chủ thể của “bộ phận không nhỏ” chỉ là tính thứ hai của Tồn Tại, tính bị qui định của thế giới, của đời sống trong tính toàn thể của cấu trúc của nó.

Vì xuất phát từ tính thứ nhất của tính chủ thể đối với Tồn tại, nên ông đã xem sự suy thoái về phẩm chất chính trị và đạo đức của bộ phận không nhỏ từ chủ thể như là nguyên nhân đầu tiên và cuối cùng, và do đó ông đưa ra yêu cầu về một sự tự phê, tự giác, tự rèn luyện, tự tu dưỡng của nó là một trong những phương pháp mạnh mẽ để đẩy lùi thoái hóa biến chất của “bộ phận không nhỏ”.

Chủ nghĩa Khổng Mạnh cũng nói đến tu thân và đề cao nó trong khung cảnh văn hóa cái giá trị của đời sống tinh thần được trọng vọng, được tôn thờ ở hàng thứ nhất: an bần lạc đạo.

Không tôn trọng các giá trị tinh thần sao được khi lịch sử nhân loại còn trong đói nghèo, lạc hậu, trong sản xuất manh mún nhỏ lẻ và biệt lập, khép kín như cái thân phận của người phụ nữ Á Đông.

Lịch sử đã thay đổi, toàn bộ nhân loại đã thay đổi, thực tại người VN cũng đã thay đổi: Vật chất, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm đã trở thành một lối sống, một đòi hỏi chính đáng của nó.

Cái thang giá trị của nhân loại đã đảo chiều: cái gì thuộc về Tồn tại, về tiện nghi của đời sống cũng như hình thức thể hiện bề ngoài của nó đã trở thành nhu cầu, thành cái được tôn trọng, thành vị trí đứng xứng đáng trong xã hội của nó...

Trong khung cảnh văn hóa ấy, phương pháp tu thân đòi hỏi con người ta phải sống trong sạch, liêm khiết, tự trọng và trung thực... chỉ còn như một lời dăn dạy đạo đức của một quá khứ nghèo nàn, xa xăm vọng lại, là tiếng gọi trống rỗng của hiện tại.

Nhưng điều này mới là quan trọng, trong rất nhiều trường hợp của thực tiễn chính trị nước ta, tham nhũng không chỉ là vấn đề của đạo đức con người trong tính chủ quan: nó là vấn đề của Tồn tại, thuộc về cơ cấu của tồn tại xã hội và tồn tại người.

Tham nhũng và những suy thoái của cán bộ đảng viên, trên nét tổng quát phải được xem chính là “lỗ hổng” của các cơ chế kinh tế, cơ chế quyền lực và các cơ chế xã hội khác được/bị chủ quan hóa thông qua sự thúc đẩy mạnh mẽ của nhu cầu, khát vọng, của những thèm muốn chính đáng cũng như thái quá, vượt ngưỡng của các chủ thể tham dự.

Lòng tham lam - nhưng cũng chỉ vì Y là con người nên ra thế, nếu ta xét trong nhân cách và thân phận của nó - và các hành vi tham nhũng của quan chức phải được giải thích như là tính thứ hai của Tồn tại theo cách đời sống hóa của lý luận, thì sự bế tắc, thất bại của NQ4 là điều phải xảy ra.

Cho đến nay, đây là lần đầu tiên và, cũng là may mắn chăng - tiếc rằng chỉ bằng sức mạnh của nhạy cảm chính trị, TBT mới nhìn thấy một phần lỗ hổng trong các lỗ hổng kể trên là nguyên nhân cơ bản của nó: đó là lỗ hổng của cơ chế quyền lực mà ông đã diễn đạt nó một cách chính xác và sinh động bằng một thành ngữ của văn hóa dân gian: “tự tung tự tác” do thiếu cơ chế kiểm tra...

Đúng là quyền lực tuyệt đối, quyền lực không bị giám sát sẽ sinh ra tham nhũng. Vậy thì làm thế nào để ngăn chặn được tham nhũng, ngăn chặn được sự suy thoái của “bộ phận không nhỏ”?

Đó phải là sự lấp đầy lỗ hổng quyền lực. Nhưng theo cách nào, con đường nào? Một lần nữa chúng ta lại nhìn thấy sự bế tắc chính trị của ông khi, với tư cách TBT ông thấy rằng đó là con đường “dành” quyền lực về cho Đảng mà một thời dưới sự điều hành của cựu TBT Nông Đức Mạnh đã bỏ rơi bằng việc tái lập 2 ban của TW, Nội chính và Kinh tế.

Tôi cho rằng rồi đây lịch sử chính trị nước nhà sẽ phải nhắc nhiều đến vị cựu TBT này như một người tiên phong trong ý thức đổi mới, dù là bước đầu, cái cơ chế Đảng lãnh đạo - nhà nước quản lí. Ông là người đầu tiên đã mạnh dạn trao nhiều thực quyền cho quyền lực nhà nước mà đúng ra nó phải có. Đảng chỉ làm nhiệm vụ của người lãnh đạo: đưa ra đường lối chủ trương lớn như những nguyên lý tổng quát. Nhà nước triển khai thực hiện nó trong đời sống thực tiễn bao gồm tổ chức nhân sự, hoạch định phương pháp, tìm kiếm phương tiện và kiểm tra kết quả.

Đó là một quan điểm, luận điểm hoàn toàn chính xác về quyền lực nhà nước, và nó phù hợp với tư duy chính trị của xã hội hiện đại. Tôi cho rằng đây là công lao và dấu ấn duy nhất có được của ông Nông Đức Mạnh trong những năm làm nguyên thủ của mình.

Từ đây có thể thấy con đường của đương kim TBT là những vết xe đi đã quá cũ mòn, là sự xóa đi tất cả những tiến bộ còn khiêm tốn của người tiền nhiệm. Rồi đây có thể với cơ chế quyền lực này, bộ máy hành chính sẽ ngày một công kềnh đè lên vai lên cổ người dân ngày một nặng hơn; sự can thiệp ngày càng nhiều và sâu hơn của Đảng vào các công việc của nhà nước dẫn đến sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa chúng ngày một nặng nề, và có thể con đường cải cách thủ tục hành chính của chính phủ trong nhiều năm qua sẽ có thể trở nên vô nghĩa... Và đặc biệt Nhà nước sẽ tiến gần đến trạng thái vô trách nhiệm, hư quyền, và trong bộ máy đảng ngày càng xuất hiện nhiều hơn những ông vua mới đầy quyền bính ở nhiều vùng, nhiều cấp trong cái đất nước trì trệ, đói nghèo và lạc hậu này.

Cần phải tiếp tục con đường mà người tiền nhiệm đã vạch ra còn nhiều bất cập để dẫn đến tình trạng “tự tung tự tác” của quyền lực chính phủ bằng cách dùng ngay quyền lực của các cơ quan của bộ máy nhà nước để kiểm tra, hạn chế lẫn nhau theo quan điểm san sẻ, phân chia quyền lực từ mô hình của nhà nước tam quyền sao cho thích ứng, phù hợp với văn hóa và thể chế nhất đảng của chế độ chính trị ở nước ta.

Có ai đó có một câu nổi tiếng rằng, quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối. Tôi xin được bổ xung thêm, tham nhũng tuyệt đối, và phổ biến như hiện nay đến mức nhiều vị ĐBQH xem tham nhũng như kẻ thù, tội tham nhũng như tội hình sự; và cuộc đấu tranh với nó như một trận đánh giả; là như chủ nghĩa hiện thực phê phán ở những năm 30 của thế kỉ trước không có lối ra... thì quyền lực tuyệt đối là chưa đủ. Tham nhũng đã trở thành yếu tố của cơ cấu tồn tại người, rằng nó đã được bổ sung bởi nhiều cơ chế xã hội, trong đó nổi bật là cơ chế xin-cho đang hiện diện ở nhiều lĩnh vực như đấu thầu dự án, đầu tư công..., và đặc biệt còn được bổ sung, kích thích mạnh mẽ bởi nguyên lý: kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nội dung cốt yếu của nó ở hai mệnh đề chính trị sau:

- Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, mà trong thực tiễn vận dụng, nó thực chất là thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu của đảng dù chúng ta có diễn đạt nó bằng các chủ-vị từ nào.

- Kinh tế nhà nước mà nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước phải được duy trì, phát triển để đóng vai trò đầu tàu, xương sống, trụ cột và chủ đạo của nền kinh tế.

Chúng ta đã có kinh nghiệm cay đắng về sự tan rã của các hợp tác xã nông nghiệp cấp cao, các doanh nghiệp nhà nước trong cơ chế tập trung - bao cấp bởi sự tham nhũng của các lãnh đạo kết hợp với sự giả dối của chính người lao động trong cái cơ chế kinh tế chúng ta vẫn gọi là Vô chủ này.

Kinh nghiệm ấy cho chúng ta niềm tin vào tính tự chủ trong xây dựng kế hoạch và các chỉ tiêu sản xuất cũng như tự chủ về vốn, công nghệ... sẽ như một sự cởi trói để các doanh nghiệp nhà nước tiến lên, làm ăn có lãi, và cùng cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân. Nhưng cái cơ chế tự chủ này kết hợp với trình quản lý lỏng lẻo, và lỗ hổng trong cơ chế quyền lực đã lại càng tạo ra sự kích thích mạnh mẽ cho tham nhũng bùng phát không thể có tai mắt nào, luật lệ nào có thể ngăn chặn được một cách có hiệu quả. Sự đổ vỡ, tan chảy của nhiều quả đấm thép của nền kinh tế đã hiển hiện trong sự tìm kiếm, thể nghiệm các mô hình và cơ chế quản lý nó.

Như vậy con đường đấu tranh với một “bộ phận không nhỏ”, và trong phạm trù hẹp hơn là cuộc đấu tranh phòng chống và tiêu diệt tham nhũng để làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của Đảng không thể chỉ bằng những đạo luật hà khắc và bằng con đường tu thân, răn mình của NQ4 được, mà phải là công cuộc của Đảng và toàn xã hội chủ động cải cách toàn diện, đồng bộ thể chế từ kinh tế đến chính trị với lộ trình và bước đi thích hợp sao cho người dân phải là chủ thực sự của đất nước.

Các tôn giáo lớn và các nhà triết học của nhân loại từ nhiều nghìn năm nay đã dạy chúng ta một nguyên lý “vạn vật luôn thay đổi”, và từ quan điểm tính thứ 2 của chủ thể cho ta kết luận về sự phải thay đổi mọi tư duy, tư tưởng và quan niệm một khi sự vật, thực tiễn đã thay đổi trên cái mẫu số chung là lợi ích cốt tử của đất nước, của dân tộc phải được bảo vệ và giữ vững. Quan điểm có tính quy chụp về “tự diễn biến”, “trở cờ” chỉ đẩy chúng ta đến với sự ngưng đọng, trì trệ, ngu tín và mù lòa của tư duy chính trị, cũng như bao nỗi đau khác của kiếp người mà lịch sử này đã chứng kiến.

Ngày 12/12/2012

N.H.C.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn